Không như tình yêu thương vô bờ của mẹ dành cho bé, trong tử cung là một cuộc chiến sinh tử đẫm máu. Nó “chất chồng tử thi tế bào của cả hai bên”. Tuy nhiên, nếu thiếu đi sự đối đầu khốc liệt ấy, đứa trẻ đã không thể chào đời một cách khỏe mạnh, bình thường.
Sự háu đói vô hạn của bào thai
Khác với vẻ ngoài yếu ớt, bản chất của thai nhi đích thực là một… quỷ đói. Nó không bận tâm điều gì khác ngoài chuyện lấy được càng nhiều dinh dưỡng từ máu mẹ càng tốt. Nếu so sánh với thế giới tự nhiên, bạn sẽ thấy hao hao với câu chuyện của nhện mẹ Diaea ergandros và những đứa con của nó.
Diaea ergandros là một loài nhện của Australia. Suốt cả mùa hè, nó cần mẫn giăng tơ bẫy mồi, nuôi cơ thể béo núc. Để rồi khi mùa đông đến, những đứa con vừa mới chào đời của nó sẽ thản nhiên cắn hút toàn bộ máu thịt của nhện mẹ qua các khớp chân. Dù vô cùng đau đớn, nhện mẹ vẫn đứng yên chịu trận. Nó sẽ cứ cắn răng chịu đựng như thế cho đến khi tử thần đến dắt mình sang thế giới bên kia. Thai nhi của động vật có vú, bao gồm cả của con người, cũng tàn nhẫn y như thế. Chỉ cần tử cung lơi là cảnh giác một khắc, chúng đã tức tốc đưa “đội quân” tế bào sang xâm thực, bất chấp nguy cơ mất mạng của người mẹ.
Chỉ có điều các bà mẹ có vú không ủy mị, nhẫn nhịn như nhện Diaea ergandros. Bên trong tử cung của chúng là một pháo đài vững chắc, được xây dựng bởi tập hợp các tế bào có tính năng miễn dịch cực kỳ cao. Nó chặn đứng và giết chết bất cứ tế bào thai nào dám xâm nhập. Nhà nghiên cứu RW Johnstone của Anh từng miêu tả khu vực này như một “vùng giao chiến ác liệt giữa các tế bào của cơ thể mẹ và tế bào của phôi thai”, “la liệt các xác chết của cả hai phía”.
Nghiên cứu thực tế cho thấy bất kể bạn cấy phôi thai ở vị trí nào trên cơ thể động vật có vú, nó vẫn có thể sống được. Khi các nhà khoa học thử nuôi phôi thai chuột bên ngoài tử cung, họ cứ nghĩ sẽ chứng minh được rằng “tử cung là môi trường duy nhất nuôi dưỡng bào thai”. Ai ngờ các phôi thai dù bị cấy ở não, tinh hoàn hay mắt của chuột vẫn cứ điên cuồng tìm kiếm động mạch chủ và tàn sát mọi tế bào không phải là chính nó ở xung quanh để lớn lên.
Gien của cha là tác nhân kích động chiến sự
Có một sự khác biệt rất lớn giữa nhện Diaea ergandros và động vật có vú: đó là nó sinh sản vô tính. Điều này cũng có nghĩa là mọi gien trên cơ thể nhện Diaea ergandros con đều tương đồng về mặt di truyền với nhện mẹ. Nhưng ở động vật bậc cao thì khác. Chúng cần sự kết hợp của cả “cha” và “mẹ” để tạo nên một sinh linh mới. Cũng chính bởi sự kết hợp ấy, gen của thai nhi sẽ là sự tổng hợp của cả gen bố và gen mẹ. Một đất không thể có hai vua. Khi tử cung ở cơ thể con mẹ phát hiện ra một sự tồn tại khác lạ, nó cũng sẵn sàng biện pháp phòng thủ.
- Xem thêm: Thai kỳ kéo dài 9 tháng
Ngay từ khi vừa hình hài, phần gien cha trong bào thai đã cố ý gây chiến. Nó biến phôi thai thành đối thủ sinh tồn nguy hiểm nhất của cơ thể mẹ. Dù biết bức tường phòng thủ trong nội mạc tử cung cực kỳ kiên cố, phần gien cha vẫn huy động tế bào phôi thai liên tiếp tấn công, cố sức phá hủy cho bằng được. Đổi lại, tế bào nội mạc tử cung sẽ lạnh lùng thảm sát bất cứ kẻ nào muốn thoát ra ngoài.
