Trong bức tranh chung của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đưa nước ta thoát khỏi trì trệ để bước sang giai đoạn phát triển mới, thì quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một phần rất quan trọng. Bởi mấy năm trước, tình trạng thanh khoản kém của một số ngân hàng nhỏ, yếu kém đã dẫn đến việc chạy đua lãi suất, tỷ lệ nợ xấu có khả năng mất vốn quá cao…, gây lo ngại cho nền kinh tế.
Đến nay, sau vài năm tiến hành khá quyết liệt việc tái cơ cấu, số lượng các tổ chức tín dụng đã giảm đi bảy tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thu hồi giấy phép hai chi nhánh ngân hàng nước ngoài; ba chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác được chuyển đổi hình thức… Dù vậy, chưa có một ngân hàng yếu kém nào phải phá sản và việc Ngân hàng Nhà nước phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo cách “đánh chuột mà không làm vỡ bình” này một phần là do chưa có khung pháp lý cho hình thức phá sản. Phần quan trọng hơn là trong bối cảnh cả nền kinh tế lẫn hệ thống ngân hàng khó khăn như vậy, nếu để một ngân hàng phá sản, rất có thể xảy ra hiện tượng sụp đổ cả hệ thống. Việc cần làm thời gian qua chính là ổn định lại hệ thống ngân hàng và những người điều hành đã làm tốt nhiệm vụ đó. Đến thời điểm này, việc thanh lọc các ngân hàng yếu kém vẫn tiếp diễn, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đánh giá, phân loại và nhận diện nhóm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, với việc Luật Phá sản sửa đổi được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, từ nay những ngân hàng cố tình làm sai và rơi vào tình trạng yếu kém không thể cứu vãn sẽ phải phá sản theo luật định.
Trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu là một vấn đề then chốt. Hiện nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chủ yếu trông cậy vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tính đến cuối tháng 6-2014, VAMC đã mua được hơn 45 ngàn tỉ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Theo các chuyên gia kinh tế, với số vốn tương đương 25 triệu USD và VAMC chỉ sử dụng trái phiếu đặc biệt trong hầu hết các thương vụ mua nợ, nên con số nợ mua được như vậy là khá khiêm tốn. Để có thể xử lý khối nợ xấu khổng lồ của các ngân hàng thương mại, VAMC cần phải có thêm thẩm quyền pháp lý cũng như năng lực tài chính… Ngoài ra, để có thể đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng, việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức nước ngoài có thể tham gia vào quá trình mua bán nợ xấu là rất quan trọng.
Từ lâu, các nhà đầu tư tổ chức lớn của nước ngoài đã chú ý đến quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của nước ta. Cơ hội để giới đầu tư ngoại tham gia vào lĩnh vực ngân hàng ngày càng rõ nét, khi Chính phủ đang xem xét từng trường hợp tái cơ cấu để cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia, thậm chí mua 100% vốn của một ngân hàng cụ thể.
Theo giới phân tích, triển vọng về việc tăng sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và giá chứng khoán (trong đó có cổ phiếu các ngân hàng) nước ta còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực là hai lý do chính thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Một khi việc “nới room” lên 60% từ mức 49% hiện tại đối với doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng được thông qua, chắc chắn sẽ có một nguồn vốn đầu tư mới đổ vào nước ta, giúp hệ thống ngân hàng đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Minh Hằng