Chuyên đề đặc biệt The Lives of Korean Women Through the Eyes of Women Directors (Cuộc sống của phụ nữ Hàn Quốc qua con mắt của nữ đạo diễn) tại LHP London Korea (LKFF) lần thứ 11 không chỉ nói lên những trở ngại của những người phụ nữ trong một xã hội “đàn ông trị” mà còn thể hiện sự quyết tâm chứng minh khả năng của họ.
Dự án phim mới nhất của nữ diễn viên nổi tiếng Moon So Ri (cô đảm nhận cả ba vai trò: Biên kịch, đạo diễn và nữ diễn viên chính) – The Running Actress là những kinh nghiệm của chính cô. Ngay cả một diễn viên nổi tiếng, có kinh nghiệm diễn xuất và giải thưởng quốc tế cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một cơ hội diễn xuất. Thị trường điện ảnh Hàn, cũng như rất nhiều nền điện ảnh khác, thường tập trung khai thác đối tượng nam giới. Những nữ diễn viên rất ít có cơ hội được vào vai trò chính trong những dự án phim điện ảnh lớn. Có chăng cũng chỉ là vai phụ, ít có cơ hội tỏa sáng bởi vai diễn của họ chủ yếu “tô điểm” cho những nhân vật nam.
Sự gian nan của đạo diễn nữ còn gấp thêm nhiều lần so với các nữ diễn viên. Năm 1955, đạo diễn Park Nam Ok là phụ nữ Hàn Quốc đầu tiên thực hiện vai trò đạo diễn một bộ phim điện ảnh – The Widow. Tuy nhiên, khán giả Hàn phải đợi gần 40 năm sau mới có dịp chứng kiến sự trưởng thành của một thế hệ đạo diễn nữ. Trong bộ phim tài liệu sản xuất năm 2002 Keeping The Vision Alive, đạo diễn Im Soon Rye đã gặp một nhóm các nhà làm phim nữ cùng với những nữ lãnh đạo chủ chốt các phong trào văn hóa phụ nữ khác bùng nổ vào giữa những năm 1990 và ghi nhận những cố gắng của họ.
Keeping The Vision Alive và Forever the Moment của Im Soon Rye được trình chiếu chung với các tác phẩm của các gương mặt nữ nổi bật: Park Nam Ok (The Widow), Park Chan Ok (Paju), Boo Ji Young (Cart), Lee Hyun Ju (Our Love Story), Byun Young Joo (Helpess), Jeong Jae Eun (Take Care of My Cat), Lee Kyoung Mi (Crush and Blush), Lee Jeong Hyang (The Way Home), Kim Soo Jung (A Blue Mouthed Face) trong chuyên đề đặc biệt The Lives of Korean Women Through the Eyes of Women Directors của LHP London Korea lần thứ 11.
Chuyên đề này cũng đưa ra con số khá khả quan: 36% nhân vật có thoại trong phim thương mại Hàn Quốc là nữ, và 50% phim có nữ làm đạo diễn hoặc đồng đạo diễn. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu và các nền điện ảnh phát triển khác như Hollywood, Bollywood… Đặc điểm chung của những đạo diễn nữ nổi bật tại Hàn Quốc hiện nay là dù khai thác những đề tài khác nhau, những nhân vật nữ trong phim của họ đều có đời sống rất riêng biệt. Ngay cả khi họ lấy đàn ông làm nhân vật chính, họ kể ra câu chuyện ấy bằng ngôn ngữ rất “nữ tính”.
Bộ phim Forever the Moment của nữ đạo diễn Im Soon Rye có dàn diễn viên gần như là “toàn nữ”, và câu chuyện về các tuyển thủ bóng ném đã thu về 27,3 triệu đôla Mỹ, đồng thời đoạt nhiều giải thưởng tại LHP Busan lần 9, giải thưởng Rồng Xanh lần thứ 29, giải Beaksang,… Sau Im Soon Rye, Lee Kyoung Mi trở thành nữ đạo diễn khiến các đồng nghiệp nam phải kính nể khi bộ phim thứ 2 của cô – The Truth Beneath, nói về vợ của một chính trị gia có con gái bị mất tích, đã đánh bại The Handmaiden của đạo diễn Park Chan Wook và The Wailing của đạo diễn Na Hong Jin để giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Lễ trao giải thưởng điện ảnh Hàn Quốc năm 2016 sau khi tham dự nhiều LHP lớn trên thế giới.