Điều kỳ diệu ở đây là chính nhờ cuộc chiến sinh tử tàn khốc diễn ra liên miên này, những gien yếu, bị lỗi lần lượt bị giết chết. Cuối cùng, chỉ gien cha và gien mẹ khỏe mạnh nhất mới đủ sức trụ vững, tạo nên một thế cân bằng hoàn hảo.
Gien mẹ khôn ngoan tìm cách khống chế
Bên ngoài bức tường nội mạc tử cung là những mạch máu nhỏ xíu, xoắn ốc. Cơ thể mẹ sẽ truyền dinh dưỡng cho bào thai qua những mạch máu này. Ở hầu hết động vật có vú, các con mẹ đều giành quyền kiểm soát. Nhờ một bộ lọc chuyên dụng ngăn cách tử cung với các mạch máu, nó sẽ chỉ chia sẻ cho bào thai đúng một lượng dưỡng chất mà mình muốn. Dù bào thai có không hài lòng, liên tiếp huy động tế bào đi tấn công thành nội mạc tử cung đi nữa, nó chỉ việc giết sạch “đám tốt” ấy là xong. Nhờ thế mà ngoại trừ chút đau đớn lúc chuyển dạ, động vật có vú mang thai vẫn khỏe mạnh bình thường. Như mọi con thú khác, nó vẫn kiếm ăn, săn mồi và chạy trốn kẻ thù mọi nơi mọi lúc.
Tuy nhiên, ở chuột và loài linh trưởng (trong đó có cả con người), bức tường nội mạc tử cung lại không vững chãi đến mức ấy. Một khi các tế bào thai thành công đục thủng và thoát ra ngoài, chúng sẽ lập tức tấn công các mạch máu. Không chỉ điên cuồng hút dinh dưỡng, chúng còn bơm kích thích tố để khiến các mạch máu giãn nở, to ra gấp 10 lần. Lần theo các mạch máu, “lực lượng” tế bào thai ào ạt chiếm lĩnh, mở rộng lãnh thổ. Nó có thể di chuyển tới cả gan, tim, não… của cơ thể mẹ. Nếu đem ra so sánh thì não linh trưởng lớn hơn não động vật có vú (tương đương về kích thước) những 5-10 lần. Nhiều nhà khoa học tự hỏi, liệu rằng có phải chính vì nguy cơ mất mạng khi mang thai mà não của chúng lại lớn và lắm nếp nhăn đến thế?
Trước tiềm năng có thể mất mạng vì mang thai, dạ con linh trưởng đã phát triển một cơ chế khác nhằm tự vệ và giành quyền lựa chọn. Đó là cơ chế tự dọn dẹp tử cung, cái được gọi là “chu kỳ kinh nguyệt”. Sau khi trứng rụng, nếu nó được thụ tinh, phôi thai sẽ hình thành. Chính vào lúc ấy, các tế bào nội mạc tử cung sẽ vây chặt lấy, bắt đầu một cuộc “hỏi cung” bằng bạo lực. Nếu phôi thai không thể chứng minh rằng nó hoàn toàn ưu tú, xứng đáng để con mẹ “đầu tư” cả tính mạng, nó sẽ nhanh chóng bị tống ra ngoài.
Làm thế nào để phôi thai thuyết phục được dạ con ư? Nó chỉ cần thể hiện toàn bộ sức mạnh và ham muốn được sống, nỗ lực cắm thật sâu, bám thật chắc. Còn tường nội mạc tử cung thì ngược lại, cố hết sức chối bỏ, tống cổ phôi thai ra ngoài, dẫn đến mang thai thất bại. Có đến 50% lần thụ thai ở người không thành công là do hiện tượng này. Vì phôi thai vẫn còn quá non nớt nên các bà mẹ không hề nhận ra sự khác biệt. Họ chỉ thấy nó cũng giống như các lần hành kinh bình thường mà thôi. Nói cách khác, kinh nguyệt chính là hiện tượng loại trừ phôi thai không đạt tiêu chuẩn của cơ thể mẹ.
