Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã xác định được những tác phong đóng vai trò quan trọng làm giảm tuổi thọ (Life-Shortening Behaviors), trong đó có hút thuốc, ly hôn, rượu và khó khăn về tài chính. Tất cả làm cho cái chết đến sớm hơn.
Một nghiên cứu khác nhắm đến việc nâng cao chất lượng sống trong những năm cuối đời. Khoa học ngày càng khẳng định con người lúc về già vẫn có thể duy trì được “suối nguồn tuổi trẻ” cho cả thể xác lẫn tinh thần nếu biết cách. “Già đi trong lành mạnh” (healthy aging) là từ để chỉ những người già không bệnh tật hay tàn tật, minh mẫn và có thể “tự thân vận động” cả trong nhà lẫn ngoài đời, không làm phiền nhiều cho con cái đến tận những ngày cuối đời. Tuy nhiên, nói thì dễ, thực hiện lại không hề đơn giản.
Những tác phong làm giảm tuổi thọ
Từ lâu, khoa học đã biết đến ảnh hưởng của lối sống đối với tuổi thọ con người. Tuy nhiên xác định đó là những tác phong nào thì chưa kết luận được. Hoạt dộng thể chất ít, ăn uống mất kiểm soát là 2 yếu tố thường được nói đến. Nhưng không chỉ có thế mà còn những yếu tố khác dẫn dến tử vong sớm. Sau đó, một số nghiên cứu khác chỉ ra một kẻ thù chính của tuổi thọ. Đó là stress.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã xác định thêm một số yếu tố khác góp phần dẫn đến cái chết sớm của nhiều người. Dù nếu tách riêng ra, từng yếu tố không phải nguyên nhân chính, nhưng gộp chung lại chúng làm tăng thêm mức stress, giảm khả năng đối phó với bệnh tật và giảm hiệu quả của cơ chế miễn dịch. Nhóm nghiên cúu gồm các nhà khoa học đến từ Đại học British Columbia tại Canada, Đại học John Hopkins, Đại học Pennsylvania, Đại học California và Đại học Stanford đã nghiên cứu 57 lối sống và tác phong xã hội nghi là có liên quan đến chết sớm.
- Xem thêm: Nỗi buồn lớn nhất của tuổi già
Họ thu thập dữ liệu của 13.600 người lớn Mỹ từ năm 1992 đến năm 2008, sau đó kiểm tra lại lối sống và tác phong sống của những người qua đời từ năm 2008 đến năm 2014. Cuối cùng, vào tháng 10 họ đã xác định được 10 yếu tố chính kết hợp với chết sớm. Đó là: đang hút thuốc (being a current smoker), từng ly hôn (history of divorce), lạm dụng rượu (Alcohol abuse), đang gặp khó khăn về tài chính (recent financial difficulties), thất nghiệp (history of unemployment), từng hút thuốc (past smoking), Ít thoả mãn về cuộc sống (low level of life satisfaction), chưa bao giờ lập gia đình (never being married) và có cái nhìn tiêu cực về tương lai (negative outlook).
Điều đáng nói là cả 10 yếu tố này đều gây ra stress hay làm trầm trọng thêm stress. Ngoài ra, mức stress cũng sẽ nặng hơn do một số yếu tố khác như viêm thấp khớp, ngủ kém, huyết áp cao và suy giảm miễn dịch (compromised immunity). Phát hiện đáng quan tâm nhất của nghiên cứu là 10 yếu tố trên còn làm giảm chất lượng cuộc sống trong một thời gian dài.
Ly hôn, sống độc thân, khó khăn tài chính, thất nghiệp ảnh hưởng nhiều nhất đến stress mà hậu quả là sa đà vào rượu, tư duy ảm đạm về tương lai, bất mãn với cuộc đời, thậm chí chán sống! Giảm căng thẳng có nhiều cách và thường nói dễ hơn làm. Một số phương pháp được kết hợp với giảm căng thẳng có lợi cho sức khỏe khác như thái cực quyền, yoga, chánh niệm, tập thể dục, tương tác xã hội tích cực, tìm những cuộc vui lành mạnh và nhận thức về giá trị của bản thân.
Ăn kiêng, giảm lượng caffeine đưa vào cơ thể và bỏ rượu (chỉ uống bia liều lượng vừa phải) cũng giúp giảm strees và ảnh hưởng tốt đến cả thể chất lẫn tinh thần. “Chống lão hoá” và “chống những bệnh do lão hoá” luôn là chủ đề nghiên cứu lớn của con người vì nó giúp giảm tải gánh nặng cho gia đình và chính phủ vào thời điểm phải nuôi dân số già đông đảo và bệnh tật, bất lực. Giữ cho cơ thể vận động và tinh thần minh mẫn đồng nghĩa với duy trì được sức trẻ ở những ai làm tốt việc này.
