Nói tới du lịch Thụy Sĩ, thành phố Interlaken nổi tiếng nằm ở miền Trung nước này thường được rất nhiều khách lãng du nhắc đến. Không chỉ có vị trí đắc địa nằm giữa hai hồ thơ mộng vào loại bậc nhất là Thoune và Brienz, Interlaken còn là điểm xuất phát của các chuyến tham quan đưa du khách lên chiêm ngưỡng các ngọn núi quanh năm tuyết phủ như Eiger, Monch và Jungfrau. Hằng năm, có khoảng 800 ngàn lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến đây trong khi dân số ở đây chỉ vỏn vẹn 6 ngàn người, như vậy mới thấy sức hấp dẫn của Interlaken đến chừng nào.
Phong cảnh cổ tích trên hồ Thoune
Từ Milan thành phố công nghiệp và thời trang nước Ý, chúng tôi phải đổi sáu chuyến tàu khác nhau để đến thị trấn Thoune – một thị trấn cổ kính của Thụy Sĩ nhưng nhộn nhịp, có nhiều lâu đài và nhà thờ với kiến trúc Roman. Từ đây sẽ đi tiếp đến Interlaken bằng thuyền. Hồ Thoune lớn nhất khu vực, sâu đến 217m ở Bernese Oberland hình thành sau thời kỳ băng hà cuối cùng và được khai mở từ 1835, phục vụ du khách đến thăm những ngôi làng cổ mang kiến trúc đẹp như tranh rải rác trên các sườn núi quanh hồ.
Chuyến tàu khởi hành lúc hơn 10 giờ, thời tiết khá mát mẻ dễ chịu. Nước hồ trong xanh như ngọc, nắng vàng óng ánh làm cho cảnh vật thật lung linh quyến rũ. Nguồn nước của Thoune đến từ các lớp băng tan trên đỉnh núi, trong đó có nóc nhà châu Âu Jungfrau, là điểm đến lý tưởng cho các kỳ nghỉ dưỡng, bơi lội và tham gia các môn thể thao dưới nước.
Nhà cửa ở đây rất đẹp với ban công được chạm trổ cầu kỳ, treo đầy hoa bên thảm cỏ xanh mướt mát. Phong cảnh đồng quê thanh bình với những ngôi nhà mái dốc chữ A truyền thống, những lâu đài cổ kính mang vẻ đẹp nguyên sơ đã qua hàng thế kỷ, lần lượt hiện ra trong suốt chuyến hải hành quanh lòng hồ Thoune.
Mỗi điểm dừng là một di tích, một công trình, hoặc một ngôi làng cổ xưa mang các phong cách đa dạng từ Trung cổ, La Mã, Gothic đến Phục hưng, Tân Cổ điển… nay trở thành một nguồn di sản quý giá để lữ khách từ khắp thế giới tìm đến trải nghiệm, khám phá và hòa mình cùng những dấu ấn đậm màu cổ tích.
Sau hơn một giờ ngồi thuyền chúng tôi đến Spiez, vịnh được nhiều du khách thừa nhận thuộc hàng đẹp nhất châu Âu.
Bến thuyền lớn và đẹp, đi sâu vào một chút là nhà thờ cổ nằm trên một ngọn đồi nhỏ với những vườn nho. Có nhiều ghế cho du khách ngồi ngắm cảnh hưởng thụ trọn vẹn cảm giác bình yên của thiên nhiên.
Rời Spiez, sau hai tiếng ngồi trên du thuyền chúng tôi đến Interlaken.
Cửa ngõ vào “nóc nhà châu Âu”
Đầu tháng 8 là thời điểm Interlaken ngập tràn du khách, đa phần là những người có niềm đam mê thám hiểm, leo núi, trekking đến từ khắp thế giới. Đây là mùa hoàn hảo nhất trong năm cho những ước muốn trải nghiệm cung đường núi trên dãy Alps với vẻ đẹp, sự hiểm trở, và hùng vĩ của châu Âu. Địa hình nhiều đồi núi và sông hồ cộng với công nghệ phát triển và khí hậu thuận lợi cho phép Interlaken khai thác các loại hình thể thao gây cảm giác mạnh, phổ biến nhất vẫn là leo núi, trượt tuyết và nhảy dù.
Ngoài ra còn có loại hình trèo trên những bức tường băng, đi xuyên qua những hang động băng đá, trượt nước trên sông băng, nhảy bungee, lướt sóng, hay tham gia cùng những nhóm canô vượt qua thác ghềnh, đi trên dây và những thanh gỗ hẹp, đu cây. Trong vòng bán kính 20km, không một thành phố nào của Thụy Sĩ lại có nhiều hoạt động thể thao giải trí đến thế.
Đại lộ nối từ khu Tây tới khu Đông của Interlaken được cho là đẹp nhất và sầm uất nhất với nhiều khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm có lối kiến trúc rất riêng của địa phương, là nơi dạo phố lý tưởng cho những khách du lịch thích náo nhiệt. Interlaken còn được coi là thành phố mang đậm nét văn hóa Thụy Sĩ với nhiều lễ hội truyền thống, các xưởng chế biến pho mát, sô-cô-la hay những tuyến đường mòn xuyên rừng, vượt núi.