Cạnh tranh để cùng khỏe mạnh
Chỉ khi cuộc thỏa thuận đã đâu vào đấy, phôi thai mới được phép ở lại dạ con. Và cũng từ lúc này, nó toàn quyền truy cập vào nguồn dinh dưỡng của người mẹ. Để thúc giục, nó phóng các hormone phát tín hiệu đòi được “ăn” thêm lượng đường vào máu mẹ. Không như tế bào thai của hầu hết các động vật có vú không thể xuyên qua thành nội mạc tử cung, tế bào thai của loài linh trưởng có thể thoải mái đưa các hormone ra ngoài. Không dừng lại ở đó, nó còn sản sinh cả một hormone có khả năng buộc não mẹ phải giải phóng cortisol, một hormone gây stress nặng. Nếu bạn thắc mắc tại sao các bà bầu thường hay cáu bẳn thì đấy chính là nguyên nhân. Các cortisol ấy vừa có tác dụng ức chế hệ miễn dịch của cơ thể mẹ, ép các tế bào không được phép chống trả, lại vừa tăng huyết áp, bắt cơ thể mẹ phải bơm máu nhiều hơn nữa qua thành tử cung.
- Xem thêm: Khi các nước trả tiền cho người sinh con
Nhưng cơ thể mẹ cũng không vừa. Để tự vệ, nó liên tục giảm bớt lượng đường trong máu và giải phóng một protein có tác dụng ngăn chặn sự gia tăng hormone của thai nhi. Đáp trả, bào thai càng đẩy mạnh quá trình sản xuất hormone hơn nữa. Đến tháng thứ 8, nó còn “đầu tư” hẳn cả 25% năng lượng vào việc tạo ra những hormone gửi tín hiệu này. Song bất chấp thói me nheo ấy, các bà bầu tiếp tục gia tăng protein khống chế và nỗ lực giảm lượng đường. Bởi vì nó không chút khoan nhượng nào mà bào thai cũng chỉ lấy được một lượng máu và đường vừa đủ.
Đổi lại, chỉ cần cơ thể mẹ hoặc bào thai có chút lơ là trong cuộc chiến sinh tử này, khiến cho thế cân bằng đột ngột bị phá vỡ, sự nguy hiểm sẽ lập tức hình hài. Nếu bào thai thắng thế, nó sẽ rút cạn dưỡng chất từ mẹ, phát triển quá khổ. Còn nếu cơ thể mẹ thắng thế, thai nhi sẽ vô cùng yếu ớt, suy dinh dưỡng, có khả năng chết lưu. Và dẫu là ở trường hợp nào, cả mẹ lẫn con đều gặp phải hiểm họa tử vong.
Vốn dĩ mang thai đã luôn là một cuộc đánh cược với sinh mạng. Đôi khi phôi thai còn phát triển ngay tại ống dẫn trứng thay vì trong ổ tử cung. Điều này cũng có nghĩa là tử cung không hề có cơ hội để lựa chọn. Không bị thành nội mạc dạ con ngăn cản, các tế bào thai ào ạt hướng tới nguồn dinh dưỡng giàu có của người mẹ, dẫn đến hiện tượng tiền sản giật. 12% các ca tử vong bà mẹ mang bầu trên thế giới là do nguyên nhân này. Không dừng lại ở đấy, chuyện mang thai cũng đi kèm với một số căn bệnh gây chết người khác như vỡ nhau thai, nôn ói, tiểu đường thai ngén, ứ máu, sẩy thai. 15% các chị em gặp phải biến chứng nguy hiểm đến tính mạng trong mỗi lần mang thai. Nếu thiếu sự trợ giúp từ y tế, 40% trong số họ không dừng được hiện tượng chảy máu sau khi sinh. Ngay cả với hỗ trợ từ y học hiện đại, thai kỳ vẫn gây tử vong cho khoảng 800 phụ nữ/ngày.
Mới thấy, dù cơ thể mẹ có khắc nghiệt đến thế nào, nó vẫn thật sự yêu thương đứa con của mình, đến mức sẵn sàng đánh cược với cả tử thần để đứa bé được chào đời.