Gặp Tất My Loan trong một buổi chiều anh tập dượt cùng các diễn viên tại Nhà hát Hòa Bình để chuẩn bị cho chương trình Trở về Tuổi thần tiên. Khác với hình dung về một đạo diễn sân khấu lão làng hét ra lửa, Tất My Loan dù nghiêm túc trong công việc nhưng vẫn luôn dí dỏm, hài hước với những câu bông đùa rất duyên trong suốt buổi tập… Hỏi, anh cười và trả lời: “Lần này mình viết kịch bản chứ có phải đạo diễn đâu, lên đây chỉ để chơi với mọi người thôi”. Nói vậy thôi nhưng cũng biết tâm huyết anh dành cho chương trình lần này, cũng như cái tên Tuổi thần tiên trong suốt 20 năm qua là rất lớn. Có lẽ chính nhờ tâm hồn trẻ trung, hồn nhiên như vậy nên “lão” đạo diễn tóc hoa râm ngoài ngũ tuần này vẫn có thể tiếp tục bay bổng và sống cùng với các giấc mơ của tuổi thơ.
Khi ra đời cách đây 20 năm, Tuöíi thần tiên đã nhanh chóng trở thành một chương trình mang tính biểu tượng đối với một thế hệ thiếu nhi và gắn liền với tên tuổi đạo diễn Tất My Loan. Vậy tại sao anh lại không đưa Tuöíi thần tiên trở lại sớm hơn?
Trong suốt thời gian qua, phải nói là tôi thường xuyên bị hỏi tại sao không làm tiếp Tuổi thần tiên, thậm chí còn có nhiều người ngỏ ý đứng ra tổ chức tất cả chỉ để tôi tập trung chuyên môn làm đạo diễn. Nhưng thú thật mình làm gì cũng phải có cái duyên, có cảm hứng, có ý tưởng. Nếu chưa tìm ra được những chất liệu, ý tưởng thật sự mới, độc đáo thì tôi sẽ không làm. Cho dù là chương trình dành cho thiếu nhi nhưng cũng không thể nào lặp lại, nhàm chán được.
Sau 20 năm, thế hệ khán giả ngày đó của Tuổi thần tiên đều đã lớn cả rồi, nhưng chúng tôi thì vẫn phải giữ cho mình một tâm hồn trẻ. Lần này, có thể là thử thách, hoặc là may mắn, nhưng tôi nghĩ chắc là cả hai.
Bây giờ, các chương trình dành cho thiếu nhi cũng không còn thiếu như 20 năm về trước nữa. Vậy anh có sợ Trở về Tuổi thần tiên lần này sẽ khó có thể gây được tiếng vang lớn và vượt qua được cái bóng quá lớn của Tuöíi thần tiên trước đây?
Nếu mục tiêu chỉ có vậy thì chắc tôi đã không đợi đến tận 20 năm. Làm một chương trình nếu chỉ hướng đến tiếng vang và thành công thương mại thì hướng tiếp cận của người thực hiện sẽ hoàn toàn khác. Hai mươi năm trước, Tuổi thần tiên đã sử dụng những kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhất của thời điểm bấy giờ thì Trở về Tuổi thần tiên lần này cũng sẽ sử dụng những công nghệ hiện đại nhất của thời điểm hiện tại. Tất cả các khâu trong chương trình đều được “chọn mặt gửi vàng” cho các nghệ sĩ hàng đầu như Đức Trí phụ trách phần âm nhạc và âm thanh, toàn bộ trang phục được thực hiện bởi NTK Minh Khoa, phần ánh sáng 3D Mapping được thực hiện bởi nghệ sĩ người Mỹ Fernando Toma. Tuy nhiên, tất cả những sự chăm chút này lại bắt nguồn từ sự kỹ lưỡng, cầu toàn về nghệ thuật của chúng tôi, đặc biệt là khi xây dựng chương trình dành cho thiếu nhi. Tất cả các chi tiết đều là một phần của một tổng thể chất lượng, có chiều sâu. Chúng tôi bây giờ đều đã làm cha làm mẹ cả rồi, cái thật tâm dành cho thiếu nhi cũng ăm ắp và thiết thực. Chúng tôi xây dựng một chương trình mà bản thân mong muốn đưa chính gia đình của mình đi xem. Vừa đủ hấp dẫn, đủ hồn nhiên để thu hút các em nhỏ, vừa đáp ứng được nhu cầu giáo dục và định hướng của các bậc phụ huynh, đó sẽ là cách để Trở về Tuổi thần tiên tìm được tiếng nói chung với khán giả của mình.
