Có lẽ, có độc giả khi cầm cuốn sách này trên tay, sẽ thắc mắc rằng, kiến trúc sư viết tùy bút thì sao nhỉ? Có khô khan như đồ án, như quy hoạch hay không?
Xin thưa rằng vẫn hay, vẫn hấp dẫn, vẫn đầy chất thơ và chất nhạc đấy, chứ không chỉ là những hình khối, những số liệu khô khan đâu. Cứ xem qua tùy bút Dáng hồn đô thị của kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, bạn đọc hẳn thấy điều đó.
Thừa hưởng tâm hồn thi sĩ từ người cha, nhà thơ Lưu Trọng Lư, giọng văn của kiến trúc sư Lưu Trọng Hải không trau chuốt nhưng vẫn mượt mà, dễ đọc, dễ cảm.
Từng kinh qua công tác quy hoạch kiến trúc đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, đau đáu với những đổi thay tích cực và cả những hạn chế của vùng đất nơi ông sống, làm việc, kiến trúc sư Lưu Trọng Hải đã có những trăn trở, trải lòng qua từng trang viết nơi tập tùy bút Dáng hồn đô thị. Và chắc hẳn, khi lướt qua những câu chữ nơi tập tùy bút này, bạn đọc sẽ dễ gần gũi, đồng cảm với tác giả bởi những tâm tư ấy có thể gặp ở bất cứ ai có tấm lòng với vùng đất không chỉ đơn thuần là để ở, mà còn ở đó ta gửi gắm mảnh hồn mình.
Đúng như lời bộc bạch của tác giả, tùy bút Dáng hồn đô thị chính là nơi chứa đựng “Một vài mảng hồi ký, Dăm ba câu chuyện đời thường ở Thành phố, Mấy góc nhìn và bàn luận về đô thị”. Đâu đó trong tập sách, ta bắt gặp những việc vĩ mô về quy hoạch thành phố qua bài “Những năm tháng ở cơ quan quản lý Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh”, “Để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố trung tâm của khu vực Đông Nam Á”… rồi cùng bước qua những câu chuyện nhẹ nhàng về kiến trúc xưa và nay với “Kiến trúc tâm linh nốt lặng của đô thị hiện đại”, “Nét đẹp kiến trúc cảnh quan Thành phố Hồ Chí Minh và du lịch”…
Ấy là chuyện to tát, chuyện cao xa. Bên cạnh đó, rất đỗi dung dị và thân thuộc còn là những tâm sự về văn hóa đô thị, về đời sống thị dân như “Tổ trưởng dân phố”, “Chuyển nhà vào hẻm”… Tưởng chừng nhỏ đấy, nhưng thiếu nó là thiếu hẳn một phần hồn của lối sống đô thị bởi dù mang đầy dáng dấp hiện đại, đô thị vẫn không thể thiếu hay mất đi những giá trị truyền thống tưởng chừng như xưa cũ.
Làm sao để vẫn giữ được những kiến trúc, nét văn hóa truyền thống, cái hồn xưa cũ nơi đô thị, mà không ngăn trở sự đi lên của kiến trúc, văn hóa hiện đại nơi đô thị? Làm sao để những kiến trúc cao tầng như Metropolitan hay Diamond Plaza vẫn tồn tại được bên cạnh những hồn xưa bóng cũ là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố ở ngay sát bên cạnh? Làm sao để tình làng nghĩa xóm không bị phai nhạt đi giữa bộn bề tấp nập của nhịp sống thị dân… Đó là những câu hỏi lớn không chỉ của giới hữu trách, mà còn của mọi thị dân nơi đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Và cũng bởi là tùy bút, nên độc giả đừng ngạc nhiên nếu tác giả dù có “ưu ái” dành phần lớn dung lượng cho Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng có lúc lại thả hồn về miền ký ức với những ấn tượng còn đọng lại trong tâm tưởng nơi đất Hội An, hay về Huế mộng… Tưởng chừng ra khỏi ranh giới của Dáng hồn đô thị đấy, nhưng không, ẩn trong đó vẫn có sự đồng điệu ở những nội dung được đề cập tới. Và ta cũng dễ dàng mà nở nụ cười, bởi, đó là hồi ức, là chuyện đời, chuyện phố, chuyện của những cư dân đô thị.
Việc còn lại, hãy để độc giả lần giở từng trang sách Dáng hồn đô thị, mà tự khám phá, tự mặc sức cảm nhận hồn của sách vậy!
– Theo Người đô thị