Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng trong thời gian học tập tại các nhà trường, cũng như tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Hội thảo “Phát triển mô hình đào tạo khởi nghiệp từ giáo dục phổ thông” (ngày 15-12) nhằm thảo luận về đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ; nêu bật sự cần thiết của việc đưa mô hình khởi nghiệp vào trường phổ thông; học hỏi mô hình đào tạo từ Israel: Những bài học kinh nghiệm từ Quốc gia khởi nghiệp. Đồng thời, đưa ra những phương hướng, giải pháp để phát triển mô hình khởi nghiệp cho học sinh ngay từ cấp phổ thông. Chương trình có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Hà Nội, Đại sứ quán Israel, đại diện chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ và các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty BK – Holdings, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – đơn vị tổ chức hội thảo – nêu rõ vấn đề hiện nay: từ khóa “khởi nghiệp” xuất hiện ở khắp nơi; nhưng câu hỏi lớn đặt ra là chúng ta đã chuẩn bị hành trang gì cho những người chuẩn bị khởi nghiệp.
Theo báo cáo mới nhất về chỉ số khởi nghiệp tại Việt Nam do một số tổ chức nước ngoài tham gia hội thảo phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp có 12 tiêu chí. Việt Nam có ba tiêu chí trên mức trung bình của thang điểm 5, còn chín tiêu chí dưới mức trung bình. Trong đó có ba tiêu chí ở mức thấp nhất. Đó là chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hệ sinh thái khởi nghiệp. Thứ hai là tài chính trong khởi nghiệp, thứ ba là giáo dục về kinh doanh ở phổ thông. Chỉ số thứ ba chỉ đạt 1,57/5 điểm.
Tại Israel, giáo dục khởi nghiệp đã có mô hình chuyên nghiệp, nhằm phát triển tính cách và tư duy khởi nghiệp cho các em học sinh từ bậc tiểu học. Ông Doron Lebovich, Phó đại sứ Israel đã có bài chia sẻ về các mô hình giáo dục khơi dậy cảm hứng cho học sinh phổ thông trong lĩnh vực khởi nghiệp tạo hội thảo. Theo ông Doron, thanh thiếu niên là nguồn lực quan trọng nhất đối với mỗi quốc gia, vậy nên đầu tư vào giáo dục thanh thiếu niên chính là cách phát triển đất nước hiệu quả nhất. Ông Doron Lebovich cho biết 80% các trường của Israel là công lập. Chính phủ hỗ trợ hoàn toàn về vốn. Các bộ môn chính được giảng dạy cho học sinh chiếm khoảng 75% thời gian, 25% thời gian còn lại thiết kế riêng phù hợp với học sinh từng trường. Các giáo viên được phép thiết kế bài giảng của riêng mình. Các trường xây dựng các khóa học thực tiễn để đưa vào giảng dạy, đặc biệt tập trung vào giáo dục Stem (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) từ mẫu giáo cho đến đại học. Học sinh không chỉ học lý thuyết, thực hành trong phòng thí nghiệm, mà còn được nhà trường gửi đến các công ty lớn để có trải nghiệm. Học sinh từ 15-18 tuổi được trải nghiệm trại hè sáng tạo bằng tiếng Anh.
Với dân số khoảng 8,7 triệu người và thiếu thốn tài nguyên nhưng sự năng động và sáng tạo đã đưa Israel trở thành “miền đất” khởi nghiệp với con số hơn 5.000 startup và lượng vốn đầu tư hơn 170 USD/người. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm một phần trăm rất lớn trong nền kinh tế, tỷ lệ R&D/GDP của Israel cũng được đánh giá là một trong những nước cao nhất trên thế giới. Hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, eBay, Apple, IBM, Google và Microsoft… đã đến Israel đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và trung tâm R&D tại đây.
Meir Dardashti – chuyên gia phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đến từ Vườn ươm Ideality Roads (Israel) cho rằng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không phải quá trình ngẫu nhiên mà cần có sự tham gia của Chính phủ. Chính phủ Israel xác định tham gia ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay ở giai đoạn đầu, là thời điểm rủi ro cao, doanh nghiệp dễ thất bại và rất khó để kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Xác định khoa học và công nghệ là đòn bẩy để trong chiến lược phát triển của mình, Israel đã thành công với nhiều công ty khoa học và công nghệ, startup… Việc đầu tư cho doanh nghiệp cũng được quốc gia này chia theo chiến thuật và có những mục tiêu rõ ràng. Mỗi giai đoạn phát triển sẽ có những mức đầu tư khác nhau và cần có định nghĩa về “thất bại thị trường”. Nghĩa là giai đoạn đầu rủi ro cao, các doanh nghiệp không đổi mới công nghệ không thể kêu vốn từ tư nhân, lúc này cần những hỗ trợ, chính sách từ Chính phủ. Thường thì giai đoạn này Nhà nước hỗ trợ 85% kinh phí, 15% còn lại là từ phía tư nhân. Thực tế cho thấy, sau một thời gian phát triển, mức đầu tư của tư nhân sẽ tăng 4-5 lần so với mức Nhà nước bỏ ra. Đồng thời, hoạt động đổi mới sáng tạo không thể tách rời vấn đề sở hữu trí tuệ. Điều này có ý nghĩa chiến lược không chỉ cho một quốc gia mà cho cả một doanh nghiệp nhỏ bước chân vào khởi nghiệp.
Tại Việt Nam, mô hình khởi nghiệp cho học sinh trường phổ thông cũng bắt đầu được triển khai qua các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin, tư duy tài chính, kỹ năng mềm… Bởi theo các chuyên gia, giáo dục khởi nghiệp là nền móng, có thể tạo ra các ý tưởng đột phá và cả những mô hình kinh doanh thành công trong tương lai. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Bùi Tiến Dũng cho biết, đối với học sinh trước mắt là xây dựng bộ tài liệu khởi nghiệp cho đội ngũ lãnh đạo nhà trường. Thứ hai là hỗ trợ trực tiếp cho giáo viên dạy hướng nghiệp trong các trường phổ thông cũng như tại các trung tâm hướng nghiệp của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Bước tiếp theo là tập huấn cho đội ngũ giáo viên này và đội ngũ quản lý các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của các trường.
Trong khuôn khổ hội thảo, BK – Holdings, Hanoi ADC – Thành đoàn Hà Nội và Junior Achievement Vietnam (JA Vietnam) đã ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ các trường phổ thông xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Việc hợp tác mở ra chương trình liên kết đào tạo khởi nghiệp bài bản và có hệ thống cho học sinh trong các trường phổ thông. Cụ thể, BK – Holdings hỗ trợ phát triển, đào tạo các chương trình về công nghệ thông tin; JA Vietnam hỗ trợ phát triển, đào tạo các chương trình về tư duy tài chính, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho các trường phổ thông qua việc tổ chức các cuộc thi hướng nghiệp, khởi nghiệp hằng năm cho học sinh; Hanoi ADC có trách nhiệm phối hợp cùng các bên trong tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội nghị, diễn đàn… để tuyên truyền, giới thiệu và phổ cập chương trình hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp đến các trường, đồng thời hỗ trợ các trường tập huấn các kỹ năng mềm.