Cuộc chiến khủng bố do các phần tử quá khích gây ra đang là một thách thức lớn cho nhiều nước. Tham vọng hình thành một nhà nước Hồi giáo đang là nỗi lo cho nhân loại nhất là khi tổ chức này không từ một hành vi man rợ nào.
Khởi điểm của khủng bố Hồi giáo quá khích là từ khi phương Tây quyết định cắt một phần đất Palestine để thành lập nước Israel của người Do Thái sau Thế chiến thứ 2. Sự việc này khiến người Ả Rập Hồi giáo cảm thấy không những bị chiếm đất mà còn bị đuổi ra khỏi thánh địa Jerusalem của đạo Hồi.
Phản ứng của khối Ả Rập là dùng cả chiến tranh quy ước và chiến tranh khủng bố để chống Do Thái trong những thập niên 1950-1960. Sau khi thất bại, họ đành phải chấp nhận thực thể Do Thái. Một thời gian khá lâu xung đột Ả Rập – Do Thái kéo dài, nhưng thế giới vẫn phần nào yên tĩnh cho đến ngày Osama Bin Laden phát động cuộc “thánh chiến” chống Mỹ và Vương quốc Ả Rập Saudi thì tình hình trở nên phức tạp.
Chiến lược của Bin Laden rất giản dị. Mỹ là cường quốc hàng đầu chống lưng cho Do Thái, tiêu diệt được Mỹ thì Do Thái sẽ tự hủy theo.
Thế rồi xảy ra sự kiện 11-9-2001, tòa tháp đôi ở New York bị máy bay khủng bố tấn công, đúng như Bin Laden tính toán, kích động toàn thể giới trẻ cực đoan Hồi giáo đứng lên chống Mỹ nói riêng và tất cả những phần tử ngoại đạo nói chung. Trong khi cả thế giới lên án hành vi khủng bố giết hại gần 5.000 người này thì thanh niên Hồi giáo xuống đường reo hò, ca hát, ăn mừng. Họ nhìn thấy đại cường Mỹ coi vậy vẫn có thể bị đánh bại dễ dàng, chỉ cần chấp nhận hy sinh cá nhân, chấp nhận làm “thánh tử đạo”.
Tổng thống Bush khi ấy phản ứng rất mạnh tay: tuyên bố chiến tranh với khủng bố quá khích, xuất quân đánh Afghanistan – nơi dung túng Al Qaeda và Bin Laden – và siết chặt kiểm soát cũng như trừng phạt các nhóm khủng bố. Nhờ vậy sau ngày 11-9, không còn một cuộc tấn công nào đáng kể của khủng bố chống Mỹ.
Khi Tổng thống Obama nhậm chức, ông có tầm nhìn chiến lược hơn là phản ứng tự vệ cấp bách có tính nhất thời vốn là sản phẩm của Bush. Cuộc chiến chống khủng bố đổi qua trực diện với cả khối Hồi giáo và Ả Rập, giải quyết những mâu thuẫn cơ bản giữa Mỹ – Tây phương với khối này.
Nhưng dường như Obama thất bại trong việc này khi Al Qaeda và các nhóm khủng bố đã biến dạng và vẫn ngày một lớn mạnh, từ Afghanistan lan qua Pakistan, Yemen, Iraq, Syria, Libya, Indonesia, Philippines, Mali, Nigeria, Chad, Somalia…
Có không ít ý kiến cho rằng các nhóm khủng bố tìm cách hủy diệt văn minh Thiên Chúa giáo. Điều này không đúng khi các nhóm khủng bố tấn công cả đạo Tin lành ở Anh, đánh vào Phật giáo ở châu Á và đánh lẫn nhau trong các vùng Hồi giáo Iraq, Syria, Libya, Pakistan… Những người Hồi giáo nạn nhân của khủng bố Hồi giáo đông gấp ngàn lần những nạn nhân không phải Hồi giáo và ISIS đã chặt đầu hàng ngàn người theo đạo Hồi.
Gần đây cuộc chiến của khủng bố đã biến dạng lần thứ hai. Không còn là một cuộc chiến chống Mỹ nữa, mà biến thành một cuộc “thánh chiến” nhằm áp đặt một hệ phái Hồi giáo cực đoan trên thế giới. Có nghĩa là các nhóm khủng bố bây giờ đã chuyển qua cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tôn giáo và chính trị, từng bước tìm cách thống trị thế giới, đưa đến sự ra đời của các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS). Có thể nói đây là cuộc chiến ý thức hệ lẫn lộn gồm cả chính trị lẫn tôn giáo.
Điều nguy hiểm là cuộc chiến này đang diễn ra trên nhiều mặt trận. Một mặt là các cuộc chiến lớn, lấn đất giành dân bằng vũ lực quy mô, với cả ngàn quân dàn trận với chiến xa, đại bác… như tại Iraq, Afghanistan, Syria, Libya. Mặt khác, là những kích động tín đồ của các giáo sĩ Hồi trên khắp thế giới, ngay tại phương Tây và qua những hành động của các cá nhân cuồng tín kiểu đột kích tạp chí châm biếm Pháp Charlie Hebdo hồi đầu năm đang gây phẫn nộ khắp châu Âu.
Có người ví von cuộc chiến chống khủng bố ngày nay như một Thế chiến thứ 3, với quân Hồi giáo cực đoan tấn công cả thế giới bằng đủ mọi phương tiện cả bạo lực lẫn không bạo lực, qua các phương tiện truyền thông mới ra đời, qua internet như trang mạng, email tập thể, Facebook, Twitter…
Thế giới có vẻ như thức tỉnh trước hiện tượng khủng bố quy mô toàn cầu này, nhận diện rõ đối phương để công khai tuyên chiến chống lực lượng Hồi giáo cuồng tín của một thiểu số đầy tham vọng tôn giáo và chính trị trên cả thế giới.
Cuộc chiến chống khủng bố trong những ngày tới sẽ căng thẳng hơn nữa. Sự kiện Charlie Hebdo bị tấn công đã đánh thức một số dân Âu – Mỹ lâu nay vẫn bàng quan đứng ngoài nhìn, bây giờ bắt buộc phải có thái độ rõ rệt hơn. Cả triệu người xuống đường tuần hành tại Paris đã là bước đầu, sẽ còn tiếp với các phong trào quốc gia cánh hữu ngày một lớn mạnh. Cả thế giới đang nghĩ về một tương lai đầy thử thách nguy hiểm. Đây là lúc lãnh đạo các nước cần chứng tỏ tài ứng phó trong tình thế dầu sôi lửa bỏng của tấn công khủng bố, không phải là lúc trầm ngâm suy tư cho đến ngày IS gõ cửa nhà mình.
Trân Hồ tổng hợp (DNSGCT)