Từ một thị trấn nhỏ nơi tỉnh lỵ heo hút vốn chỉ chuyên về nấu rượu và buôn bán trở thành một địa chỉ văn hóa hàng đầu của du khách quốc tế. Thị trấn Obuse (Nagano, Nhật Bản) là một câu chuyện thú vị về văn hóa và doanh nhân.
Danh họa
Ở sảnh các sân bay quốc tế ở Nhật, từ Tokyo, Kyoto đến Nagoya hay Fukuoka, trên kệ thông tin dành cho du khách với rất nhiều brochure giới thiệu, quảng bá các điểm đến, các sự kiện đáng chú ý, không bao giờ thiếu brochure giới thiệu về Bảo tàng Hokusai, với hình ảnh tác phẩm nổi tiếng toàn thế giới – Sóng thần. Nhưng cái tên Hokusai còn hơn cả thế.
Nếu có một câu hỏi rằng, ai là họa sĩ Nhật được biết đến nhiều nhất ở nước ngoài, thì câu trả lời chắc chắn chỉ có một, đó là Katsushika Hokusai (1760-1849). Không chỉ là danh họa của đất nước mặt trời mọc, Hokusai còn được xem là thầy của nhiều danh họa phương Tây như Claude Monet, Edgar Degas…, kể cả Van Gogh. Trong một bài phát trên BBC hồi tháng 4-2015, tác giả Jason Farago thậm chí còn khẳng định: “Không có Hokusai, chủ nghĩa Ấn tượng có thể không xuất hiện”!
Điều khiến tôi bất ngờ khi xem thông tin từ brochure Bảo tàng Hokusai, là bảo tàng bậc thầy của các bậc thầy này không ở thủ đô Tokyo, quê hương của ông, cũng không ở những thành phố lớn, nơi có hệ thống các bảo tàng quan trọng của Nhật Bản. Mà đặt ở một nơi, có thể gọi, là “heo hút” ở đất nước này: Obuse, một thị trấn nhỏ thuộc Nagano, tỉnh cực bắc của vùng Chubu, miền Trung nước Nhật.
Obuse
Cũng chính vì sự “heo hút” này mà phải sau hơn hai năm kể từ khi lưu cái tên Obuse trong danh sách những nơi phải đến (trong đó một nửa vì lòng ngưỡng mộ Hokusai, một nửa vì tò mò) tôi mới có dịp đặt chân đến thị trấn này. Nếu từ Tokyo, bạn sẽ phải mất 90 phút đi shinkansen tới Nagano, mỗi ngày có hai chuyến, với giá vé một chiều khoảng 8.000 yen (1,7 triệu đồng). Nếu đi bus sẽ mất tới bốn tiếng trên xe. Hoặc từ Nagoya, cũng mất hơn ba tiếng tàu nhanh. Rồi từ ga Nagano, bắt thêm một chuyến tàu địa phương, loại “tàu chợ” tức ga nào cũng đỗ, mất khoảng 30 phút nữa. Ga Obuse giống như hầu hết các ga xép của Nhật, nhỏ bé, giản dị, tuy nhiên rất hiếu khách nên ngay cả những người lần đầu tiên đặt chân tới đây cũng không hề cảm thấy xa lạ. Ngay trong khu vực nhà ga có một Trung tâm thông tin (Information Centre) với một người đàn ông trung niên, có lẽ là người nói tiếng Anh tốt nhất tại đây. Ông cung cấp cho chúng tôi đầy đủ bản đồ kèm theo các hướng dẫn cần thiết để tự do và an tâm khám phá thị trấn này “theo cách của mình”.
Khác với hầu hết các điểm trên bản đồ du lịch Nhật Bản, “thỏi nam châm” của Obuse không phải lâu đài, đền, chùa, khu bảo tồn thiên nhiên hay khu nghỉ dưỡng suối nước nóng. Mà chính là Bảo tàng Hokusai, linh hồn một quần thể xinh đẹp đến hoàn hảo bao gồm một hệ thống bảo tàng, các khu vườn Nhật, các nhà cổ, cửa hàng lưu niệm, quán cà phê và quán ăn ngay trung tâm thị trấn. Chỉ cần nhìn bãi đậu xe mênh mông với rất nhiều xe bus cỡ lớn gắn biển du lịch, đủ để biết “thỏi nam châm” này có sức hút như thế nào. Mở cửa từ năm 1976, suốt 40 năm qua, Bảo tàng Hokusai chỉ đóng cửa duy nhất hai ngày trong năm là 31-12 và 1-1. Với một số lượng trưng bày không nhiều (một số lớn tác phẩm của Hokusai bị cháy khi studio của ông bị ngọn lửa thiêu trụi vào năm 1839, một lượng không nhỏ khác đã bị di chuyển ra khỏi Nhật Bản và hiện được lưu giữ trong một số bảo tàng Hokusai khác ở nước ngoài), nhưng gần như đầy đủ các giai đoạn sáng tác quan trọng trong sự nghiệp vĩ đại và gia sản khổng lồ của danh họa (ông vẽ với số lượng khủng khiếp, chỉ ngừng làm việc trước khi chết khi bước vào tuổi 90). Những tác phẩm nguyên gốc không chỉ cho thấy chân dung của một thiên tài, mà còn giúp người xem hiểu được phần nào những chân giá trị của nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản.
