Đây là nơi cư ngụ của chủ yếu bà con người dân tộc Tày. Người Tày sinh sống nhiều nhất ở đây, vùng Đông Bắc non xanh nước biếc, khí hậu trong trẻo tuyệt vời của Tổ quốc.
Tôi luôn có cảm giác mình bị lạc khi bước chân vào một khu rừng. Sự rộng lớn nhưng ấm áp của nó luôn khiến tôi xúc động. Chúng tôi dừng xe ở tít ngoài quốc lộ và men theo lối mòn ẩm ướt đầy vết chân gia súc để vào khu rừng ấy. Đó có lẽ là nơi an nghỉ của tổ tiên một dòng họ người Tày. Những ngôi mộ nằm ngay ngắn ở bên kia rìa đồi, phần lớn diện tích còn lại được bao phủ bởi tán của những cây sau sau cổ thụ. Cây sau sau hình như có họ với cây phong ở châu Âu. Lá có hình thù và màu sắc rất giống.
Giờ là cuối thu, đầu đông.
Ở miền núi mùa đông thường đến sớm. Tuy trên lịch mới chỉ lập đông chưa lâu nhưng cái rét thì đã gõ cửa từ hàng tháng trước. Những cơn gió mảnh và sắc như lưỡi dao, luồn vào từng khe hở trên cơ thể, kiên nhẫn và vô cảm, yên ắng và quyết liệt.
Lá sau sau đỏ và vàng rụng đầy trên nền rừng. Trên vòm cao, trời có màu ghi xám. Gió lay những cành dài và rộng, lá rơi như mơ. Những thửa ruộng nằm quanh khu rừng vừa mới qua mùa gặt, rơm còn chưa khô hẳn, hạt lúa rụng xuống còn chưa kịp nảy mầm, và mùi thơm của cánh đồng khiến người ta bất chợt thấy thật hạnh phúc.
Dưới gốc sau sau mọc đầy những bụi cà dại. Tôi chưa từng thấy nơi nào có những bụi cà dại mọc lè tè sát đất, đầy gai và lại chi chít quả đỏ như son vậy. Những quả dại đỏ đến chói mắt, đỏ như không có thật, và đẹp đến nỗi khiến người ta muốn bịa ra một truyền thuyết kỳ bí u sầu lộng lẫy về nó…
Đây là nơi cư ngụ của chủ yếu bà con người dân tộc Tày. Người Tày sinh sống nhiều nhất ở đây, vùng Đông Bắc non xanh nước biếc, khí hậu trong trẻo tuyệt vời của Tổ quốc.
Tôi sinh ra ở một ngôi làng Tày và lớn lên cũng ở trong ngôi làng ấy, nhưng ở một vùng đất khác. Người Tày do tập quán canh tác là trồng lúa nước nên tổ tiên của họ luôn chọn những vùng thung lũng, vừa có rừng cũng vừa có sông suối. Con gái Tày da trắng, vóc dáng mềm mại, óng ả, hát then và chơi đàn tính hay bậc nhất thiên hạ. Tất nhiên, hát then cũng là thể loại gắn liền với người Tày, các tộc người khác có các thể loại riêng của họ, nên nói “nhất” chắc chắn không quá đâu.
Phụ nữ Tày chăm chỉ, dịu dàng, chiều chồng, giỏi chăm con, đã thế lại thường xinh đẹp. Tôi nghĩ, bất cứ người đàn ông chân chính nào cũng mơ ước có một người vợ như vậy, chẳng biết có đúng không. Đàn ông Tày cũng hay chiều vợ. Trong gia đình người Tày ít khi có xô xát, to tiếng. Đàn ông Tày chăm chỉ, hiền hòa, cũng lãng mạn nữa. Nhạc cụ cánh đàn ông hay chơi là sáo trúc. Trời ôi, đêm hè thanh vắng, trăng trên nóc trời sáng vằng vặc, suối chảy róc rách, con nước ụp xoà ụp xòa, mà bỗng dưng có một tiếng sáo réo rắt giai điệu trữ tình, lựa theo một bài giao duyên nào đấy, thì có lẽ không trái tim con gái nào không thổn thức.
