Có người gọi đó là “rừng” vì tuy chỉ hai mươi mấy mẫu nhưng hệ sinh thái trong đó như một góc rừng U Minh thời còn hoang sơ. Có người gọi là “vườn” vì vốn dĩ nơi đó cây cối không dày đặc như những khu rừng khác.
Vườn cò Thanh Kiều ở Hòn Đất thật sự là khu rừng thu nhỏ. Bởi bên trong đặc sệt sự sống của rừng. Giữa thời mọi tấc đất đều nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, tôi chưa thấy nơi nào cá tự nhiên nhiều như ở đây.
Ngồi im bên một khoảng nước, sẽ thấy từng đàn cá sặc rằn, cá lòng ròng nổi lên hớp không khí hoặc ăn bèo. Bông súng không lớn nổi với bầy cá. Rắn nước, rắn hổ hành, rắn ri voi, rùa, ba ba, lươn… thì chỗ nào trong rừng cũng có.
Trên mặt nước là bầy vịt trời hàng ngàn con bơi ào ào lục lạo thức ăn.
Trong vòm cây, trên bầu trời là thế giới của chim cò. Chim cò làm tổ quanh năm, mật độ dày tới mức phân của nó làm cho những tán lá tràm không tổng hợp được diệp lục phải tàn lụi. Kỹ sư Nguyễn Văn Thanh, chủ vườn, phải trồng những loại cây lá trơn hơn, sức sống mạnh hơn như bình bát, để cò ở được mà cây cũng trụ được với đám phân cò. Anh Thanh nói không phải chim cò thích sống ở rừng tràm. Nó thích sống ở nơi yên ổn bất kể nơi đó là rừng gì.
Hai mươi hai mẫu đất là tài sản lớn lao của người nông dân nhưng nó chẳng là gì giữa bạt ngàn đất nhiễm mặn lẫn chua phèn của cánh đồng Hòn Đất cũng như những cánh đồng trong tứ giác Long Xuyên. Nguồn tài nguyên của rừng ngập nước không nằm ở những loài cây thân gỗ lâu năm mà nằm ở đàn thủy sản và đàn chim cò đang trú ngụ giữa rừng. Trong những khu rừng ngập nước, những loại cò sống cộng sinh cùng nhau là nơi để bảo vệ đàn cò ốc, một người bạn tốt của nhà nông, hung thần của ốc bươu vàng.
Cò ốc không thể sống riêng lẻ. Cò trắng, cò ốc, vạc và cồng cộc thường sống cộng sinh. Tụi nó chấp nhận ở gần nhau, đẻ lên tổ của nhau. Chúng sống tập trung mật độ thật dày tạo mùi hôi nồng nặc cả cánh rừng. Nếu mật độ cò thấp, những loài rắn sống trên cạn sẽ bò lên ngọn cây thịt hết đám cò con. Loài vật càng yếu càng chú trọng cộng sinh. Đó là quy luật để thiên nhiên phong phú, loài mạnh loài yếu cỡ nào cũng có đất sinh tồn.
Bảo tồn nơi ở cho bầy cò còn là bảo vệ những loài chim quý hiếm được nhắc tên trong Sách Đỏ như chim cổ rắn. Nó có tập tính rất nghĩa tình. Hễ một con bị bắn là cả đàn xúm lại tiếp cứu chớ không bỏ chạy, và rồi cả đàn bị bắn không còn con nào.
Ở vườn cò Thanh Kiều, chim cổ rắn được tự do phát triển bầy đàn, tự do nuôi dưỡng tập tính tình nghĩa vốn có. Với loại chim này, ngay cả những con mới ra ràng bị lấn rớt khỏi tổ, anh Thanh không thể mang nó về đúng tổ được thì anh cũng không khai thác làm chim thịt mà đem vào nuôi trong lồng lưới to bao quanh một cái cây lớn trên mặt ao.
Rừng còn là một cái bẫy lớn của loài chuột. Những con chuột làm mồi cho những đàn rắn săn chuột đang sống lặng lẽ dưới những ao bèo. Khi sinh thái hoàn toàn trong sạch, rừng là nơi lý tưởng của những đàn ong mật, đàn kiến vàng đang dần cạn kiệt.
***
Một ngày rất bình thường, tôi cùng anh Thanh vào rừng thăm đàn cò.
