Phạm Thiên Ân sinh ra (1989) và lớn lên tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Anh học ngành công nghệ thông tin tại Đại học Hoa Sen. Năm 2015, Thiên Ân sang Mỹ định cư. Sau khi ổn định cuộc sống tại Texas, anh đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam để chuẩn bị kịch bản, tìm kiếm chất liệu và quay bộ phim đầu tay.
Liên hoan phim Cannes 2023 đã gọi tên bộ phim Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân ở hạng mục Camera d’Or (Camera vàng)- giải thưởng vinh danh các tác phẩm đầu tay xuất sắc. Đây là bộ phim thứ hai của Việt Nam chiến thắng giải này kể từ Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng 30 năm trước.
Phong cách điện ảnh chậm mang tính thể nghiệm, thủ pháp dàn cảnh với những cú máy dài, tối giản với cách kể đậm chất tài liệu, tường thuật, cùng với sự chân thật trong diễn xuất của các diễn viên không chuyên, bối cảnh đậm chất Việt Nam… Có lẽ đó là lý do giúp Bên trong vỏ kén vàng nhận được giải thưởng tại Cannes 2023”, đạo diễn Phạm Thiên Ân tự lý giải.
Anh đã dành thời gian trò chuyện với Người Đô Thị về hành trình của một cậu bé nơi làng quê Lộc Phát, Bảo Lộc đến ngày bộ phim đoạt giải ở Cannes và công chiếu rộng rãi tại Việt Nam.
____
Sau khi chiếu tại Cannes 2023 và ra mắt tại Việt Nam, anh thấy phản ứng của khán giả thế nào?
Bộ phim có những cảnh quay đan xen giữa thực và mơ, là những điều tôi tâm đắc và trăn trở trong cuộc sống. Tôi biết những đoạn nói về tôn giáo và không khí đậm chất tôn giáo trong phim có thể khó để mọi người cảm nhận, nhưng tôi vẫn cố tìm cách tốt nhất để mỗi người có thể cảm theo cách riêng của mình. Có người cảm thấy phim rất “chạm”, họ hoàn toàn đắm mình vào phim, không bỏ sót chi tiết nào, có thể tường thuật lại bộ phim một cách rõ ràng, nhưng cũng có người không “vô” được, từ chối bộ phim ngay từ đầu. Tôi nghĩ việc thích hay không thích phụ thuộc vào nhiều thứ: độ tuổi, cảm xúc, trải nghiệm…
Tại Cannes 2023 cũng vậy, có người bỏ về rất sớm, có người coi hết và phải đợi gặp đạo diễn bằng được. Còn về hình ảnh Việt Nam trong phim, tôi chọn những gì đơn giản, mộc mạc chứ hoàn toàn không trau chuốt để thể hiện Việt Nam đẹp ra sao. Bộ phim đậm chất tài liệu, tường thuật.
____
Vì sao đi Mỹ định cư mà anh vẫn muốn làm phim về Việt Nam?
Tôi chọn định cư ở Mỹ là để làm việc, kiếm tiền, tìm kiếm sự bình yên và có đủ thinh lặng nhìn lại cuộc sống của mình để về Việt Nam làm phim. Tôi may mắn có bạn thân, vợ đồng hành trong nhóm sản xuất phim này. Dự án phim kéo dài 4 năm, kể từ 2019, quay nhiều đợt tổng cộng 120 ngày tại Lâm Đồng và Sài Gòn.
____
Có nhiều bàn luận về diễn viên chính, có người rất thích bởi vẻ chân thật, xù xì, thô ráp; có người mong đợi một gương mặt nam hút ánh nhìn hơn…
Tất cả là cơ duyên. Khi tôi casting, mọi thứ có phần thuận lợi vì mọi người đã biết đến tôi có phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng đoạt giải Director’s Fortnight ở Cannes năm 2019. Nhiều bạn diễn viên tham gia phim độc lập ở Việt Nam tới casting. Nhưng tôi không chọn được ai. Có một anh chàng tên là Vũ, học về đạo diễn, mục đích là phụ bạn mình casting vai Thảo. Tôi nhận ra Vũ đúng với sự lựa chọn của mình, một nam chính với phong cách điện ảnh chậm, tôi cần một diễn viên biết tự đọc và cảm kịch bản, tự nghĩ ra không gian riêng của mình, khả năng nhớ thoại tốt. Tình cờ Vũ cũng là một người Công giáo.