Và lăn tăn của tôi về Hokusai với Obuse bắt đầu hé mở…
Vị thương gia trẻ tuổi
Nằm ngay trong quần thể bảo tàng Hokusai, có một xưởng nấu sake, một đặc sản truyền thống lâu đời, nổi tiếng của Obuse. Xưởng nấu rượu cổ, có tuổi đời hàng thế kỷ. Sake và Hokusai vốn chẳng có gì liên quan tới nhau, nếu không có Takai Kouzan, một thương gia trẻ tuổi.
Sinh ra trong một gia đình giàu có bậc nhất Obuse, Takai Kouzan tiếp nối nghiệp gia đình với nghề nấu rượu sake (xưởng nấu rượu cổ nói trên thuộc tài sản của gia đình Kouzan), và buôn bán. Công việc bán buôn đã đưa Takai đến nhiều vùng đất khác nhau ở Nhật Bản cũng như các nước phương Tây trong thời kỳ Edo (thế kỷ XVII-XIX, thời kỳ văn hóa phong kiến đỉnh cao, mở đầu cho thời kỳ cận đại ở Nhật Bản). Và vị thương gia 39 tuổi ấy (năm 1833) đã “trải thảm đỏ” mời Katsushika Hokusai từ Tokyo, khi đó là trung tâm mới của thời kỳ Edo, về Obuse. Không rõ Takai đã mời như thế nào (vì khi ấy Hokusai đã rất nổi tiếng với một sự nghiệp lẫy lừng) mà danh họa, ở tuổi 73, đã chịu dời đô về thị trấn nhỏ xa xôi Obuse. Nhưng chính ở nơi này, Hokusai đã có một thập niên thăng hoa trong nghệ thuật. Những tác phẩm quan trọng nhất của danh họa, được ông thực hiện ở tuổi 70-80 đã ra đời ở Obuse. Và đấy chính là lý do để năm 1976, Bảo tàng Hokusai được xây dựng tại Obuse.
Nằm không xa Bảo tàng Hokusai, một địa chỉ không thể không ghé qua ở Obuse, là khu nhà của thương gia trẻ tuổi Takai Kouzan, cũng chính là nơi Hokusai sống và làm việc hơn một thập niên, giờ là Bảo tàng Takai Kouzan. Trong khuôn viên tuyệt đẹp của khu nhà, studio dành riêng cho Hokusai cho cảm giác như danh họa vẫn còn ở đấy, vẫn đang quỳ gối mê say trên sàn vẽ… Đặc biệt, khi vào thăm phòng thư viện của Takai (ngay cạnh phòng vẽ dành cho Hokusai), tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hóa ra trong những chuyến đi buôn của vị thương gia trẻ tuổi, ông đã mang về vô số tài liệu, sách vở nghiên cứu khoa học và văn hóa của nước ngoài, nhất là phương Tây, lập nên thư viện này, một không gian văn hóa và tri thức thật sự đáng giá và quý hiếm ở thời kỳ ấy (cách đây gần hai thế kỷ!). Một thương gia biết trọng tri thức và văn hóa của nhân loại như thế, chả trách đã mời được một danh họa lớn như Hokusai dời kinh đô về chốn heo hút này… Một thị trấn nhỏ bé, từng rất tầm thường (chỉ làm rượu và đi buôn), có những doanh nhân như Takai Kouzan, chả trách giờ là một địa chỉ du lịch và văn hóa đáng giá không chỉ của đất nước Nhật Bản.
Obuse nhỏ bé lắm. Thị trấn không đầy 20km2 với hơn 11.000 dân. Ở đó tôi học được bài học lớn.