Anh có thể bật mí một chút về kịch bản Trở về Tuổi thần tiên và anh lấy nguồn cảm hứng từ đâu?
Kịch bản Trở về Tuổi thần tiên sẽ gồm ba phần chính: Trí tưởng tượng bay bổng, Sáng tạo và Hài hước với nội dung chính xoay quanh chủ đề về gia đình. Gia đình là cái gốc sinh ra mỗi con người, là cái nôi nuôi chúng ta lớn, gia đình cũng là những tế bào giúp kiến tạo nên mỗi xã hội.
Tôi lấy cảm hứng cho kịch bản Trở về Tuổi thần tiên từ chính cuộc sống thường ngày của mình vậy thôi. Chắc vì bản thân mình là một người khá cầu toàn trong vấn đề giáo dục kiến thức và thẩm mỹ cho con, nên dù có bận cách mấy, tôi vẫn phải dành ra một khoảng thời gian không nhỏ để lên mạng, đọc sách, chọn lọc cho con tôi những nguồn thông tin mà mình cho là bổ ích. Không phải là tôi không tin con mình, nhưng thông tin bây giờ nhiều quá, những thứ hay, đẹp không thiếu nhưng những thứ tạp nham lại càng nhiều hơn. Nếu mình có thời gian, khả năng để chọn lọc ra trước thì tốt chứ sao.
Tôi chỉ có một cậu con trai, nhiều người cũng hỏi liệu tôi có ý định cho con đi du học hay không. Cho con mình học những thứ hay, tiến bộ chắc chắn là mục tiêu của tôi rồi. Nhưng tôi muốn trước khi lên đường đi du học, cháu phải nhận thức được bản thân mình là ai cho rõ ràng, cho chắc chắn. Là người Việt Nam với những giá trị Việt Nam, tôi muốn con mình phải luôn hiểu rõ được điều đó. Trong sân khấu cũng vậy, chỉ cần trả lời được ba câu hỏi “Tôi là ai? Tôi ở đâu? Tôi đang làm gì?”, là tự nhiên mọi thứ đã có thể vào guồng hoạt động. Và kịch bản Trở về Tuổi thần tiên được xây dựng trên tinh thần đó. Chọn lọc ra những giá trị truyền thống, những thông điệp giúp các em xác định được bản thân mình. Không biết mình là ai thì làm sao mà thành người được. Và một điều vui là, tất cả những khán giả nhí của Tuổi thần tiên ngày xưa mà bây giờ tôi có dịp gặp lại, đều đã thành người.
Các nhân vật lần này không sử dụng Doremon, Năm Anh em Siêu nhân hay những nhân vật tương tự, chúng tôi đang bước đầu hoàn thiện hình hài cho ba nhân vật Ti, Ti, Ti với những câu chuyện hoàn toàn mới và gần gũi hơn. Tôi muốn bắt tay vào xây dựng nên những hình tượng dành riêng cho thiếu nhi Việt Nam.
Qua những chương trình dành cho thiếu như Trở về Tuổi thần tiên lần này, tôi muốn nâng cao nhận thức thẩm mỹ về nghệ thuật cho các em, đây là điều mà chúng ta đang rất thiếu.
Nhật Hà