Bé trai đóng vai Đạo cũng là một cậu bé bình thường ở Bảo Lộc. Rồi cụ Lưu trong phim cũng vậy. Cú máy nơi nhà cụ Lưu dài 25 phút, với diễn viên không chuyên, lớn tuổi là một thách thức. Cụ không có khả năng nhớ thoại, đời chiến tranh của cụ là những mảnh ghép lộn xộn trong ký ức. Nhưng tôi muốn đưa hình ảnh viên đạn trên sườn cụ Lưu để nhắc tới bức tranh nổi tiếng Đức Giêsu cho Tôma thấy tay và cạnh sườn bị đâm thủng.
____
Để một bộ phim thắng giải quan trọng tại Cannes và được đánh giá đậm chất nghệ thuật, trong lúc làm phim, anh có nghĩ mình làm phim cho ai?
Tôi làm dòng phim tác giả. Ban đầu tôi làm theo cảm nhận của tôi, làm cho tôi. Kịch bản ban đầu mang tính cá nhân nhiều hơn, khó coi hơn. Nhưng trong quá trình làm, tôi cân bằng những gì mình làm và những gì khán giả sẽ xem. Trong quá trình dựng phim, tôi nghĩ nếu mình dựng cú máy này quá lâu, để khán giả quá tốn năng lượng vào những cú máy dư đầu, dư cuối thì không ổn nên tôi đã cắt ngắn bớt.
Tôi đã cắt bộ phim từ 3 tiếng 40 phút xuống còn gần 3 tiếng. Tôi đã làm một bộ phim về cái mình hiểu nhất, sống thành thật với cảm xúc của mình. Tôi hoàn toàn bỏ mọi tham vọng này kia ở bên ngoài khi làm phim để sống thực sự với đam mê. Có lẽ nhờ vậy mà may mắn đến, con đường làm phim mở ra.
____
Học công nghệ thông tin rồi chọn con đường làm phim, anh có thể chia sẻ cơ duyên với điện ảnh của mình?
Tôi không được học về điện ảnh một cách chính quy, nói như trong đức tin, điện ảnh đối với tôi đó là “ơn gọi”. Trong phim, nhân vật chính làm nghề dựng phim cưới. Ngoài đời, tôi bắt đầu điện ảnh từ dựng phim cưới. Còn một môn nữa để tốt nghiệp đại học thì tôi không thi, lúc đó gia đình chuẩn bị đi Mỹ định cư.
Bố mẹ nói tôi nên kiếm một cái nghề để qua đó làm việc kiếm tiền. Đầu tiên tôi học làm tóc, sau đó thấy không đâu vào đâu. Tôi cũng giống như nhân vật Thiện. Tôi thích ảo thuật, hay biểu diễn từ hồi cấp 3, đại học. Tôi muốn kiếm một nghề gì kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật, nên chọn nghề dựng phim. Tôi tự học dựng phim, nộp đơn vào làm việc trong công ty chuyên về cưới.
Trong 3, 4 năm đó tôi trau dồi về chụp ảnh, quay phim, dựng phim cưới, sau đó lập công ty Chất Production, khá nổi tiếng ở Sài Gòn về lĩnh vực cưới lúc đó. Sau đó, tôi muốn có thêm sự sáng tạo trong cuộc sống, thế là đăng ký cuộc thi Làm phim 48 giờ. Bộ phim này khá ngây thơ nhưng lại thắng tới 4 giải, trong đó có giải nhì, giải đạo diễn. Năm đó, Victor Vũ làm giám khảo.
