Đà Lạt là xứ “Hoàng triều cương thổ” một thời. Nền phong kiến nhiều ngàn năm của Việt Nam bỗng kết thúc ở phố núi trẻ măng này. Tôi sống ở đây, kẻ hậu sinh xa lắc. Nhưng tôi không vọng tưởng về vua chúa cùng những gì ồn ào son phấn vang bóng của bất cứ hoàng triều nào, thay vào đó tôi nghĩ về một “đại gia”- một tầng lớp mà ở thế kỷ XXI khi nói đến người ta lại hình dung ra những người có nhiều của cải và chơi hơn người…
Ở đây thinh vắng quá. Ngọn đồi như một cái gì đó rất cổ xưa, dù thông là loài cây thân thuộc, đang đổ bóng. Tôi bước thật chậm, cảm thấy thanh nhẹ trong hơi gió núi thì thào. Con đường đi lên đỉnh đồi lởm chởm đá và đầy cỏ phủ làm cho nó hoang dại và thơ mộng ra.
Tôi đứng trước khoảng sân cũng đầy cỏ và vái lạy trước khi bước lên khối kiến trúc mang hình căn nhà có gì đó pha hơi hướm giữa phương Đông và phương Tây. Trên đỉnh nóc có một cây thánh giá rêu phong. Bên trong không gian trống trơn với mặt cửa trước và mặt cửa sau thông nhau là hai khối mộ nhô lên trên sàn. Hình cây thánh giá khắc nhô phủ dọc trên mộ phần. Có một cái bàn hành lễ cao ngang ngực với hai trụ cũng như mặt bàn bằng miếng bê tông thanh gọn gác qua hai đầu. Nó cũ kỹ, như đã nhiều thập kỷ rồi việc hành lễ không diễn ra…
Ngôi nhà “độc nhất vô nhị”
Vách tường của “ngôi nhà” có độ dày bốn mươi và sáu mươi phân. Mái nhà lợp ngói, nhưng la-phông lại được cấu tạo bằng những phiến bê tông đúc ghép nối lại. Những tiếng nói nhỏ của tôi cũng vang lên, kể cả tiếng máy chụp ảnh. Âm thanh dội lại, rền rền, uy nghi nhưng thanh thoát. Tưởng thiết kế đơn sơ, nhưng kết cấu kiến trúc rất lạ và tinh tế. Tôi nhờ chàng thanh niên xa lạ mang hoa đến viếng đứng cách nhà lăng mười lăm thước để nghe thử tiếng tôi. “Đây có phải là lăng cụ Nguyễn Hữu Hào?”. Cậu thanh niên hồi đáp: “Nghe rất rõ anh à”. Tôi nghêu ngao thêm vài câu hát. Cậu kia báo lại: “Anh vừa hát câu “Đà Lạt bây giờ mưa về đâu/ Sông xa có nhớ suối khe đầu?”.
Thiết kế lăng mộ kiểu này đúng là mang hơi thở cấu trúc tạo âm ở cung thánh trong các giáo đường Công giáo rồi. Âm thanh được khuếch đại mà không cần dùng đến micro, loa. Hẳn là để khi người ta hành lễ trong lăng mộ thì người dự đứng ngồi dưới khoảng sân kia đều nghe. Vậy đây là độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
- Xem thêm: Đà Lạt và ‘những người muôn năm cũ’
Phần mộ kế bên, dĩ nhiên là của vợ ông. Nghe đâu, mấy chục năm trước, phần mộ của ông, nằm phía bên trái bàn lễ, đã bị những chúng sinh thất đức đào bới để tìm của cải. Của cải có không không biết, nhưng tan vỡ những vệt đất đen kia là hẳn rồi.
Ở tấm bia gần bên, có dòng chữ: “Ngắm trông núi hồ, mây trắng vời vợi. Bên gò cảm xúc, gió thông vi vu… Cõi người ký gửi biệt ly thường xuyên”.
Lăng mộ đặc biệt trên cao nguyên Langbian
Sao bỗng dưng có một ngôi lăng mộ đặc biệt như thế trên cao nguyên Langbian? Và ông Nguyễn Hữu Hào là ai? Xin nói luôn, ông là thân phụ của Nam Phương hoàng hậu, tức nhạc phụ của hoàng đế Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.
Nói đến cái lăng này thì phải nói đến biệt thự Mùa Đông nằm trên đường Trần Hưng Đạo (nay). Nó nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng mới cất. Tòa kiến trúc vẫn rực rỡ, người ta đang đưa nó vào làm điểm tham quan về một thời quá vãng. Điểm tham quan, nhưng mọi nội dung liên quan đều nói về Nam Phương hoàng hậu và hoàng đế Bảo Đại chứ không nói nhiều đến người tạo ra nó – hào phú xứ sông nước Gò Công Nguyễn Hữu Hào. Ông là người Việt đầu tiên cất được một dinh thự mang kiến trúc Pháp vào thời (thuộc) Pháp trên “tiểu Paris” này. Ông thuê kiến trúc sư Pháp thiết kế và tự đổ tiền ra xây. Nó ra đời đầu thập niên 1930. Đây là nơi đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào mỗi khi mệt mỏi trong chuyện làm ăn thì lên nghỉ dưỡng.
