Tính đến 22-5, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tăng đến 2,29% so với thời điểm cuối năm ngoái, trong đó tín dụng tiền đồng tăng đến 4,57% (tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,07%). Theo thông lệ, những ngày cuối tháng tốc độ tăng thường cao hơn bình thường nên nhiều khả năng mức tăng tín dụng đến cuối tháng 5 sẽ đạt khoảng 2,5 – 3%. Đây là một tín hiệu đáng mừng, nhất là khi bốn tháng đầu năm 2013 tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức âm 1,71%. Điều đặc biệt hơn, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng của nhiều ngân hàng thương mại đã thấp hơn mức trần lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, phổ biến ở mức 5 – 7,5%/năm, còn các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 8 – 10,5%/năm. Lãi suất đầu vào thấp là tiền đề để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay và đó là tin vui cho các doanh nghiệp, vốn chịu mức lãi suất cao trong suốt một thời gian dài.
Tuần qua, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng ViệtNamđối với một số lĩnh vực ưu tiên về mức 10%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước còn điều chỉnh giảm tất cả các khoản vay có lãi suất trên 13%/năm về mức 13%/năm. Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển TP. Hồ Chí Minh còn triển khai gói tín dụng trị giá 1.000 tỉ đồng để tài trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất 10,5 – 11,5%/năm dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh hàng xuất nhập khẩu. Hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 8 – 10%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 – 11%/năm đối với khối ngân hàng thương mại Nhà nước, 11 – 12%/năm đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được cho vay với mức lãi suất chỉ từ 7,5 – 8%/năm. Những mức lãi suất “trong mơ” nếu so sánh với cách nay chừng nửa năm ấy, dù trễ còn hơn không, sẽ phần nào giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn rất khó khăn của nền kinh tế.
Bên cạnh tín hiệu vui về lãi suất giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, việc Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) chính thức hoạt động từ ngày 9-7 tới được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam thoát khỏi cơn khủng hoảng thanh khoản – nợ xấu kéo dài suốt nhiều tháng qua. Khi VAMC đi vào hoạt động, một phần lớn nợ xấu của các ngân hàng sẽ được chuyển qua cho công ty này, nhưng điều đó không có nghĩa là các ngân hàng hết trách nhiệm với món nợ xấu của mình. Theo quy định, các tổ chức tín dụng vẫn phải xử lý khoản nợ ấy bởi VAMC hiện chỉ nắm giữ tài sản chứ không phải người đứng ra xử lý. Phần lớn tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu hiện nay là bất động sản, mà thị trường địa ốc hiện đang kém thanh khoản và giá thấp nên nếu đấu giá thì vừa khó bán vừa giá thấp. Vậy nhưng các ngân hàng vẫn được khuyến khích đem tài sản thế chấp ra đấu giá, chấp nhận lỗ để giải quyết dứt điểm nợ xấu. Chính vì thế, một số tín hiệu tích cực những ngày vừa qua chỉ là tiền đề cho ngành ngân hàng bắt tay giải quyết những tồn đọng của mình, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước.
Minh Hằng