Trên chuyến xe lữ hành từ nước Pháp sang Thụy Sĩ, cô hướng dẫn viên người Pháp có hỏi mọi người trên xe: “Quý vị có biết thành phố nào của Thụy Sĩ được gọi là “thủ đô của du lịch” không”?
Dù đã qua nhiều nước châu Âu, nhưng Thụy Sĩ thì chưa, nên chúng tôi không biết đó là thành phố nào. Có người nói là thủ đô Berne, có người trả lời là Zurich, nhưng cô đều nói không phải. Cô cho biết thành phố này sẽ là địa điểm thứ hai của đoàn khi đến Thụy Sĩ, sau khi đã tham qua Zurich. Theo chương trình, thì ra đó là thành phố Lucerne.
Sau khi điểm tâm sáng tại Zurich, chúng tôi lên xe và băng qua đoạn đường dài với những dãy đồi núi trùng điệp, xen lẫn cây xanh mờ ảo sau màn sương, chỉ một giờ sau cả đoàn đến Lucerne. Hướng dẫn viên giới thiệu thành phố này là cửa ngõ đến miền Trung của Thụy Sĩ; ở đây cách Zurich khoảng 60km và là thủ phủ của bang có cùng tên.
Xuống xe, chúng tôi đi qua những con phố dành cho người đi bộ. Qua cầu Chapel là tới trung tâm thành phố. Ðiều dễ nhận thấy nhất là cũng giống như ở Zurich, hầu như đường phố nào ở đây cũng có cửa hàng bán đồng hồ; “đặc sản” của quốc gia trên đỉnh Alps này.
Tham quan một vài cửa hàng, chúng tôi thấy đồng hồ ở đây rất phong phú về chủng loại và giá cả. Đủ các loại đồng hồ, đồng hồ treo tường, đồng hồ cột to tướng, đồng hồ để bàn, đồng hồ đeo tay, đồng hồ quả quýt… Giá cả cũng rất đa dạng, có đồng hồ chỉ khoảng 100 Frăng Thụy Sĩ (gần bằng 100 USD), nhưng cũng có đồng hồ đeo tay mạ vàng gắn kim cương và ngọc quý lên tới hơn 100.000 Frăng Thụy Sĩ.
- Xem thêm: Interlaken, cửa ngõ thiên đường
Riêng loại đồng hồ treo tường có hình dáng giống như quả lê được mọi người chú ý nhất vì đây là kiểu dáng đặc trưng của Thụy Sĩ. Giá của đồng hồ này cũng không hề rẻ chút nào, từ 1.500 tới 6.000 Frăng Thụy Sĩ, đắt gấp nhiều lần loại đồng hồ treo tường bằng gỗ hiệu Odo của Pháp.
Ra khỏi cửa hàng đồng hồ, chúng tôi đi dạo trên các con đường trung tâm. Có thể nói trung tâm Lucerne là một bảo tàng lớn các kiểu dáng kiến trúc. Những con phố cổ lát đá dành cho người đi bộ thảnh thơi ngắm các công trình nghệ thuật đặc sắc. Những ngôi nhà xây dựng cách đây 4-5 thế kỷ với lối trang trí tranh, tượng tuyệt đẹp dễ làm say mê lòng người.
Một dãy phố rất thơ mộng bao quanh một cái hồ khá rộng. Những bầy thiên nga nhởn nhơ bơi lội và rất dạn dĩ với du khách. Xung quanh hồ là những tòa nhà cổ, đằng sau là trập trùng những dãy núi tuyết. Cảnh tượng như những bức tranh thủy mặc.
Đi bộ men bờ hồ một quảng đường ngắn, từ xa xuất hiện một cây cầu bằng gỗ trông rất lạ mắt. Chiếc cầu này có tên là cầu Chapel. Bên trên có mái che, cầu khá dài và bắc qua con sông Reuss. Hai bên cầu được trang trí bằng hai dãy hoa màu đỏ trông rất ấn tượng.
Đây là cây cầu gỗ được xem là cổ nhất ở châu Âu. Nó không chỉ nổi tiếng về tuổi đời mà còn ở kiến trúc rất đặc biệt. Trên cầu có những bức vẽ minh họa lịch sử thành phố Lucerne và cuộc đời của hai vị thánh bảo trợ cho thành phố là Thánh Leodegar và Thánh Maurizius. Một bức tranh khác mô tả 5 trong số 9 tháp canh hiện còn nguyên vẹn của bức tường thành bao quanh Lucerne cổ xưa. Mái của cây cầu được thiết kế cũng bằng gỗ khá tinh xảo, dày và chắc chắn.
