Năm nay giải Nghiên cứu được trao cho một nhân vật mà nhà dân tộc học Georges Condominas và học giả Cao Huy Thuần vẫn gọi là: nhà bác học và người nghệ sĩ Lê Thành Khôi. Trong sự nghiệp suốt gần ba phần tư thế kỷ với tầm bao quát uyên thâm khắp hàng chục lĩnh vực từ lịch sử, văn hóa, văn minh, kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội, tôn giáo… cho đến cả văn học và nghệ thuật, lĩnh vực nào ông cũng được coi là chuyên gia mở đầu và hàng đầu. Người cùng với vị tân khoa 90 tuổi Lê Thành Khôi đoạt giải trong lĩnh vực này là họa sĩ 36 tuổi Vũ Đức Hiếu. Họa sĩ Vũ Đức Hiếu là người đầu tiên ở Việt Nam hầu như hoàn toàn bằng công sức và tài lực của mình đã tự xây dựng và duy trì một bảo tàng tư nhân về nền văn hóa Mường – một dân tộc có lịch sử lâu đời và đặc sắc bậc nhất trong cộng đồng các dân tộc của nước ta. Đây là một bảo tàng sống khá hoàn chỉnh về văn hóa Mường. Ở đó khách tham quan sẽ được sống đời sống hằng ngày với những người Mường trong một làng Mường thật sự. Bảo tàng độc đáo này đã là nơi đến của 60 nghệ sĩ, họa sĩ và các nhà điêu khắc thuộc các trường phái nghệ thuật đương đại từ 15 nước, khiến cho làng đã bắt đầu có tên trên bản đồ nghệ thuật ASEAN.
Trong những năm qua, giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục luôn được xã hội rất quan tâm. Năm nay giải được trao cho bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng là một học giả có uy tín trong chuyên ngành sử học và cả trong ngành khoa học xã hội nói chung. Uy tín đó không chỉ được xác lập trong môi trường học thuật của Việt Nam, mà còn được công nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế, đặc biệt trong khối Pháp ngữ. Trong suốt nhiều năm bà Bùi Trân Phượng đã tập trung hoạt động không mệt mỏi cho giáo dục đại học, mà thành tựu chân thực và sống động nhất là đóng góp to lớn có tính chất quyết định của bà để đưa Trường Hoa Sen từ một trường dạy nghề từng bước trở thành một trường cao đẳng, rồi thành một trường đại học tư thục có uy tín và chất lượng cao nhất ở Việt Nam hiện nay. Trường Đại học Hoa Sen cũng đang trở thành một diễn đàn trao đổi những tri thức và tư tưởng mới về văn hóa – giáo dục, là nơi quy tụ của nhiều giá trị văn hóa – giáo dục Việt Nam, đúng như vai trò của một trường đại học thực sự cần có trong một xã hội.
Trong hệ thống giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, giải Dịch thuật vốn có sớm nhất. Qua sáu lần trao giải cho mười một dịch giả, có thể nhận ra rằng hầu như tất cả những con người đó dù đều ở trong những điều kiện khó khăn nhưng vẫn bền bỉ, lặng lẽ, cần mẫn năm này qua năm khác đem tinh hoa nhân loại về cho dân tộc. Hai dịch giả Chu Tiến Ánh và Phạm Duy Hiển đoạt giải năm nay cũng không ngoại lệ. Dịch giả Chu Tiến Ánh đã 81 tuổi hiện vẫn đang cặm cụi với một công trình dịch thuật mới. Từ 38 năm trước, khi Thư viện Khoa học Xã hội Việt Nam vừa được thành lập cho đến suốt hơn 20 năm sau đó, Chu Tiến Ánh đã là cộng tác viên kiên định cùng một số dịch giả khác trong một tập thể mà ông giữ vai trò chủ chốt, góp phần quan trọng trong việc xây dựng cho thư viện hàng đầu về khoa học xã hội này một kho tư liệu đa dạng và khổng lồ. Lĩnh vực quan tâm của ông rất rộng lớn, bao gồm từ triết học, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học, nhân học, chính trị học, kinh tế học… cho đến các lĩnh vực văn học nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, kiến trúc… Chúng ta cũng tìm thấy một tâm huyết, một sự khát khao và tận tụy như vậy ở dịch giả Phạm Duy Hiển (tức Phạm Nguyên Trường). Phạm Nguyên Trường có một trang web với tên gọi Một cửa sổ nhìn ra thế giới. Ở đấy đều đặn hằng ngày, ông chia sẻ cho đồng bào của mình những tri thức lớn của nhân loại mà ông tin là cấp thiết, đồng thời lại là cơ bản cho đất nước đang trằn trọc trong phát triển.
Cuối cùng, giải thưởng Việt Nam học được trao cho nhà Việt Nam học Philippe Langlet. Nhà nghiên cứu người Pháp này đã cùng vợ mình – bà Quách Thanh Tâm chọn một lối đi riêng trong hoạt động nghiên cứu về Việt Nam: không tách rời lịch sử nghìn năm với cái đương đại đang diễn ra trên đất nước này, đối chiếu cái nghìn năm với cái hôm nay để mà hiểu thấu cả hai. Trong một loạt tác phẩm quan trọng của ông đều có sự cộng tác khắng khít và uyên bác của bà, từ dịch và bình chú Thiền Tông, dịch và bình chú Thiền uyển tập anh đến Tuệ Trung ngữ lục, nghiên cứu về Minh triết Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ XII, phân tích phương pháp biên soạn lịch sử xưa của Việt Nam qua Việt sử thông giám cương mục…, Giới thiệu lịch sử Việt Nam đương đại (1975-2001) và bộ sách công phu Địa đồ lịch sử sáu tỉnh miền Nam Việt Nam từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX… Philippe Langlet nói rằng ông hy vọng có đủ sức để hoàn thành việc giới thiệu và xuất bản Kinh Tuệ Trung, và ông nguyện sẽ hoạt động đến cùng để hai nền văn hóa Pháp – Việt đoàn kết thân tình hơn, hiểu nhau kỹ lưỡng hơn.
Cũng như những năm trước, năm nay thành công của giải được tạo nên bởi những người nhận giải. Chính tài năng, cống hiến và uy tín của các trí thức này đã tạo nên giá trị, uy tín và độ tin cậy của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Nguyên Ngọc