Có lẽ Victor thích kinh dị nên chấm phim này vì tôi làm dạng thriller. Sau đó, tôi sang Mỹ định cư và luôn nuôi ý định về Việt Nam làm phim tiếp. Trước khi quay Bên trong vỏ kén vàng, tôi đã đi đi về về để làm ba phim ngắn nữa. Trong đó, phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng đã làm chất liệu cho cú máy đầu tiên của Bên trong vỏ kén vàng.
____
Tìm kinh phí để thực hiện bộ phim có phải là nan đề với anh?
Tôi phải cạnh tranh với cả trăm kịch bản khác để xin tài trợ từ các quỹ điện ảnh. Nhưng các quỹ điện ảnh rót tiền theo đợt, mỗi đợt 20 – 30% và phải đợi cung cấp đủ các loại hóa đơn, giấy tờ. Tôi không thể chờ các quỹ vì cần bấm máy sớm và nhanh, nếu chờ thì bối cảnh trong phim sẽ thay đổi, nhà thờ sẽ xây xong, nhân vật trong phim sẽ già đi, thời tiết từ mùa mưa sẽ thành mùa nóng, tôi phải xoay xở, vay mượn để ứng trước. Tổng số tiền tài trợ khoảng 250.000 USD, hiện chưa rót hết nên tôi vẫn còn nợ.
Còn việc tham gia liên hoan phim thì tùy, có liên hoan phim chỉ tài trợ vài trăm USD cho đạo diễn tham gia, có liên hoan phim thì lo hết chi phí đi lại, ăn ở cho đạo diễn. Sau Cannes, tôi cũng mang phim dự thi ở gần 30 liên hoan phim và phát hành ở các nước.
____
Vì sao là Bên trong vỏ kén vàng?
Thú thực, lúc viết đề cương cho phim vào đầu 2019, tôi cần tựa phim để đi thuyết trình xin tài trợ. Tôi muốn làm một tựa phim liên quan đến nghề trồng dâu nuôi tằm ở làng Lộc Phát, Bảo Lộc quê tôi. Tôi thấy sự biến đổi từ con nhộng trong vỏ kén thành con ngài quá kỳ diệu, tôi dùng hình ảnh này và thêm tính từ vào cho có sắc màu. Tựa phim đó cũng gần với hành trình tâm lý của nhân vật, đấu tranh với những câu chuyện nội tâm, hành trình thoát ra khỏi sự cứng nhắc của bản thân để trở thành “con người mới” như trong Kinh thánh. Hình ảnh cuối phim khi anh ấy nằm xuống dòng nước, đó gần như bí tích rửa tội của người Công giáo.
Gia đình tôi nhiều đời theo đạo Công giáo, từ nhỏ tôi nghe bà nói tôi có “ơn gọi” đi tu. Tôi chẳng hiểu đó là gì, nên từ từ tìm đọc và nghiên cứu kỹ hơn về Kinh thánh. Đó là lý do tôi đưa nhiều yếu tố ẩn dụ tôn giáo vào trong phim, nhưng mọi thứ không phải là gượng ép mà hoàn toàn ngẫu nhiên, thậm chí nhiều cảnh khi làm phim xong tôi mới nhận ra mình vô thức đưa vào các yếu tố đó và tôi hoàn toàn không áp đặt lên người xem. Nhiều người hỏi kết thúc phim tôi muốn nói điều gì, tôi chỉ mang đến một kết thúc mở, ai cũng có cách nghĩ riêng của mình.
____
Ký ức tuổi thơ của anh ảnh hưởng ra sao khi làm phim, bộ phim tiếp theo anh có tiếp tục làm về đề tài Việt Nam?
Ký ức của tôi là các nhà thờ, giáo xứ, các bà sơ, về các nghi lễ đám tang, đám cưới ở Bảo Lộc. Khi từ Mỹ về, tôi lại thấy cái đẹp ở thiên nhiên, những căn nhà cũ, những điều trước đây mình bỏ qua, không cảm nhận được.
