Theo thông lệ những năm qua, nhiều người tin rằng các tổ chức tín dụng không chỉ đạt mà còn có thể vượt mục tiêu, bởi thời điểm cuối năm các doanh nghiệp thường vay vốn để đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh phục vụ dịp lễ tết. Một số ngân hàng đã xin Ngân hàng Nhà nước được nới room tăng trưởng tín dụng trên 12%, lên khoảng 15 – 20%.
Sự cải thiện trong hoạt động cho vay của các ngân hàng một phần do nhu cầu tín dụng của khu vực doanh nghiệp cũng như cá nhân tăng lên. Phần còn lại, là nỗ lực tự thân của các ngân hàng: tăng cường tiếp thị, tung ra nhiều chương trình tín dụng với lãi suất cạnh tranh. Với các doanh nghiệp tốt, một số ngân hàng cho vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động với lãi suất còn thấp hơn cả lãi suất huy động, có khi chỉ từ 5,2 – 5,5%/năm.
Không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn, tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh, các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Tỷ lệ cho vay tiêu dùng của nhiều ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng cao hơn cho vay doanh nghiệp. Để đạt được điều này, các tổ chức tín dụng đã tung nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi để kích thích nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Đó là các gói tín dụng trị giá hàng trăm tỉ đồng dành cho khách hàng vay tiêu dùng, mua nhà, mua xe với mức lãi suất ưu đãi cố định trong một vài năm đầu. Chính tín dụng tiêu dùng đang góp phần làm ấm dần một vài phân khúc bất động sản, giúp việc bán căn hộ mới trong ba tháng qua đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Các ngân hàng cũng áp dụng linh hoạt các điều kiện cho vay với mua xe hơi, khiến cho lượng xe bán được cũng tăng so với trước.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 0,7% so với tháng 7 và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung tám tháng đầu năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012, nhờ vào hoạt động mua bán và thanh toán qua thẻ tín dụng cũng như các khoản vay mua nhà, mua xe… của người dân tăng lên. Mục tiêu đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng của ngân hàng đạt được kết quả như vậy ngay trong giai đoạn khó khăn này là do tiềm năng thị trường vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Quy mô tín dụng tiêu dùng nước ta mới chỉ khoảng 5 – 6% GDP, thuộc loại rất thấp so với các nước trong khu vực.
Hầu hết ngân hàng hiện dành tỷ trọng khá cao trong nguồn vốn tín dụng để cho vay tiêu dùng, có ngân hàng tỷ lệ này chiếm đến 70 – 80%. Tuy nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt. Cho vay tiêu dùng là một trong những giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu mở rộng cho vay tiêu dùng mà không kiểm soát chặt chẽ, các ngân hàng phải đối diện với nguy cơ nợ xấu sẽ tăng trở lại. Do vậy, để kiểm soát chất lượng khoản cho vay, các ngân hàng không nên tìm cách tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Thay vào đó, họ cần nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời với việc giữ đúng nguyên tắc và chuẩn mực cho vay để luôn hạn chế được rủi ro ở mức thấp nhất.
Ngoài ra, việc lãi suất cho vay không giảm tiếp có thể là một rào cản cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay hết mức và với việc lãi suất huy động ngắn hạn vẫn ở mức 6 – 7%/năm như hiện nay, việc đà giảm lãi suất dừng lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định vay của người tiêu dùng.
Minh Hằng