Hàng không dân sự Nga tìm làn gió mới
Triển lãm Le Bourget 2013 còn đánh dấu sự trở lại của ngành công nghiệp hàng không Nga: Tập đoàn nhà nước OAK, đang mở chiến dịch tấn công vào một lĩnh vực mà tới nay Airbus và Boeing đang chiếm ưu thế.
Mục tiêu của OAK đang hướng tới là loại máy bay MS-21 sẽ giúp ngành công nghiệp hàng không Nga chen chân vào một thị trường do châu Âu và Mỹ kiểm soát. Moscow kỳ vọng chiếc MS-21 đầu tiên được bay vào năm 2017 và ngay từ những bước đầu sẽ bán được 1.000 đơn vị cho các hãng hàng không giá rẻ.
Superjet 100 của Nga
OAK sở dĩ phải vội vàng hướng tới lĩnh vực này do đến nay loại máy bay dưới 100 chỗ ngồi Superjet 100 vẫn chưa tìm được một chỗ đứng trên thị trường quốc tế, trong lúc kiểu E2 của Brazil do Embraer chế tạo chỉ vừa ra mắt đã gặt hái được không biết bao nhiêu đơn đặt hàng. Chỉ riêng tại triển lãm Le Bourget lần này, Embraer đã ký hợp đồng bán hơn 100 chiếc cho hãng hàng không giá rẻ Skywest của Úc.
Từ khi được trình làng, mới chỉ có 15 chiếc Superjet 100 của Nga đã đi vào hoạt động. Toàn bộ là để phục vụ cho các hãng hàng không của Nga. Mười chiếc thuộc chủ quyền của hãng Aeroflot, nhưng một nửa trong số đó thường bị giữ lại ở các sân bay do phụ tùng không được cung cấp đúng thời hạn khi cần sửa chữa. Dù vậy OAK đã trưng bày một chiếc Superjet 100 bóng loáng tại khu triển lãm Le Bourget với tham vọng bán ít nhất 400 đơn vị cho các khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ.
Trung Quốc cũng chen chân vào thị trường béo bở
Nga không phải là nước duy nhất tìm cơ hội tham gia vào thị trường này mà Trung Quốc cũng đang ấp ủ tham vọng tương tự.
Từ năm 2007 Trung Quốc đã đưa ngành chế tạo máy bay, hàng không, không gian vào danh sách các lĩnh vực chiến lược. Năm nay là lần thứ nhì Trung Quốc tham dự triển lãm Le Bourget.
Trong lĩnh vực hàng không dân sự, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất loại máy bay nhỏ, dưới 100 chỗ ngồi có tên gọi là ARJ21 do Tập đoàn Comac chế tạo. Thật ra từ năm 2007 Bắc Kinh đã có ý muốn cạnh tranh với các tập đoàn như Bombardier của Canada hay Embraer của Brazil…
Thế nhưng từ đó đến nay ngành chế tạo máy bay Trung Quốc vẫn chưa hội đủ điều kiện về chuẩn mực an toàn. ARJ21 chưa được phép bay. Sớm nhất phải đợi đến năm 2014 thì may ra những đơn vị đầu tiên mới được hoàn chỉnh để trao cho khách đặt hàng.
ARJ 21 của Trung Quốc
Ngoài ARJ21 thì ngành hàng không dân dụng Trung Quốc còn trông đợi vào kiểu máy bay C919 có khả năng chuyên chở từ 150 đến 200 hành khách để cạnh tranh trực tiếp với những chiếc A320 của châu Âu và Boeing 737 của Mỹ. Trên nguyên tắc những chiếc C919 đầu tiên sẽ được trình làng vào năm 2016. Có nhiều khả năng Tập đoàn Trung Quốc Comac sẽ phải kiên nhẫn thêm một vài năm nữa, nhưng không một ai nghi ngờ rằng một khi Trung Quốc đạt được tham vọng đã đề ra thì Airbus và Boeing sẽ không còn độc quyền làm mưa làm gió.
Cũng trong hai thập niên nữa, 40% xuất khẩu của Airbus và Boeing là để đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chắc chắn là Trung Quốc không thể để cho Airbus và Boeing chia nhau thị trường rộng lớn đó.
Hoàng Hà tổng hợp