Theo dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ do Bộ Nội vụ vừa công bố, một số lớn cán bộ, công chức dôi dư do sắp sếp lại, chưa đạt trình độ hoặc có chuyên môn không phù hợp, cán bộ kiêm nhiệm, nghỉ ốm nhiều… có thể sẽ nằm trong đợt tinh giản biên chế tới đây.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, số cán bộ, công chức trong diện biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước năm 2012 gần 400.000 người, chưa bao gồm Bộ Quốc phòng và Công an. Ngoài ra còn khoảng 257.000 biên chế cấp xã. Trong năm 2013 số lượng biên chế không tăng và Bộ dự kiến sẽ đề xuất giảm khoảng 15 – 20% số biên chế hiện tại.
Còn theo kế hoạch từ nay đến 2020, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong sáu năm khoảng 8.000 tỉ đồng.
Bộ Nội vụ đề nghị sẽ có năm trường hợp nằm trong diện xét tinh giản biên chế sắp tới của Chính phủ, gồm: (1) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn dôi dư do sắp xếp lại, chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn, có chuyên môn đào tạo không phù hợp với ngành nghề, có năng lực hạn chế, có hai năm liên tiếp có số ngày nghỉ ốm trên 60 ngày; (2) Cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cấp trên, không thể bố trí được công tác khác; (3) Thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các vị trí lãnh đạo của các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, nay cổ phần hóa hoặc giao, bán, giải thể, phá sản…; (4) Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới và (5) Cán bộ, công chức được luân chuyển sang giữ các chức danh chủ chốt, được tuyển dụng hoặc được điều động thuộc biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù, nay thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại hoặc không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.
Theo dự thảo, đối tượng tinh giản biên chế nói trên sẽ kèm theo điều kiện từ 55-58 tuổi đối với nam, 50-53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên.
Số đối tượng tinh giản biên chế khi chuyển sang bộ phận khác không hưởng lương từ ngân sách sẽ được lĩnh ba tháng tiền lương hiện hưởng, được trợ cấp 1/2 tháng lương cho mỗi năm đóng bảo hiểm. Riêng với những người thôi việc, ngoài được ba tháng tiền lương thì được thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác đóng bảo hiểm.
Được biết hồi cuối tháng 1 vừa qua, trong một cuộc họp bàn về “Đề án cải cách chế độ công vụ” Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận trong bộ máy hành chính hiện nay có đến 30% công chức làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi tối cắp về, không mang lại hiệu quả công việc mà nguyên nhân là do tình trạng chạy chức và chế độ tuyển dụng bất cập.
Theo ước tính của đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà (Hà Nội) nêu ra công khai trong phiên chất vấn Chính phủ hồi cuối tháng 11 năm ngoái, số tiền lương chi cho các đối tượng này có thể lên đến 17.000 tỉ đồng mỗi năm.
Gia Minh tổng hợp