Trong nhiều chia sẻ và định nghĩa về sự thành công, ý kiến của bà Helene Lollis – Chủ tịch Công ty Cố vấn phát triển tài năng Pathbuilders rất đáng chú ý: “Là một nhà quản trị, khi tiến bước trên con đường nghề nghiệp của mình, bạn cần tạo ra hướng phát triển sự nghiệp cho các nhân viên đi sau mình.
Tạo điều kiện cho những người đi sau tiến lên không chỉ giúp cấp dưới thành công, mà chính nhà quản trị cũng có cơ hội bước lên một vị trí mới với trọng trách cao hơn”.
Khi làm việc trong tổ chức có chiến lược phát triển một cách bài bản, những nhà quản trị cao cấp và quản trị nhân sự luôn phải nhận diện các năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm cần có đối với các vị trí lãnh đạo ở các thế hệ tiếp nối. Những người lãnh đạo trong tương lai sẽ phải tiếp tục hành trình đi tới những mục tiêu cao hơn, lớn hơn mà thế hệ đi trước chưa thực hiện xong.
Do vậy, trong các phản hồi đánh giá hoạt động chung của bộ phận do mình trực tiếp quản lý, nhà quản trị cần lồng vào đó cả thông tin đánh giá lẫn kế hoạch phát triển nhân sự cho giai đoạn sau. Những nhân viên dưới quyền khi đó sẽ nhìn vào nhà quản trị để biết cách rèn giũa các kỹ năng mà họ cần có, biết tích lũy thành kinh nghiệm để nâng cao trình độ của bản thân và dễ dàng tiếp nhận những công việc mới.
Nhà quản trị cần vừa thực hiện công việc mang tính dẫn dắt, đào tạo nhân viên, vừa tiếp tục hoàn thiện bản thân để bước tiếp lên vị trí cao hơn. Trong mọi tình huống, nhà quản trị luôn phải gánh trách nhiệm về sự tiến bộ của đội ngũ nhân viên dưới quyền và luôn kết nối công việc của họ với các cơ hội phát triển trong doanh nghiệp.
Giúp nhân viên hình dung về sự thành công
Nhà quản trị có nhiệm vụ truyền đạt tầm nhìn của ban lãnh đạo doanh nghiệp cho các nhân viên của mình, giúp họ hiểu đúng tầm nhìn đó. Việc tiếp theo là khuyến khích nhân viên phát triển giao tiếp, tạo môi trường trao đổi thông tin đa chiều, liên kết nhân viên với hệ thống nội bộ như một nhu cầu không thể thiếu trong sự phát triển nghề nghiệp. Điều này còn nhằm giúp nhân viên hiểu thêm về các lựa chọn cơ hội nghề nghiệp và hình dung được sự thăng tiến của họ trong tương lai.
Nhìn chung, các nhân viên luôn đánh giá cao những phản hồi mang tính xây dựng của nhà quản trị khi chúng kịp thời, cụ thể, có thể giúp nhân viên cải tiến cách làm việc và nâng cao hiệu suất lao động. Phản hồi của nhà quản trị cũng là dịp kết nối công việc của nhân viên với cơ hội phát triển của họ.
Lập kế hoạch phát triển nhân viên
Nhà quản trị có trách nhiệm chuyển các ý đồ và mong muốn của ban lãnh đạo doanh nghiệp thành các kế hoạch hành động cho bộ phận mà mình quản lý, bao gồm cả kế hoạch phát triển nhân sự và được cụ thể hóa bằng những chương trình trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn và những bài học mang tính xử lý tình thế, sao cho chúng luôn kết nối với các mục tiêu công việc của từng cá nhân.
Vì những nhân viên có tiềm năng luôn muốn biết họ đã đóng góp ra sao vào các mục tiêu lớn của doanh nghiệp nên việc nhà quản trị đánh giá và thảo luận với họ về các kết quả công việc cũng chính là cách giúp đỡ họ hoàn thành sứ mệnh cá nhân.
- Xem thêm: Giúp nhân viên thành công
Thành công của nhân viên cũng là thành công của bản thân
Khi giúp nhân viên thăng tiến, bản thân nhà quản trị cũng tạo dựng sự thành công mới cho chính mình, bởi lẽ:
- Những phản hồi có hiệu quả giúp nâng cao năng lực lãnh đạo của chính nhà quản trị.
- Thực hiện được các kế hoạch phát triển nhân sự chứng tỏ nhà quản trị hoàn thành tốt vai trò quản lý nhân sự, góp phần phát triển nguồn lực quý báu cho doanh nghiệp.
- Việc kết nối nhân viên với các mục tiêu của doanh nghiệp cho thấy nhà quản trị nhìn rõ bức tranh tổng thể cả trong hiện tại và tương lai của doanh nghiệp, nhờ đó toàn bộ guồng máy của doanh nghiệp luôn sẵn sàng đổi mới để thích ứng với hoàn cảnh mới và tiếp tục vươn lên, cho dù có nhiều thách thức đang chờ đợi ở phía trước.
Như thế, một khi phát triển đội ngũ nhân viên thành công, nhà quản lý cũng đã sẵn sàng tiến lên, đủ năng lực và trình độ để đảm trách một vị trí quản lý cao hơn.