Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Khá nhiều vấn đề được Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện như Bộ Tài chính cần pháp quy hóa Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, DNNN thực hiện; Bộ Nội vụ trình dự thảo nghị định về các chức danh quản lý chủ chốt tại DNNN và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, đề xuất chế độ thi tuyển, hợp đồng có thời hạn gắn với kết quả sản xuất – kinh doanh đối với chức danh tổng giám đốc (hoặc giám đốc) trong DNNN; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả rà soát quy định về cơ chế tiền lương đối với các chức danh quản lý chủ chốt trong DNNN… Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh thành, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng nếu không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và trong việc thi hành các nhiệm vụ quan trọng khác.
Bảo Việt là một trong những doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động tốt
Cũng trong tuần qua, các lãnh đạo bộ, ngành đã bàn thảo dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 vì sau bảy năm thi hành đã gặp không ít vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng. Dự thảo dành riêng chương 7 để quy định việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN nhưng nhiều ý kiến cho rằng dù DNNN là khu vực đặc biệt, sử dụng và tiêu tiền công thì vẫn không nên cố ép việc quản lý loại hình này vào một chương, chỉ cần dừng ở quy định những vấn đề đặc thù trong quản trị, còn lại nên đưa vào Luật Quản lý vốn.
Nguyễn Thắng