Kể từ đầu tháng 10 khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua gần 2.000 tỉ đồng nợ xấu của Agribank, số lượng hồ sơ bán nợ đang ngày một dày lên mà theo Phó chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến nay đã có hơn 20 ngân hàng nộp hồ sơ xin bán nợ cho VAMC, và liệu doanh nghiệp này có thể xử lý hết toàn bộ hồ sơ trong thời gian tới hay không.
Hiện nay, ngoài việc xử lý khoản nợ xấu của Agribank, VAMC đã tiến hành mua nợ xấu của một số ngân hàng thương mại khác như: SHB, PGBank, SCB, Ngân hàng Phương Nam…
VAMC cũng đã mua hai món nợ có tổng giá trị sổ sách 1.397 tỉ đồng, gồm 1.191 tỉ đồng từ SCB và 206 tỉ đồng từ Phương Nam.
Thông tin từ VAMC cho hay, để hoàn thành tiến độ mua được 30.000-35.000 tỉ đồng nợ xấu như mục tiêu đề ra, họ đang nỗ lực rà soát các khoản nợ xấu của các ngân hàng có hồ sơ xin bán nợ.
Trong tuần qua, VAMC tiến hành mua nợ của một số ngân hàng thương mại với số lượng tương đối lớn. Cùng với việc khẩn trương rà soát và mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện hỗ trợ các ngân hàng thương mại bán nợ xấu bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt có kỳ hạn năm năm và lãi suất 0%/năm. Với trái phiếu đặc biệt này các ngân hàng thương mại có thể vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước thông qua kênh tái cấp vốn để đảm bảo thanh khoản khi cần thiết.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay, VAMC đã mua vào khoảng 5.000 tỉ đồng nợ trên sổ sách, trị giá trái phiếu đặc biệt phát hành để mua số nợ này cũng vào khoảng 3.800 tỉ đồng. Hiện đang có không ít băn khoăn về việc VAMC sẽ xử lý như thế nào về các khoản nợ xấu đã mua lại.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết các phương án xử lý nợ xấu mua lại từ các ngân hàng thương mại sẽ được làm dần từng bước một với mục tiêu làm sao đem lại lợi ích tốt nhất cho các bên.
Trong trường hợp các đối tác trong và ngoài nước quan tâm mua lại khoản nợ này, VAMC sẽ sẵn sàng bán nhưng sẽ không bán bằng mọi giá, chỉ khi thấy có lãi và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế thì VAMC mới bán.
Trong trường hợp thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ xấu, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong việc tìm ra giải pháp để tái cấu trúc, VAMC chỉ đóng vai trò là chủ nợ và sẽ quyết định phương án tái cơ cấu cuối cùng sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Trong tình huống xấu nhất VAMC mới sử dụng biện pháp phát mãi tài sản.
Gia Minh tổng hợp