Đây là một vở kịch rất khó có thể thành một câu chuyện theo kiểu đẩy một biến cố lên cao rồi cho một kết thúc có hậu.
Lý Khắc Lynh tự làm đạo diễn cho kịch bản của mình nên anh thỏa sức nhào nặn nhân vật cho đúng ý muốn. Con người sinh ra và sống phải có những đam mê và hoài bão. Đó có thể là danh vọng, là quyền lực, là sự bình yên, là khát khao hạnh phúc hay sự nổi tiếng. Một khi những điều đó được thổi bùng lên và trở thành một niềm tin rạo rực thì người ta sẽ sống hết lòng vì nó. Có khi phải trải qua gần hết một đời, người ta mới thấm hiểu được chính mình, mới hay rằng sự tham vọng dẫn đến những lầm lỗi trong quá khứ đến nỗi phải gánh chịu nỗi day dứt hết cả cuộc đời. Lý Khắc Lynh nói rằng qua vở kịch này, anh muốn đưa ra những tư tưởng, ý nghĩa của triết lý trong đời sống hơn là kể chuyện về những số phận. Ở đây, số phận chỉ là kết quả của những quan niệm sống.
Vở diễn giống như một bài toán mới trên sân khấu mà đáp số là của mỗi người.
Việt Anh vào vai ông Bảy – một nghệ sĩ nổi tiếng, sống chuẩn mực và cao thượng, sẵn sàng đối đầu với những lực cản để cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Ông gánh chịu bi kịch của đời mình bằng lòng cao thượng, nuôi con trong nỗi đau và niềm yêu thương vô bờ song không thể xóa bỏ hận thù với cuộc đời bằng sự yêu thương đó vì làm sao có thể giải quyết cuộc đời mình và các con nếu chỉ mơn trớn chúng bằng lòng yêu thương. Đạo diễn Lý Khắc Lynh để cho Việt Anh chuyển nhân vật ông Bảy từ một con người hài hước, nhân hậu sang một ông nghệ sĩ già ôm nặng nỗi đau đời làm nhức tim khán giả. Trong những cảnh ông Bảy không muốn thấy lại mặt người đàn bà đã bỏ ông và các con rồi phải nấc lên tiếng kêu khô khốc, đanh như tiếng mảng kính lớn vỡ vụn tan nát, có ai không thấy tê tái lòng? Cũng chính trong nỗi tuyệt vọng, ông Bảy xua đuổi ám ảnh về người đàn bà phản bội mình thì Việt Anh cũng cho khán giả thấy được tình yêu của ông Bảy với người đàn bà ấy đến mức nào.
Liên (do Kim Khánh vào vai) là người đàn bà đầy mâu thuẫn. Liên bỏ chồng vì chồng chỉ đam mê nghệ thuật nhưng không lý giải được vì sao cô lại bỏ cả con cho chồng – một nghệ sĩ nghèo. Cô lấy bạn của chồng vì muốn có cuộc sống đầy đủ cả danh vọng lẫn vật chất. Khi sống với giáo sư Nguyên, cô chấp nhận khổ nhục bên một người đàn ông coi mình như một người đàn bà chỉ biết lo nâng khăn sửa túi cho chồng. Liên yêu con nhưng không dám thừa nhận con, cho dù cô đã hoàn toàn đủ điều kiện. Kim Khánh cho Liên nhân dáng, tính cách của người đàn bà mạnh mẽ, làm được tất cả những điều mình muốn nhưng trái tim lại yếu đuối, tâm trạng thì ngổn ngang đầy giằng xé. Cô tự huyễn hoặc mình hy sinh cho người khác, nhưng thực ra chỉ sống cho bản thân. Bằng lối diễn mạnh về cảm xúc, Kim Khánh còn lấp đầy những điểm vô lý, mâu thuẫn của nhân vật và của kịch bản. Có lẽ Lý Khắc Lynh muốn chỉ rõ một thực tế là cho dù cuộc đời đầy rẫy những điều vô lý nhưng người ta vẫn phải sống, vẫn phải cam chịu.
Dũng (do diễn viên trẻ Lê Vinh đảm nhận) đã tạo được điểm sáng cho sân khấu. Là một thanh niên bị coi là kẻ giang hồ, Dũng yêu Lý – con gái ông Bảy (Cát Tường nhập vai) và ngay khi được Lý dẫn về giới thiệu với cha thì bị ông Bảy xua đuổi. Vở kịch không đi sâu mô tả vào sự bặm trợn của kẻ giang hồ của Dũng, mà khai thác phần con người tử tế nhất sau dáng vẻ giang hồ đó. Lê Vinh thể hiện rất giỏi và tinh tế những chuyển động tình cảm nhỏ nhất của nhân vật Dũng nên chiếm trọn được tình cảm khán giả. Qua nhân vật Dũng, chiều sâu của kịch bản lộ ra: Người ta có thể bị đời khinh bỉ nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ, vẫn còn đó những điều tử tế và tốt đẹp. Điều quan trọng là người đời phải mở lòng và nâng đỡ, giúp họ sống được với phần tử tế nhất của mình.
Giáo sư Nguyên (Trung Dũng đóng) là một người đã thành danh, luôn bảo vệ danh phẩm của mình, không cho phép ai được làm xấu đi hình ảnh mà ông đã gầy dựng được. Sự độc tôn khiến ông trở thành một con người thô lỗ và ngạo mạn, một kẻ kém cỏi trước mặt mọi người mà chính ông lại không thấy. Cái giỏi của ông ở chỗ này lại là cái dở, cái hèn ở chỗ khác. Đạo diễn Lý Khắc Lynh đã tạo cho tính cách của nhân vật này giống một kẻ lỗ mãng, tàn ác hơn là một trí thức thành danh. Cách sống của ông ta tạo ra sự giả dối bao quanh và kết cục là sự thất bại thảm hại. Đây là một bản diễn khá lạ của diễn viên Trung Dũng trên sân khấu. Trong vai giáo sư Nguyên, Trung Dũng đã thoát khỏi cách diễn một chiều của những nhân vật chính.
Những nhân vật còn lại của vở như Lý (Cát Tường), Minh (Trọng Nhân), Thúy (Mai Mai) là những con người tốt, nồng nhiệt với cuộc sống, đều phải tự bươn chải và đối chọi với những rào cản trên đường đi nhưng vẫn tự tin vươn tới đích.
“Mọi người đều có những lối đi riêng cho cuộc đời mình, có thể đúng hay không đúng, có thể hay hoặc dở, nhưng những điều hướng thiện phải luôn bừng lên, rạo rực trong mỗi người, có như vậy cuộc sống mới đáng sống”. Đó là điều đạo diễn đồng tác giả kịch bản Lý Khắc Lynh muốn giãi bày với khán giả.
Tuy nhiên, vì mạch của kịch không xuôi chảy như một câu chuyện nên người xem dễ cảm thấy sự ngắt quãng tách rời của từng màn và từng tuyến nhân vật. Sự không hợp lý ở chỗ này hay chỗ kia trong kịch bản cũng có thể được phát hiện. Dù sao, kịch bản đưa ra nhiều ý tưởng mới nên diễn viên có đất diễn và diễn rất hứng khởi. Cách dàn dựng và xử lý sân khấu của họa sĩ Kim B cũng rất ấn tượng, góp phần quan trọng cho thành công của Rạo rực tại Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.