Không thể cho vay hết khả năng, một phần khoản chênh lệch ấy, khoảng 30 ngàn tỉ đồng, được các ngân hàng tiếp tục đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nâng tổng lượng trái phiếu chính phủ mà các ngân hàng nắm giữ lên đến 400 ngàn tỉ đồng. Phần còn lại dành cho dự trữ, đã vượt khoảng 40 ngàn tỉ đồng so với yêu cầu về dự trữ bắt buộc. Mà ngay cả việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ của các ngân hàng cũng cho thấy sự “gượng ép”. Cụ thể, chi phí huy động vốn của các ngân hàng hiện khoảng 8%/năm, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn (2-3 năm) chưa tới 7%/năm, kỳ hạn năm năm cũng chỉ 7,8%/năm, kỳ hạn 10 năm là 9%/năm. Nhằm thực thi chính sách tiền tệ, bên cạnh việc can thiệp vào lãi suất, Ngân hàng Nhà nước có thể thay đổi tổng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế nhờ việc bơm tiền hay hút tiền thông qua thị trường mở. Và thời gian qua, khối lượng tiền mà định chế này tung ra cũng ít hơn so với lượng tiền hút về. Tất cả đã phản ánh một điều là sự thay đổi chính sách tiền tệ khó tạo được tác động đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với những chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, để đẩy nhanh tốc độ tăng tín dụng, các ngân hàng đã làm đủ mọi cách để cho vay. Song song với việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng đang rất chú trọng đến mảng khách hàng cá nhân, với các chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất thấp. Mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng hiện đã thấp hơn cả mức lãi suất trước năm 2007, trung bình khoảng 6 – 10%/năm với khách hàng vay tiêu dùng trong năm đầu tiên.
Có một sự cộng hưởng khá thú vị, giúp việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân thuận lợi hơn. Đó là khi lãi suất gửi tiết kiệm và lãi suất cho vay giảm đến mức như hiện nay, tâm lý tiêu dùng của nhiều người đã thay đổi, mạnh dạn vay tiền hơn trước. Một số đang tiết kiệm tiền để mua nhà, mua xe, nhân cơ hội này đã quyết định rút tiền, vay thêm để sớm thực hiện dự định. Dòng tiền chảy vào nền kinh tế qua kênh vay tiêu dùng có dấu hiệu khá lạc quan, được thể hiện qua những con số thống kê. Chẳng hạn từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã cho cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà, tiêu dùng… tăng khoảng 12 ngàn tỉ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2012. Số dư nợ khách hàng cá nhân hiện đã chiếm 11,2% trên tổng dư nợ của các ngân hàng và tỷ lệ này còn tiếp tục tăng lên.
Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 5 ở mức 2,98% so với cuối năm ngoái. Dù mới chỉ đạt chưa đến một phần tư kế hoạch năm (12%), nhưng có thể tin rằng mục tiêu ấy có thể đạt được bởi theo quy luật, tín dụng thường tăng mạnh vào sáu tháng cuối năm. Ngay như năm 2012 khó khăn là vậy, tín dụng trong sáu tháng cuối năm cũng tăng tới 9%. Chưa kể là trong thời gian tới, gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở bắt đầu được triển khai, rồi Công ty Quản lý tài sản Quốc gia (VAMC) đi vào hoạt động và nhiều giải pháp kích cầu, giảm thuế đang được Chính phủ triển khai… Một khi VAMC đi vào hoạt động, dù không thể giải quyết ngay được nợ xấu thì cũng sẽ giúp các ngân hàng có thêm thời gian để hồi phục và thu hồi nợ xấu. Những tín hiệu tích cực đó sẽ giúp kế hoạch tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là có thể đạt được.
Minh Hằng