Hãng tin Bloomberg cho biết, cuộc đàm phán kinh tế cấp cao Mỹ – Trung diễn ra tại Washington đã đổ vỡ ngày 19-7, thể hiện qua việc hai siêu cường không thể đưa ra được một tuyên bố chung như đã từng có trong quá khứ.
Trong bài phát biểu mở đầu cuộc đàm phán, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross tiếp tục chỉ trích thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ. Tiếp đó, hai bên hủy một cuộc họp báo chung sau đàm phán dù đã được lên lịch trước đó.
Đây là cuộc gặp đầu tiên dưới thời Trump giữa các quan chức kinh tế cấp cao nhất của hai nước – một hoạt động đã có từ năm 2008. Năm nay, cuộc gặp này được đặt tên lại là Đối thoại Kinh tế toàn diện.
Dẫn đầu đoàn Mỹ tham gia cuộc gặp là Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Bộ Thương mại Ross. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen cũng tham gia cuộc đàm phán. Phía Trung Quốc, dẫn đầu là Phó thủ tướng Uông Dương. Ngoài ra, cuộc gặp còn có sự tham dự của nhiều doanh nhân lớn như Jack Ma của Alibaba hay Stephen Schwarzman của Blackstone.
“Chính quyền Trump có thể đã có những kỳ vọng thiếu thực tế về những gì Trung Quốc sẽ làm để giải quyết tình trạng mất cân đối thương mại”, ông Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực châu Á của Mizuho Securities Asia tại Hongkong, nhận định. Một tuyên bố của ông Mnuchin và ông Ross sau cuộc gặp nói rằng họ đã không đạt được bước tiến mới nào trong lần đối thoại này với Trung Quốc. Các nguyên tắc về cân bằng, bình đẳng và có đi có lại trong thương mại sẽ tiếp tục định hướng lập trường của Mỹ, để chúng tôi có thể tạo cho người lao động và các công ty của Mỹ một cơ hội để cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.
Trước đó vào ngày 11-5, Trung Quốc và Mỹ tuyên bố “Kế hoạch 100 ngày” đã giành được những kết quả sớm trên 10 vấn đề thương mại lớn trong lĩnh vực nông sản, dịch vụ tài chính, đầu tư và năng lượng. Trong đó có việc Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại nhập khẩu thịt bò Mỹ và sẽ cấp phép cho các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử 100% vốn của Mỹ. Phía Mỹ hoan nghênh Trung Quốc nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ, tuy nhiên vẫn cho rằng tốc độ mở cửa thị trường của Trung Quốc còn quá chậm.
Đến nay Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất, nước nhập khẩu lớn nhất và nước xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, trong khi Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai, nước nhập khẩu thứ hai và nước xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc.
Việc chưa có những bước đi cụ thể để thu hẹp khoản thâm hụt thương mại ước tính lên tới 347 tỉ USD của Mỹ với Trung Quốc – chiếm 70% nhập siêu của Mỹ với thế giới – đang làm gia tăng áp lực buộc chính quyền Trump phải thay đổi chủ trương hợp tác với Bắc Kinh theo hướng đối đầu hơn là đối tác.
Các phụ tá của ông Trump đã và đang xem xét một loạt chính sách thương mại cứng rắn hơn, từ áp đặt rào cản nhập khẩu mới đối với thép và các tấm năng lượng măt trời, đến thắt chặt những hạn chế về đầu tư, nhưng cho tới nay vẫn chưa quyết định thực thi các biện pháp này.
- T.K
Xem thêm:
- Khoảng cách Pháp – Mỹ khó san bằng
- Mỹ và Qatar bắt tay chống khủng bố
- Đàm phán Brexit tiến triển khó khăn