Những cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ đã tạo ra hiệu ứng tích cực đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, trong đó đáng kể nhất là doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại Tokyo hôm 10-10, điều này được khẳng định thêm qua Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Cơ hội mới, tầm nhìn mới trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức, thu hút hơn 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự.
- Xem thêm: Tình hình thu hút vốn FDI khởi sắc
Phát biểu nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhắc lại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm ngoái tại Nhật Bản, nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp hai nước chia sẻ cởi mở – trong đó có nhiều ý tưởng được hiện thực hóa – đã bày tỏ hy vọng lần gặp gỡ hôm nay sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới, đặc biệt là những đề xuất có thể sớm biến những ý tưởng đó thành kế hoạch hợp tác, đầu tư, kinh doanh cụ thể.
Thủ tướng cho biết, lãnh đạo cấp cao hai nước có quan hệ tin cậy chiến lược, thường xuyên có chuyến thăm lẫn nhau. “Bên ngoài các cuộc tiếp xúc ngoại giao đó, chúng tôi còn là những người bạn thân quý, rất hiểu nhau và sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho quan hệ đối tác, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Chúng tôi xem đây chính là tài sản quý giá giữa hai nước và đó cũng là tài sản của doanh nghiệp bởi điều này sẽ góp phần làm tăng giá trị tài sản cho doanh nghiệp hai nước trong mối quan hệ hợp tác và đầu tư lẫn nhau”.
Nhật Bản là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, đứng thứ hai về đầu tư FDI với trên 52 tỉ USD, đứng thứ tư về quan hệ thương mại trên 33 tỉ USD. Năm 2017, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 9 tỉ USD. Riêng tám tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đến 7 tỉ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Kết quả khảo sát của JETRO cho biết 70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới, lý do là doanh thu tiếp tục được kỳ vọng tăng, số lượng doanh nghiệp có lãi chiếm trên 65%. Một lý do khác là Việt Nam hấp dẫn với những lợi thế đầu tư về quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng, chính trị xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, Việt Nam đang chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao. Chính vì vậy Chính phủ VN đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, hàng không, khách sạn cao cấp… Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hạ tầng cơ sở chất lượng cao, như hệ thống giao thông, năng lượng, viễn thông, hạ tầng khu công nghiệp theo nhiều hình thức linh hoạt, trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy Chương trình hạ tầng chất lượng cao tại khu vực Mekong.
Việt Nam đang phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với khu vực và toàn cầu, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam theo các thủ tục đơn giản về chuyển nhượng vốn, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản được xem là một trong các hình mẫu của đầu tư FDI tại Việt Nam về sự kiên nhẫn, ý chí, quyết tâm, về kỷ luật, tính trung thực và tính hiệu quả trong đầu tư.
Tại hội nghị vừa qua, 19 văn bản bao gồm giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư đã được ký và trao đổi. Theo đó, tính cả các văn bản đã được trao tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe, tổng trị giá các giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư đạt được trong chuyến thăm của thủ tướng khoảng 10 tỉ USD.
- Xem thêm: Tiềm năng hợp tác Việt – Nhật là vô hạn
Trong khi đầu tư nước ngoài có dấu hiệu ngày càng tích cực thì hoạt động kinh doanh trong nước chưa thấy sáng sủa, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Dẫn chứng điều này, số liệu thống kê chính thức cho thấy số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong chín tháng đầu năm 2018 của cả nước là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong quý III-2018 có 4.907 doanh nghiệp giải thể, tăng 48,3% so với quý II-2018 và tăng 49% so với cùng kỳ năm 2017. Con số này chưa tính đến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.
Theo lý giải của Cục Đăng ký và Quản lý kinh doanh, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong chín tháng đầu năm 2018 chịu sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan đối với doanh nghiệp cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường. Cụ thể, phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại. Những hạn chế cố hữu này vẫn chưa được giải quyết dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp như thiếu tầm nhìn chiến lược; năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; thiếu tính đổi mới sáng tạo trong sản phẩm; chất lượng hàng hóa, quy mô sản xuất và năng suất lao động còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Cục Đăng ký và Quản lý kinh doanh, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do cũng khiến sức ép cạnh tranh càng tăng lên đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, nhưng theo cơ quan này, vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp như: quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai; hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.
Kết quả một khảo sát thuộc dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng, thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI thực hiện trong năm 2018 cho thấy tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn đến từ cả phía doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Cụ thể, doanh nghiệp thiếu khả năng hoạch định chiến lược làm giảm độ tin cậy về tính khả thi của dự án đầu tư, thiếu minh bạch về tài chính làm giảm mức độ tín nhiệm; về phía các tổ chức tín dụng thì hồ sơ cho vay vốn còn phức tạp, lãi suất cho vay cao, đánh giá rủi ro chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản là kết quả tất yếu của quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế Việt Nam lại là một nền kinh tế năng động, đang có nhiều triển vọng, khoa học công nghệ không ngừng phát triển như hiện nay thì sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng thể hiện rõ rệt.
Hiện nay khu vực ngoài quốc doanh đóng góp ngân sách 15,6%, khu vực FDI chiếm 13,9% trong khi tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước là 1,3 triệu tỉ đồng nhưng chỉ đóng góp 11,8% tổng thu ngân sách. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp hơn 41,57% GDP, thuế cao hơn, trong khi doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên rất nhiều, vốn nhiều, lợi thế nhiều, đóng góp thấp hơn. FDI cũng thế, ưu đãi rất nhiều nhưng đóng góp cũng thấp hơn.