Người phụ nữ Tày khi ở cữ là được cả đại gia đình chăm sóc. Cô ấy chỉ việc giữ mình trong buồng kín gió, cho con bú và ăn những món bổ dưỡng khỏe mẹ khỏe con. Hết ở cữ, một sáng mai nắng ấm nào đó, bước ra ngoài với cặp má đỏ hồng căng mọng và ngực áo lấm tấm ướt sữa, đó là khoảnh khắc bạn thấy niềm hạnh phúc trong mắt cô ấy như đốm lửa lấp lánh.
Người Tày có nhiều lễ hội. Các lễ hội lớn thường gắn với quan niệm về hai thế giới, hoặc gắn với mùa màng. Rằm tháng Bảy là cái tết rất lớn của người Tày. Ngày đó, các cô con gái đã đi lấy chồng sẽ về thăm bố mẹ đẻ. Đương nhiên là anh con rể phải về cùng, gánh theo một gánh quà biếu. Trong số quà biếu nhất định phải có một con vịt thật béo. Hai vợ chồng về đến đầu làng thì cuối làng đã nghe thấy tiếng con vịt kêu quàng quạc. Con vịt càng kêu to càng chứng tỏ lòng hiếu thảo của chủ nhân đối với bên ngoại. Có khi con vịt không kêu thì anh con rể cũng thỉnh thoảng bẻ một cành cây ven đường chọc cho nó kêu toáng lên.
Người Tày ở Cao Bằng rất giỏi giữ rừng. Rừng là nguồn sống, là nơi nương náu, là nơi giao tiếp giữa họ với thiên nhiên. Điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu của Cao Bằng cũng khiến cho đời sống người Tày êm đềm, suôn sẻ, nhẹ nhõm giản đơn hơn. Ngô lúa gieo xuống gặp đất màu mỡ, no nước, cứ thế mà lớn lên, đơm bông trổ hạt. Con người nương vào thiên nhiên, thiên nhiên cũng bình thản tồn tại, mặc cho vật đổi sao dời, mặc cho bao biến cố có thể ập đến cũng có thể không. Tôi mạo muội nghĩ, cái cách sống hài hòa, đôn hậu với thiên nhiên đã mang tới cho người Tày một lịch sử yên ả hơn nhiều tộc người khác, có lẽ vậy.
Ở Cao Bằng, vùng giáp biên với nước bạn, có một câu chuyện rất thú vị. Đó là tít trên núi cao, rừng nguyên sinh rậm rạp, các nhà bảo tồn động vật hoang dã đã phát hiện ra những đàn vượn Cao Vít sinh sống. Vượn Cao Vít là một trong những loài nằm trong danh sách cảnh báo tuyệt chủng trên toàn cầu, và bằng cách nào đó, từ khi nào không rõ, chúng đã chọn Trùng Khánh làm nơi cư trú. Không thể thống kê chính xác số lượng vượn Cao Vít đang sinh sống ở đây, bởi chúng không chỉ cố định ở rừng nguyên sinh Trùng Khánh mà liên tục di chuyển qua biên giới. Phía bạn cũng là rừng bạt ngàn. Các nhà bảo tồn nói vui, những chú vượn Cao Vít này là nhóm vượn duy nhất trên thế giới có hai quốc tịch.
Người Tày xửa xưa cũng có săn bắn. Dùng bẫy thú tự chế hoặc súng kíp, cung nỏ, nhưng sau này thì họ bỏ. Cũng giống như việc đánh bắt cá dưới sông suối, chỉ phục vụ những bữa ăn trong gia đình, không tuyệt diệt bằng mọi cách.
Rừng đang mỗi năm một xanh đậm hơn, những sông suối no nước và những cái cọn tròn xoe với những thanh nan chia đều như tia mặt trời không ngừng quay một mùa vụ nào, đưa nước vào vô số thửa ruộng bậc thang thoai thoải.
Tôi băng qua cây cầu treo, theo đường mòn màu đỏ, xuyên dưới tán cây đa và đi vào làng. Làng buổi sớm yên tĩnh và thơm tho mùi lúa mới. Chợt dấy lên một niềm hạnh phúc kỳ lạ và muốn cất lời biết ơn cuộc sống vì đã mang tới bao điều đẹp đẽ tuyệt diệu.