Là một trong hai kỳ thi phổ biến nhất với mục đích xét tuyển vào các trường đại học Mỹ, SAT du nhập vào Việt Nam khá sớm và hiện nay là lựa chọn hàng đầu của các học sinh có ý định du học Mỹ. Có thể nói, đây cũng là một trong những kỳ thi mà nhiều phụ huynh và học sinh e ngại nhất. Đa phần đều lo lắng về sự khác biệt giữa hai nền giáo dục Việt Nam và Mỹ. Trong khi nền giáo dục Việt Nam tập trung nhiều hơn vào việc ghi nhớ kiến thức, nền giáo dục của Mỹ nói riêng và các nước phát triển lại tập trung vào kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề và tư duy lập luận. Tuy nhiên, theo ý kiến của những học sinh và giáo viên đã có kinh nghiệm với kỳ thi này, SAT thật sự không đáng sợ và học sinh Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để đạt được điểm cao trong kỳ thi này.
Luyện thi SAT: Biết người biết ta trăm trận không thua
Trên thực tế, các kiến thức trong kỳ thi SAT thực sự không quá khó với học sinh Việt Nam. Nếu học chắc và nắm bài trong suốt quá trình phổ thông thì học sinh có thể hoàn toàn tự tin bước vào kỳ thi SAT. Điểm mấu chốt là phải hiểu được cách thức ra đề, vì dạng đề của kỳ thi SAT khá lạ so với học sinh Việt Nam. Ôn và thi có phương pháp chính là chìa khóa thành công để làm bài thi này.
• Làm bài thi thử
Không có cách nào để làm quen với bài thi tốt hơn là làm bài thi thử. Khi làm bài thi thử, hãy đặt mình vào áp lực thời gian y như lúc thi thật, cố gắng tạo ra một môi trường càng “thực tế” càng tốt. Những lần đầu, đừng quá “hốt hoảng” nếu kết quả chưa tốt. Từ những lỗi mắc phải, các bạn sẽ dần dần làm quen với cách thức đặt câu hỏi cũng như những cái “bẫy” hay gặp. Và một lợi ích nữa của việc làm bài thi thử là các bạn có thể làm quen với sự căng thẳng và sức ép trong lúc thi. “Bài thi SAT với khá nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh phải hoàn tất trong một thời lượng hạn hẹp. Vì vậy, luyện tập thật nhiều để có chiến thuật quản lý thời gian hiệu quả trong kỳ thi nhằm tránh bị áp lực thời gian là điều rất quan trọng”, thầy Phạm Huy Hùng – Quản lý Học vụ của Yola Institute chia sẻ.
• Nắm rõ cấu trúc đề thi
Các câu hỏi trong đề thi SAT thường có độ khó tăng dần. Vì vậy đừng chần chừở những câu hỏi ban đầu mà hãy dành thời gian cho những câu hỏi khó về sau. Trong phần Đọc hiểu, cố gắng trả lời những câu hỏi về chi tiết có thể tra cứu trước rồi mới đến những câu tổng quát sau…
• Học từ vựng
“SAT là bài thi nhằm kiểm tra kỹ năng học thuật của sinh viên ở các lĩnh vực đọc hiểu, viết và toán. Trong đó, phần thi gây nhiều khó khăn nhất cho các thí sinh Việt Nam là phần Đọc hiểu (critical reading). Để tự tin với phần thi này, các thí sinh cần phải có một vốn từ vựng nhất định, vì đề thi SAT kiểm tra kỹ năng đọc hiểu ở cấp độ bản xứ”, thầy Huy Hùng nhấn mạnh.
“Học viên SAT phải có một lượng từ vựng lớn khoảng trên 10.000 từ nhằm đáp ứng nhu cầu đầu vào tại các trường đại học Hoa Kỳ, trong đó các bạn phải biết khoảng 3.500 từ dành riêng cho phần thi Đọc hiểu”, cô Vũ Minh Nguyệt – giáo viên luyện thi SAT tại Hợp Điểm – bổ sung thêm. SAT không phải là bài kiểm tra ngôn ngữ như IELTS hay TOEFL, nhưng thí sinh vẫn phải làm bài kiểm tra bằng tiếng Anh. Việc học những từ vựng hay được sử dụng trong bài thi SAT sẽ giúp các bạn không bị bỡ ngỡ. Ngoài ra, các bạn lưu ý là phải giải quyết môn Toán bằng tiếng Anh trong khi học ở trường phổ thông bằng tiếng Việt.
• Học thuộc lòng các công thức
Dù SAT là kỳ thi lập luận, không chú trọng vào kiến thức và những công thức toán học quan trọng sẽ được cung cấp trong đề thi, nhưng việc ghi nhớ và vận dụng thành thạo công thức sẽ giúp thí sinh tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
• Chuẩn bị trước cho mình một “kho” dẫn chứng bằng cách đọc nhiều hơn
Theo thầy Huy Hùng, phần thi Viết luận (essay) với thời lượng 25 phút về một chủ đề nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho quan điểm của mình. Để làm tốt phần này, các thí sinh có thể chuẩn bị cho mình một ngân hàng dẫn chứng để có thể “sử dụng” liền trong phần Viết luận. Do đó, các bạn phải chịu khó đọc và tìm hiểu thêm về các chủ đề hay gặp trong kỳ thi SAT.