Anh Thanh đi trước dắt đường. Tôi đi sau lưng anh, thấy anh ngắt từng nhánh choại non bỏ vào miệng nhai ngon lành. Thỉnh thoảng anh dừng hẳn lại, vói tay hái những đọt choại xa hơn. Đọt choại xào hay nấu canh là món khoái khẩu của nhiều người. Nhưng rau rừng mà chỉ ăn sống một mình nó như trái cây thì chắc chỉ có những người lạc rừng thiếu thức ăn mới nghĩ tới. Anh Thanh ăn rau như một người đang lạc rừng vậy:
– Lúc nào tôi làm việc trong rừng nhiều mà lười vào nhà ăn cơm, tôi chỉ ngồi hái đọt choại nhai như vậy cho tới khi nào no rồi uống nước và ngủ một giấc, thức dậy làm tiếp. Võng tôi giăng đầy trong rừng, buồn ngủ cứ ngã ngang đó mà ngủ…
Anh Thanh thường ngủ rất sớm, ba giờ sáng đã thức dậy ra phát cỏ hoặc làm bất cứ chuyện gì trong rừng. Tới chín giờ thì ăn cơm rồi ngủ một giấc. Chiều lại tiếp tục công việc. Những khi khách cần rắn hoặc lươn, tự anh đi đặt trúm, bởi anh biết mình bắt làm sao để không tổn hại đàn rắn, đàn lươn. Với những con cò con mới ra ràng do ổ đầy quá giành ăn lấn nhau bị rơi xuống, không bay lên được hoặc những con cò già không còn bay được, nó sẽ sà xuống đi bộ. Nếu không nhặt, chúng đi bộ chừng chục ngày sau cũng chết. Anh chỉ nhặt những gì thiên nhiên dạt ra. Nên đàn cò vẫn bình yên, vẫn kéo đến vườn làm ổ rồi đẻ trứng hết mùa này đến mùa khác…
***
Vườn cò có mật độ như ngày nay ngoài sức tưởng tượng của anh Thanh. Lúc đầu anh chỉ mua những thửa đất phèn chua để cải tạo trồng vườn. Anh trồng mấy mẫu chanh. Người ta nói đất này vừa nhiễm mặn vừa nặng phèn chỉ để đưng, lác, năng, tràm mọc chơi, trồng chanh sao sống nổi. Anh Thanh nói chủ yếu là kỹ thuật.
Những năm đi bộ đội về làm kiểm lâm, ở miết trong rừng tự nhiên anh khoái rừng nên khi cưới vợ xong anh thi vào lâm nghiệp học chuyên ngành lâm sinh. Học bằng sự yêu thích và khát khao kiến thức nên anh hiểu rất sâu đặc tính của những sinh vật sống giữa rừng. Nhờ giỏi kỹ thuật mà vườn chanh nhà anh vượt qua chua mặn rồi sai trái. Vợ anh nói chỉ có nước lấy xuồng đựng tiền.
Như có linh cảm đất lành, cò kéo về vườn nhà anh Thanh sinh sống. Khi nhìn thấy những con cò đầu tiên về làm tổ trên ít ỏi cây tràm trong vườn, anh Thanh tháo nước nhấn chìm cả vườn chanh để trồng tràm. Cốt lõi là anh muốn có nhiều cây tràm cho cò ở. Giờ thì đám tràm trồng lần đầu cũng đã tan nát dưới chân bầy cò. Lần này thì anh trồng cây gì vợ anh không còn than vãn nữa. Bởi chị biết những loại anh đang trồng không phải cây xanh mà là dựng nhà ở cho lũ chim trời.
– Tụi nó khôn lắm. Một ổ cò bao giờ cũng có một con giữ nhà, một con đi kiếm mồi. Chỉ cần động một ổ nó sợ hãi bỏ đi cả nhóm, rồi cả đàn. Nếu nơi kiếm mồi động nó chỉ đi một chút hoặc vài ba ngày sẽ đảo lại kiếm ăn. Nếu nơi ngủ, nơi đẻ con động nó sẽ không bao giờ trở lại vườn nữa…
Rốt cuộc anh Thanh hưởng lợi gì nơi cánh rừng đẫm mồ hôi của mình suốt mấy mươi năm qua? Những đọt choại non, một nhúm nhỏ cá đồng nấu chua, đôi chén cơm mỗi bữa, những bóng mát cho vài cái võng. Rắn, lươn, rùa, chim cò thì anh đã ngán lắm rồi. Nếu khai thác những món đó để bán cho khách thì tiền cũng để đổ vào rừng, mua thêm đất cho rừng. Nếu khu rừng này lớn hơn gấp đôi, gấp ba anh vẫn ăn như vậy, làm như vậy, ngủ như vậy. Chỉ khác là da sạm hơn, tóc bạc nhiều hơn và đôi mắt vời vợi hơn bởi mãi dõi theo sự sống những cánh cò…
Nhà thơ Vũ Thiên Kiều, người vợ thanh mai trúc mã của anh Thanh vốn dĩ xinh đẹp như diễn viên điện ảnh và rất đỗi tài năng, mà vừa phải đi làm ở cơ quan của huyện ủy vừa phải xắn quần lên dội phân, nấu cám cho cả đàn hàng trăm con heo thịt và hàng chục con heo nái. Chuyện cực khổ nào chị cũng làm để có tiền nuôi con, để chồng có tiền nuôi đam mê rừng. Nhiều khi chị nói mệt quá tới nỗi thèm được ngồi khóc mà không có thời gian để khóc.
Cho tới bây giờ vẫn vậy, khi cơ ngơi đã lớn rộng và vô cùng giá trị thì chị vẫn vừa xinh đẹp vừa lam lũ từng ngày. Còn bao lâu nữa? Chị lắc đầu. Đó là con đường thăm thẳm. Bởi chị biết, những đồng tiền có được nhiều hay ít, rồi cũng đổ vào rừng, đổ vào những cánh chim trời. Nhưng chị cũng biết, hạnh phúc và sự nghiệp của người chồng lam lũ mà chị rất mực thương yêu, ngoài gia đình chính là những cánh chim bạt gió đang nhởn nhơ yên ấm giữa rừng.
- Xem thêm: Đất không còn phúc lành