Già đi trong lành mạnh
“Luôn có cái nhìn tích cực về tương lai” là một trong những yêu cầu chính trong cuộc chiến chống lão hoá. Những con người hạnh phúc thường khoẻ mạnh và sống thọ hơn những người có cái nhìn bi quan về cuộc đời. Nhìn tích cực về hiện tại và tương lai là chất xúc tác để theo đuổi lối sống lành mạnh. Nó giúp chúng ta đối phó với stress và dễ dàng vượt qua những trở ngại.
Chấp nhận cái gì phải đến, kiểm soát tốt tác phong và tránh những cơn giận dữ là cách hạn chế tốt nhất stress và kết quả là sức khoẻ sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó là thường xuyên vận động thể chất để hạ thấp các nguy cơ ở tuổi già như bệnh tim mạch, suy giảm trí nhớ, tiểu đường, viêm thấp khớp và béo phì. Chỉ cần 4-6 giờ đi bộ nhanh mỗi tuần tuỳ lứa tuổi cũng đã cải thiện được khả năng vận động, nhận thức và nhiều lợi ích khác nữa. Sức khoẻ xương khớp, tâm trạng và chuyển hoá chất cũng được lợi nhờ vận động.
Kết nối với bạn bè và người khác để “nuôi dưỡng tâm hồn và làm giàu cho cuộc sống” cũng là cách chống lão hoá hữu hiệu. Trò chuyện, tham dư những sự kiện, họp mặt bạn bè sẽ giúp duy trì sự tươi trẻ của bộ não. Ngoài ra, dám thử thách với những điều mới mẻ và những điều thú vị cũng là “thuốc bổ” của tuổi già. Dĩ nhiên, ăn uống hợp lý luôn có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống lão hoá. Cái gì người già đưa vào cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và nhận thức của họ. Ăn nhiều trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các chất béo lành mạnh sẽ kéo giảm nguy cơ viêm nhiễm và bệnh tật.
Ngược lại, ăn quá nhiều thực phẩm chế biến, ngũ cốc tinh chế và đồ ăn nhẹ có đường sẽ làm tăng cân, gây bệnh đồng thời cản trở các kế hoạch duy trì sức khoẻ lúc về già. Một nghiên cứu mới nữa cho thấy “tư duy tích cực” có thể kéo giảm nguy cơ mất trí nhớ trong khi những suy nghĩ tiêu cực kéo dài (bạn của stress), chính là “kẻ thù” của sức khoẻ.
Bộ não luôn bị áp lực bởi những ám ảnh về “quá khứ không thể thay đổi’, dẫn đến lo sợ về tương lai sẽ tạo áp lực rất mạnh lên stress. Hệ quả là chứng hay quên, bộ nhớ làm việc kém và thường gặp khó khăn khi phải quyết định một vấn đề. Suy nghĩ tiêu cực làm tích tụ chất amyloid protein trong não (thành phần quan trọng của mất chứng hay quên). Nghiên cứu 360 người của dự án “Pre-Symptomatic Evaluation of Experimental of Novel Treatments for Alzheimer’s Disease” (PREVENT-AD) cho thấy những người bị trầm cảm, lo lắng thường xuyên có mức suy giảm nhận thức nhanh hơn số còn lại. Mức amyloid protein cũng cao hơn.
Theo Jacob Meyer, giám đốc phòng thí nghiệm Wellbeing and Exercise Lab ở bang Iowa State kiêm giảng sư Đại học bang Iowa, để thay đổi tâm trạng và giảm bớt lượng chất béo xấu trong cơ thể, các nhà khoa học khuyên hãy bớt ngồi và ngủ mà nên vận động nhẹ khi có dịp, chẳng hạn thỉnh thoảng lại đi dạo vài phút trong văn phòng và lúc đang gọi điện thoại. “Vận động nhẹ rất có giá trị khi bạn không thể đến phòng tập thể dục hay đi bộ ngoài trời. Loại vận động này có thể diễn ra hàng ngày và ở bất cứ nơi đâu. Nó không đòi hỏi thời gian và công sức nên rất dễ thục hiện” – Meyer nói và dẫn chứng số liệu từ nghiên cứu “Energy Balance Study” của Đại học South Carolina trên nhóm đối tượng từ 21-35 tuổi.