• Làm phần thi trắc nghiệm một cách thông minh
Đầu tiên, hãy nhìn vào điểm chung và điểm khác nhau giữa các lựa chọn, từ đó đoán ra mục đích của câu hỏi. Sau đó, loại trừ dần những lựa chọn không đúng và chỉ tập trung suy nghĩ vào những lựa chọn còn lại. Trong câu hỏi toán học, các bạn luôn có thể lấy câu trả lời để điền vào câu hỏi, xem câu trả lời nào đưa ra kết quả đúng.
• Hãy thư giãn
Có một điều mà các chuyên gia về kỳ thi SAT luôn nhấn mạnh là thư giãn. SAT không phải là một bài kiểm tra trí thông minh, mà là về chiến thuật và sự thành thạo của thí sinh với bài thi. Nếu bạn đã dành nhiều thời gian để ôn thi, nắm được cấu trúc đề thi và biết mình cần phải làm những gì, đừng quá lo lắng. Hãy bình tĩnh và đạt điểm cao thôi!
• Hãy tập viết
Cô Minh Nguyệt cũng đã đưa ra lời khuyên cho phần thi Viết: “Bạn phải luyện viết thật nhiều trước khi thi, mục đích chính của việc này là để bạn làm quen với việc tư duy trong tiếng Anh. Viết càng nhiều, bạn sẽ càng quen, sẽ có thể diễn đạt ý trôi chảy hơn và tốn ít thời gian hơn. Song song với việc đó là tập viết luận văn theo đề SAT. Thời gian đầu có thể không cần tính thời gian, điều quan trọng là viết cho trau chuốt, viết hết khả năng của bạn. Sau khi đã quen với kiểu viết của SAT mới bắt đầu tính thời gian như khi thi thật”.
Chia sẻ của các thí sinh đã chinh phục kỳ thi SAT thành công
• Vũ Thành Trung, Loomis Chaffee School, Mỹ (học viên SAT Advanced tại Yola, SAT 2.390/2.400)
“Tôi nghĩ để thi tốt thì các bạn không nên chỉ chú trọng vào luyện tủ để chuẩn bị cho bài thi, mà còn cần phải rèn luyện khả năng tư duy nói chung nữa. Nhiều người bản xứ nói tiếng Anh rất lưu loát nhưng điểm thi SAT lại không cao. Đó là vì SAT không phải là một bài thi tiếng Anh thông thường mà còn là bài thi để kiểm tra khả năng suy luận của các thí sinh. Tôi không tập trung ôn SAT nhiều, mà đọc khá nhiều sách và viết khá nhiều bài luận, từ đó cách tư duy của tôi cũng đã trở nên logic và rõ ràng hơn rất nhiều. Vì thế nên tôi nghĩ nếu chịu khó luyện khả năng suy nghĩ thì kết quả thi SAT sẽ tự động tốt lên”.
• Nguyễn Túc Ngọc Hảo, Trường Phöí thông Năng khiếu (học viên SAT Super Advanced tại Yola, SAT 2.310/2.400)
“Theo tôi phần khó khăn nhất trong bài thi SAT là “Đọc hiểu” vì có rất nhiều từ vựng khó. Để cải thiện phần này, tôi học các sách nhưDirect Hits, 1100 Words You Need to Know, The Vocabulary for the College-bound Students,… Còn lại thì tôi làm và học kỹ đề thi từ College Board. Tôi làm 20 đề đầu từ Blue Book và Online Course vì đã có giải thích cụ thể, giúp tôi hiểu mình sai chỗ nào và rèn luyện tư duy giống người ra đề. Sau đó tôi đánh dấu và học thuộc hết những từ mình không biết. Trong quá trình ôn đọc hiểu thì tôi có đọc thêm ba cuốn sách là The Great Gatsby, The Kite Runner và Oliver Twist. Hai cuốn đầu từ vựng SAT rất nhiều, vừa giúp tôi học từ, vừa cung cấp các mẫu câu để tôi viết tốt hơn”.
• Nguyễn Trần Bảo Khánh (học viên SAT tại Hợp Điểm, SAT 2.220/2.400)
“Điểm mạnh nhất của tôi có lẽ là mảng từ vựng, vì tôi có cách học đặc biệt như tạo câu chuyện, lập bảng hệ thống cách dùng từ trong câu, thuần thục gốc từ, tiếp vị ngữ, tiếp đầu ngữ,… Ngoài ra, tôi còn áp dụng những kiến thức Anh ngữ đã được học vào các hoạt động trong cuộc sống như đi dạy kèm, làm việc tại các quán cà phê tiếng Anh, tham gia các câu lạc bộ ngoại ngữ. Về phần bổ sung kiến thức cho bản thân, tôi thường truy cập vào các website nhưVocabahead, SAT Disney Chanel, Spark Note,… và tìm đọc những cuốn sách về SAT”.
• Nguyễn Việt Huy (học viên SAT tại Hợp Điểm, SAT II 1.600/1.600 hai môn Toán và Lý)
“Theo kinh nghiệm, tôi thấy SAT I khó hơn SAT II do SAT I bao gồm ba phần Đọc, Viết và Toán còn SAT II thì chỉ thi hai môn do mình tự chọn. Vì thế mà các bạn nên tùy vào sở trường cũng như ngành học tại đại học để chọn lựa. Các kiến thức Toán và Lý xuất hiện trong bài thi đa phần đều là những kiến thức mà tôi chuẩn bị trước. Cũng có những câu hỏi khó, tuy nhiên tôi cố gắng tập trung và bình tĩnh để tránh mắc phải những sai sót trong lúc giải đề. Bình tĩnh và cẩn thận luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi”.
Nhật Hà tổng hợp