Đi bộ trên cầu, chúng tôi có một cảm giác khác lạ so với bất cứ cây cầu nào trước đây; mọi thứ đều được làm bằng gỗ toả ra một sự ấm cúng lạ thường. Được biết cầu được xây dựng trong nửa đầu thế kỷ thứ 14 như là một phần của hệ thống bảo vệ thành phố và được đặt tên theo nhà nguyện của Thánh St.Peter gần đó.
Bên cạnh cầu, tháp Wasserturm tám cạnh từng được sử dụng làm nơi giam giữ các tù binh thời Trung cổ đã tạo nên một nét chấm phá rất độc đáo. Qua thuyết minh của hướng dẫn viên, một phần của chiếc cầu bị đốt cháy vào tháng 8 năm 1993, nhưng đã được xây dựng lại chỉ trong vài tháng sau đó.
Nằm bên cầu Chapel là nhà thờ Jesuit với hai ngọn tháp hình củ hành. Ngày nay, nơi này thường được dùng làm nơi tổ chức các buổi hòa nhạc.
Đi bộ khoảng 15 phút, chúng tôi đến trước một tượng đài khá độc đáo. Tượng là một tác phẩm điêu khắc hình ảnh con sư tử đang hấp hối bằng đá.
Đây là tượng đài được xem là biểu tượng của một châu Âu hợp nhất, vì tuy được đặt tại Thụy Sĩ, nhưng tượng được thiết kế bởi nhà điêu khắc Đan Mạch là Bertel Thorvaldsen, và do người thợ Đức Lukas Ahorn thi công. Tượng đài được xây dựng vào năm 1821 để tưởng nhớ những vệ binh Thụy Sĩ hy sinh trong cuộc Cách mạng Pháp.
Năm 1792, đám đông những người bạo loạn tiến vào Cung điện Tuileries. Trong trận chiến bảo vệ hoàng gia của những người lính Thụy Sĩ, 760 binh sĩ đã hy sinh. Một binh sĩ người Lucerne bấy giờ đang trong kỳ nghỉ phép, sau khi biết tin về trận thảm sát này đã quyết tâm để xây một đài tưởng niệm tại quê nhà nhằm tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống trên đất Pháp.
- Xem thêm: Ngắm hoa xuân trên núi Alps
Được tạo hình trên bề mặt một phiến đá sa thạch, bức tượng nổi tiếng thế giới vì khi nhìn vào đó, người xem có một xúc cảm đến nao lòng. Dài khoảng 10 mét, tượng mang hình một chú sư tử gục xuống trên một bãi khiên giáo ngổn ngang. Phía trên pho tượng là dòng chữ “Helvetiorum fedei ac Virtuti”, có nghĩa là “Cho lòng trung thành và sự dũng cảm của người Thụy Sĩ”. Văn hào người Mỹ Mark Twain (1835-1910) đã đến đây và mô tả trong một tác phẩm của ông: “Tảng đá bi ai và cảm động nhất thế giới”.
Tìm hiểu thêm về thành phố đẹp như tranh vẽ này thì được biết: khoảng năm 700 sau Công nguyên, Lucerne vẫn còn là một làng chài nhỏ nằm bên hồ Lucerne. Cái tên Lucerne xuất phát từ tên của một tu viện dòng tu Benedict ở đây. Năm 840, tên Lucerne được nhắc tới đầu tiên trong các văn bản cổ. Với việc mở con đèo Gothaus vượt dãy Alps, làng chài nhỏ dần dần phát triển và trở thành một địa điểm giao thương quan trọng giữa vùng thượng nguồn sông Rhein của Ðức và vùng Lombardy ở phía bắc nước Ý.
Sự kiện khai trương tuyến đường sắt Gothaus, xây dựng các tuyến đường vượt núi và phát triển hệ thống giao thông đường thủy trên hồ Lucerne đã biến Lucerne trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều người từ khắp châu Âu và cả thế giới.
Phải nói rằng Lucerne là một thành phố quá xinh đẹp về cảnh quan. Ngoài ra, đây còn là một nơi giàu truyền thống văn hóa với những ngôi nhà, khu phố cổ kính, nhà bảo tàng, những mặt hồ trong xanh cùng những chuyến tàu hỏa lên đỉnh Alps ngắm băng hà vĩnh cửu…
Người dân nơi đây sử dụng cả 4 ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ là Pháp, Đức, Ý, Rumani. Chính vì thế mà thành phố được ví như là nước Thụy Sĩ thu nhỏ. Đó cũng là lý do ngay từ thời kì huy hoàng của trào lưu du lịch khám phá lục địa châu Âu của giới quý tộc Anh hồi thế kỉ 19; Lucerne đã được biết đến với danh xưng “thủ đô du lịch” của Thụy Sĩ!