Khu phố này có rất nhiều hàng bán đồ lưu niệm vô cùng hấp dẫn và phong phú, nào kẹo sô-cô-la, nào dao inox đủ cỡ đủ loại, các bức tượng người và thú vật bằng gỗ, đồng hồ quả lắc gỗ các cỡ với những nhà cửa xinh xắn. Rồi búp bê bằng đất nung, bằng vải trong trang phục dân gian, những chú bò, gấu, cừu… bằng sứ màu sắc sặc sỡ trông thật ngộ nghĩnh. Hàng lưu niệm ở đây khá đắt vì đều do người dân làm theo phương pháp thủ công truyền thống, nhưng chỉ đi xem các cửa hàng cũng đủ mê rồi.
Mặt hàng lưu niệm nổi tiếng nhất của Interlaken là dao mang nhãn hiệu “Quân đội Thụy Sĩ” (“Swiss Army Knife”). Quân đội Thụy Sĩ được đặc cách bảo vệ Giáo hoàng nhưng chẳng bao giờ dính dáng vào các cuộc chiến tranh. Dao “Quân đội Thụy Sĩ” được bày bán khắp mọi nơi ở Interlaken, từ cửa hiệu lớn cho đến quầy tiếp tân của các khách sạn, hay tại sạp tạp hóa nhỏ. Các dịch vụ khắc tên miễn phí lên dao cũng phổ biến.
Thư giãn trên những đỉnh cao
Có hai cách để có thể lên được đỉnh ngọn núi Jungfrau là đi bộ hoặc đi xe lửa. Việc xây dựng tuyến đường ray nối thẳng lên đỉnh Jungfrau thực sự là một kỳ tích mà từ hơn 100 năm qua, ngành đường sắt của Thụy Sĩ luôn tự hào. Ý tưởng “điên rồ” này được Adolf Guyer-Zeller – “ông vua không ngai” trong ngành đường sắt Thụy Sĩ – phác thảo năm 1893.
Năm 1896 bắt đầu thi công và đến năm 1912 mới hoàn thành sau rất nhiều trở ngại về tài chính, đình công, tai nạn từ các vụ nổ mìn phá núi… Tuyến đường này chuyên chở du khách từ Kleine Scheidegg đến nhà ga Jungfraujoch ở độ cao 3.454m, với chiều dài 9,34km, dốc gần 70 độ.
Sau một đêm dừng chân ở một khách sạn nhỏ, sáng sớm chúng tôi xuất phát từ thị trấn Grindelwald, đáp chuyến tàu hỏa “Good Morning Train” lên đỉnh núi. Vì tàu chỉ chạy mỗi giờ một lần và mất đến hai tiếng đồng hồ để lên tới đỉnh, nên chúng tôi cố gắng xuất phát sớm nhất có thể.
Đường đi lên đỉnh núi chia làm ba quãng chính, với hai lần đổi tàu, vì càng lên cao đường càng dốc nên cần loại tàu đặc biệt hơn để leo những đoạn dốc này. Chặng cuối là loại đường ray răng cưa có từ 200 năm nay, được thiết kế rất đặc biệt để leo đồi núi.
Qua ô cửa sổ tàu, khung cảnh thiên nhiên hiện ra đẹp tựa như bức tranh cổ tích, những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh với bậu cửa sổ đầy hoa thơ mộng bên những rừng thông ngút ngàn xanh biếc. Và cả triền núi phủ đầy hoa dại trắng, tím, vàng khoe sắc rực rỡ.
Từ trên cao nhìn xuống, đường tàu chạy ngoằn ngoèo, dưới tầm mắt chúng tôi là sườn đồi thoai thoải nơi đàn bò béo núc đang ung dung gặm cỏ. Tàu lên cao dần, những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng hiện ra, đó là lúc chúng tôi cảm nhận cái lạnh dần thấm vào da thịt.
Qua hai trạm dừng chân, chặng cuối cùng lên đỉnh có lẽ là quãng đường thú vị nhất. Ở độ cao 3.454m, Jungfraujoch là nhà ga cao nhất ở châu Âu với một tuyến đường sắt dài chỉ 19,3km. Tại đây, du khách có cơ hội ngắm đài quan sát Sphinx – nơi lắp đặt kính chống tia tử ngoại nằm ở độ cao 3.571m.
Bầu trời trong xanh cùng ánh nắng chói chang khiến mọi vật trông càng rõ nét. Từ đài quan sát, có thể nhìn bao quát toàn cảnh ba đỉnh núi Eiger, Mönch và Jungfrau sừng sững giữa một không gian phủ tuyết mênh mông cùng dòng sông băng Aletsch duyên dáng và cả rừng đen Đức ở phía chân trời.
Trên đỉnh Jungfrau, những đám tuyết trắng hội tụ phản chiếu ánh mặt trời như những viên kim cương lấp lánh. Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng về một quang cảnh heo hút trên đỉnh, khu vực nhà ga ở đây được thiết kế khá đẹp và hiện đại, với đường hầm và khá nhiều nhà hàng, công trình phụ cũng có ở nhiều nơi và rất sạch sẽ.
Tuy nhiệt độ ngày hôm ấy ở trên đỉnh núi chỉ tầm -6 độ nhưng chúng tôi cảm thấy lạnh khủng khiếp, có lẽ là do gió quá lớn, đứng một lúc ngoài trời mà ai cũng run lập cập. Nhưng việc lên đỉnh núi quả thật là một trải nghiệm thú vị vì có lẽ trong cả cuộc đời sẽ không nhiều lần có được cái cảm giác được bao quanh bởi mây và trước mắt là các đỉnh núi tuyết phủ trắng trải dài bất tận như thế.