Cùng thế hệ với Im Soon Rye là nữ đạo diễn Park Chan Ok. Bà sinh năm 1968, tham gia sản xuất 15 phim điện ảnh, trong đó có hai tác phẩm bà đạo diễn tạo được tiếng vang: Jealousy is My Middle Name (2003) và Paju (2009). Giới chuyên môn dành tặng bà danh xưng “Hong Sang Soo của giới nữ” – vì những tác phẩm của bà mang tính độc lập và thử nghiệm rất cao.
Boo Ji Young là một nhà làm phim nữ nổi bật khác, chuyên khai thác quyết liệt các đề tài về bình đẳng giới và chính trị. Năm 2014, bà trở lại với phim điện ảnh kinh phí thấp Cart tập trung dàn diễn viên nữ gạo cội Yum Jung Ah, Kim Young Ae và Moon Jeong Hee, phê phán nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bóc lột sức lao động của những người nữ lao động với hợp đồng ngắn hạn và những áp lực đè nặng lên vai những người phụ nữ vừa đi làm vừa chăm lo cho gia đình của mình. Cart dựa trên một cuộc đình công có thật diễn ra vào tháng 7-2007. Hàng nghìn nhân viên của hệ thống siêu thị E.Land Mart đã đình công biểu tình 510 ngày sau khi những thu ngân tại chuỗi siêu thị này bị đuổi việc vô cớ.
Khi Im Soon Rye thực hiện bộ phim đầu tiên của mình (phim Three Friends), bà mới là nhà làm phim thứ 6 mang giới tính nữ trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Kể từ đó, số lượng các nhà làm phim nữ có tăng lên, nhưng không đáng kể, nếu xét trong quy mô ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc vốn liên tục tăng số lượng qua mỗi năm. Thực tế không tươi đẹp như các con số được thống kê tại chuyên đề đặc biệt The Lives of Korean Women Through the Eyes of Women Directors. Theo Seoul Intl. Women’s Film Festival, tỷ lệ nữ làm đạo diễn phim ở Hàn Quốc đã giảm từ 10,7% xuống còn 5,2% trong vòng năm năm qua. Chỉ có 30 trên tổng số 327 bộ phim phát hành vào năm 2016 là của các đạo diễn nữ. Phần lớn trong số đó là phim phi thương mại. Hơn nữa, trong số những bộ phim đó, Missing của E. Oni và Will You Be There của đạo diễn Hong Ji Young là hai phim duy nhất đạt được 1 triệu lượt khán giả.
Sự cố gắng không mệt mỏi của phụ nữ trong ngành công nghiệp Hàn Quốc đã có nhiều tín hiệu vui hơn. Lần đầu tiên Liên hoan phim quốc tế Busan (BIFF) lần thứ 22 chiếu khai mạc và bế mạc các phim do phụ nữ làm đạo diễn. Phim khai mạc là Glass Garden của Shin Su Won, một trong những đạo diễn độc lập hàng đầu của Hàn Quốc. Đây là bộ phim truyện thứ 4 của cô. Và phim chiếu bế mạc là Love Education, tác phẩm mới nhất của nữ đạo diễn – diễn viên Đài Loan Sylvia Chang. Cô vừa là đạo diễn đồng thời đóng vai chính trong phim. BIFF 2017 cũng tập trung đặc biệt vào phim của các đạo diễn nữ và đề tài nữ quyền với các nhà làm phim thuộc các quốc gia láng giềng Hàn Quốc là Nhật Bản và Trung Quốc.
- Theo Korea Times, independent.co.uk