Phim tiếp theo tôi muốn đưa hình ảnh Sài Gòn lên phim, những gì có chất hài nhưng đằng sau có nhiều cái để suy ngẫm. Giống như một nhân vật đầu phim, đang định bỏ phố về rừng, bán hết đồ đạc để lên núi nhưng không quên mang theo máy chơi game PS4. Tôi nghĩ chắc mình chỉ làm phim về Việt Nam, vì Việt Nam tràn đầy cảm hứng trong tôi. Tôi đang tìm kiếm ý tưởng, chất liệu cho bộ phim tiếp theo. Đầu năm 2024, tôi sẽ về Việt Nam làm phim tiếp. Tôi muốn bộ phim tiếp theo của mình là phim nhựa.
____
Các nhà bình luận nước ngoài đánh giá ra sao về phim của anh?
Họ phân tích nhiều về chuyên môn với những cú máy dài và chậm. Tôi chọn phong cách làm phim chậm, biểu cảm và hành động của nhân vật đến với khán giả một cách tự nhiên không qua sự áp đặt của bàn tay đạo diễn. Tôi triệt tiêu cái cảm giác của camera, tức là làm cho khán giả không cảm thấy sự hiện diện của máy quay trong bộ phim, giống như khán giả đang theo dõi hành trình của nhân vật mà không qua bàn tay dẫn dắt, gợi ý của đạo diễn. Phim có tổng cộng 69 cảnh quay, cảnh quay dài nhất 25 phút…
____
Anh có mong tìm kiếm sự đồng điệu sau khi phim chiếu?
Có chứ. Tuy nhiên, tôi cũng rất thích đọc những điều tiêu cực về phim chứ không chỉ thích đọc các lời khen.
Bên trong vỏ kén vàng theo chân Thiện (Lê Phong Vũ) trên hành trình đưa linh cữu chị dâu về quê ngoại, mang theo đứa cháu trai tên Đạo (Nguyễn Thịnh) – đã sống sót thần kỳ sau vụ tai nạn. Trở về quê hương, Thiện bắt đầu hành trình tìm kiếm người anh đã mất tích nhiều năm trước để trao Đạo cho anh trai.
Giữa khung cảnh huyền bí của vùng nông thôn Việt Nam, hình bóng quá khứ, tuổi trẻ của Thiện cùng gia đình dần trở lại, khiến anh bắt đầu đặt ra những câu hỏi sâu sắc về đức tin của chính mình. Rời khỏi thành thị, về với nơi sống bao quanh bởi rừng già cùng những màn sương bảng lảng, Thiện cũng dần sâu vào mê cung của mộng tưởng – thực tại, anh vật lộn trong cuộc khủng hoảng hiện sinh về những gì đáng để sống.
Khi được Người Đô Thị nhắc lại cuộc thi Làm phim 48 giờ mà Phạm Thiên Ân từng tham dự, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: “Tôi còn nhớ cách đây gần 10 năm, lần đầu tôi làm giám khảo cho cuộc thi phim ngắn 48 giờ, năm đó có 2 phim ấn tượng mạnh với tôi, và một trong hai bộ phim chính là của Phạm Thiên Ân. Được tin Bên trong vỏ kén vàng đoạt giải tại Cannes 2023, tôi rất vui cho Ân.
Khi tôi còn ngồi trên giảng đường đại học, và nghe tin phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng đoạt giải Camera d’Or tại Cannes 1993, cũng truyền nhiều cảm hứng cho tôi trong biết bao nhiêu năm để kể lại những câu chuyện của người Việt. Đã nhiều năm trôi qua, giờ đây phim Bên trong vỏ kén vàng của bạn Thiên Ân lại được quốc tế công nhận. Đáng tự hào một lần nữa đó chính là câu chuyện của người Việt, mang tinh thần văn hóa Việt Nam”.
Ảnh: An Pham