Chủ trương tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được đẩy mạnh với mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN được đề cập đến trong một hội nghị tổ chức tuần qua do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì.
Đây được cho là một phần nỗ lực tìm nguồn vốn mới cho khối DNNN hoạt động kém hiệu quả, nợ nần lớn vì đầu tư ngoài ngành, yếu kém trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế, dù được ưu tiên về các nguồn vốn vay tín dụng, khai thác tài nguyên lẫn lao động.
Theo nhận định của Thủ tướng, đóng góp của khối DNNN vào GDP còn thấp so với nguồn vốn được ưu đãi, đồng thời ông cũng thúc giục các cấp, ngành đẩy mạnh tốc độ tái cấu trúc. Ông nhấn mạnh về việc Nhà nước không còn giữ quan điểm phải giữ cổ phần chi phối ở nhiều DNNN. Thay vào đó là sẽ bán nhiều, bán nhanh hơn nữa các doanh nghiệp mà trước đây Nhà nước còn muốn giữ để kiếm lời.
Tại hội nghị vừa nói, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng sẽ còn xem xét cổ phần hóa thêm một số doanh nghiệp khác nữa chứ không phải chỉ gần 500 doanh nghiệp trong danh sách.
Theo kế hoạch đã phê duyệt, trong hai năm 2014-2015 sẽ có 432 DNNN phải cổ phần hóa và tiến hành bán, giao, giải thể, phá sản 22 doanh nghiệp.
Sở dĩ số doanh nghiệp cổ phần hóa trong hai năm tới khá nhiều là do trong ba năm từ 2011 đến 2013 chỉ 99 doanh nghiệp được cổ phần hóa với giá trị thu về gần 19.000 tỉ đồng. Do đó, trong hai năm tới phải phấn đấu bình quân mỗi năm hơn 200 doanh nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong quý II-2014 Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về thoái vốn nhà nước, trong đó định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định; chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá; phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian; thoái vốn đầu tư tại các công ty đại chúng thua lỗ…
Tuy nhiên, bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành, chủ tịch các tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách. Đồng thời xử lý nghiêm, cách chức, miễn nhiệm, điều chuyển lãnh đạo doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, theo kế hoạch sắp xếp DNNN năm 2014-2015 của bộ này thì toàn bộ các tổng công ty, DNNN còn lại sẽ thực hiện cổ phần hóa 100%, trừ ba tổng công ty công ích về đảm bảo an toàn hàng không và hàng hải.
Trong quý I-2014 sẽ hoàn thành cổ phần hóa 10 tổng công ty, riêng Vietnam Airlines sẽ hoàn thành trong quý II-2014, sau đó sẽ cổ phần hóa tiếp khoảng gần 40 doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp…
Chủ trương tái cấu trúc DNNN được đề ra từ năm 2011, nhưng mấy năm vừa qua tiến hành rất chậm, không đạt được mục tiêu về số lượng các doanh nghiệp cần cổ phần hóa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các tập đoàn, tổng công ty tự xây dựng chương trình tái cơ cấu cho mình và đưa lên các cơ quan trên để trình duyệt thay vì để cho các chuyên gia hoặc các tổ chức độc lập thẩm định và đề xuất.
Gia Minh tổng hợp