Tư liệu hiếm hoi chỉ nói vắn tắt ông có tên thánh là Pierre, thuở nhỏ đi tu, học trường dòng. Nhưng sau không làm tu sĩ mà “ra đời”, đi học tiếp ngành canh nông tại Pháp, rồi làm doanh nhân.
- Xem thêm: Nên thơ và khoáng đạt rừng núi Di Linh
Ông yêu Đà Lạt rất thầm lặng. Ông ước nguyện được chết ở Đà Lạt. Và dù ông không trút hơi thở cuối cùng ở Đà Lạt, nhưng người ta đã đưa ông về đây yên nghỉ. Ở đời là thế, con người ta không chọn được nơi sinh, bố mẹ, nhưng được chọn nơi lụi tàn tấm thân tứ đại. Cái câu bằng chữ Nôm trên bia: “Nhưng tuần bảy mươi, hóa cõi về trời” kia không biết có phải số năm ông sống trên đời không.
Ông mất Giáng sinh 1937 và lăng này được hoàn thành dịp Giáng sinh năm Bảo Đại thứ 14, tức 1939.
Nhưng từ độ những gì của Bảo Đại phai biến, không hoàng thân quốc thích nào của triều đại ấy hay dòng tộc của vị hào phú nơi châu thổ kia trở lại đây coi viếng, cả lăng mộ lẫn dinh thự.
Tất cả rêu phong, bạc phếch
Nguyễn Hữu Hào là một con người giàu mà sang. Đến mức không ai có thể biết đến thanh thế của ông, dù sinh thời ông là người Việt giàu có nhất nhì xứ Nam kỳ, đồn điền ông rải khắp nơi từ miền Tây Nam bộ lên cao nguyên, rồi ở Pháp, Morocco, Congo… Đến mức không ai có thể tìm thấy hình ảnh nào về ông trên đời. Bảo tàng Lâm Đồng cố công đi tìm nhưng cũng chịu thua.
Ông đọng lại trong dân gian cao nguyên và phương Nam bằng sự tương truyền. Rằng ông là một người thầm lặng, thủy chung với một vợ duy nhất – bà Lê Thị Bình, con gái Huyện Sỹ Lê Phát Đạt – người giàu nhất xứ Đông Dương cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đến Nam Phương hoàng hậu khi lưu vong xứ người vẫn sống bằng tài vật ở những bất động sản ông để lại.
Không có gì là mãi mãi…
Nhà Nguyễn với chín đời chúa và mười ba đời vua, Nguyễn Hữu Thị Lan là người duy nhất được phong hoàng hậu – hoàng hậu Nam Phương. Một sự đặc biệt ngoại hạng. Nó đặc biệt như vị hoàng hậu có tên thánh là Marie Thérése ấy và các công chúa, hoàng tử nàng sinh ra theo một tôn giáo mà các tiên vương của chồng không chấp nhận – đạo Thiên chúa.
- Xem thêm: Đà Lạt eo cong của phố
Bảo Đại ban đầu là một người đàn ông dám sống theo trái tim khi chấp nhận mọi đề ước, trong đó có thỏa thuận kia của người yêu để có được nàng. Nhưng theo tôi, rốt cuộc ông cũng là một gã nghĩa khí không đầy, tham sắc dục và bội ước. Bội ước lý tưởng tình yêu thủy chung, bỏ rơi người phụ nữ một nách năm đứa con sau mười ba năm chăn gối để nàng phải lưu vong xứ người. Thiên tử “chơi” không đẹp.
Nam Phương hoàng hậu chính là người cất lăng cho cha mình và soạn ghi những dòng chữ nhỏ trên tấm bia trước lăng, cùng người chị gái là vợ của Nam tước Didelot.
Với tôi, kia không chỉ là một cái lăng hay căn biệt thự của một người bình thường trên đời, mà từ nó ta nhìn ra cõi người hợp tan. Thành đạt, giàu có nhất xứ một thời rồi cũng ra thế đó. Ngay nàng Nam Phương, bậc mẫu nghi thiên hạ dạt trôi kia cũng “ra đi” lặng lẽ bên trời nước Pháp vạn dặm. Và vị hoàng đế bạc tình cũng lụi tàn trong một nghĩa địa buồn nơi xứ ấy ở tuổi tám lăm.
Tất cả đều là phù du.
Chỉ có sự chân chính và tiếng thơm thì ở lại.