Theo nhiều khảo sát thì có đến hơn 60% hành khách trên các chuyến bay có chút lo lắng, trong đó 10% luôn có cảm giác sợ bay. Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng không ngại chia sẻ về việc sợ bay trước công chúng, điển hình như Miley Cirus, Ben Affleck, Britney Spears, Megan Fox, Whoopi Goldberg, Sandra Bullock, Jennifer Aniston và Dennis Bergkamp.
Tâm lý bất an của hành khách khi thực hiện các chuyến bay có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mà phần lớn là do tâm lý “Một sự bất tín, vạn lần bất tin”. Trên thực tế, máy bay được trang bị rất nhiều trang thiết bị kỹ để ngăn chặn việc bị rơi xuống khi xảy ra trục trặc trong lúc đang bay.
Ngày 4-11-2010, chiếc A380 của Hãng hàng không Qantas khi đang thực hiện chuyến bay từ Singapore đến Sydney thì xảy ra sự cố kỹ thuật ở động cơ số 2 mang thương hiệu Rolls Royce 900. Sự đột ngột ngưng hoạt động ngay sau khi cất cánh của động cơ này dẫn đến hậu quả là hệ thống lái, hầm nhiên liệu và phần cánh bên trái bị phá hỏng hoàn toàn.
Tổ lái đã bình tĩnh xử lý tình huống và đưa chiếc máy bay quay về, đáp an toàn xuống sân bay ở Singapore. Sau đó, các nhà điều tra đã tìm thấy một lỗi kỹ thuật trong động cơ gây nên vết gãy. Mặc dù có chút lo lắng về khả năng vận hành của động cơ Rolls Royce, nhưng cơ trưởng của chuyến bay đã ghi dấu ấn trong lịch sử ngành hàng không khi đã vững tay lái để đưa chiếc phi cơ hai tầng khổng lồ như A380 hạ cánh an toàn, tránh được một tai nạn thảm khốc. Sự việc cũng minh chứng cho độ an toàn gần như tuyệt đối của dòng máy bay A380 vì cho dù gặp phải những sự cố kỹ thuật nghiêm trọng mà vẫn có thể tiếp tục bay an toàn.
Trước đó gần hai năm, chiếc A320 – một máy bay tầm trung cũng của Airbus đã có một chiến tích ngoạn mục cùng Hãng hàng không US Airways. Chuyến bay mang số hiệu 1549 cất cánh ngày 15-1-2009 dự kiến thực hiện hành trình từ sân bay LaGuardia thuộc thành phố New York đến sân bay Charlotte Douglas.
Chỉ mới 90 giây sau khi cất cánh, máy bay gặp phải một đàn ngỗng trời khiến hệ thống điện ở cả hai động cơ bị trục trặc. Trong tình thế không thể bay tiếp, cũng không thể quay về LaGuardia hoặc hạ cánh xuống bất kỳ sân bay nào gần nhất, phi hành đoàn quyết định cho máy bay đáp xuống sông Hudson để giữ an toàn cho tất cả hành khách.
Sự việc không chỉ cho thấy bản lĩnh của cơ trưởng trong việc đưa ra những quyết định kịp thời cũng như tinh thần làm việc đồng đội hiệu quả của phi hành đoàn, mà còn chứng minh rằng hệ thống lái cơ khí (cần lái bằng tay) được trang bị trên A320 rất hiệu quả trong việc kết nối với hệ thống máy tính điều khiển bay.
Không chỉ có Airbus, những chiếc máy bay của Boeing cũng tạo nên nhiều kỳ tích đáng ngưỡng mộ trong lịch sử vận chuyển hàng không thế giới. Chiếc Boeing 777-200ER của United Airlines đã thực hiện một kỷ lục khi bay hơn ba giờ liền với 255 hành khách để vượt Thái Bình Dương rồi hạ cánh an toàn xuống sân bay Kona trên quần đảo Hawaii chỉ với một động cơ vì động cơ còn lại gặp sự cố, bị rò rỉ nhiên liệu.
Điều đó cho thấy hành khách có thể an tâm bởi khi một trong hai động cơ bị trục trặc thì máy bay vẫn có thể bay bình thường thêm một khoảng cách khá dài. Xin đề cử một tình huống trầm trọng hơn đã xảy ra với chuyến bay từ Newark (Mỹ) đến Warsaw (Ba Lan) ngày 1-11-2011 của Hãng hàng không Polish Airlines LOT. Khi đó, chiếc Boeing 767-300ER đã gặp sự cố, bị rò rỉ nhiên liệu trong vòng 30 phút sau khi cất cánh, khiến hệ thống thủy lực làm nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho các tấm điều khiển trên cánh và hệ thống càng chính bị ngưng hoạt động.
Ngay lập tức, hệ thống dự phòng đã được khởi động nhưng chỉ có các tấm điều khiển trên cánh hoạt động trở lại. Tổ lái đã phải đưa quyết định xả nhiên liệu trên biển Đại Tây Dương và đáp bằng bụng đầy ngoạn mục xuống sân bay Warsaw. Mặc dù máy bay không còn nguyên vẹn nhưng toàn bộ hành khách cùng phi hành đoàn đều an toàn.
Tất nhiên, tài năng điều khiển máy bay của các phi công đóng vai trò rất quan trọng khi xảy ra sự cố, nhưng đội ngũ tiếp viên trên các chuyến bay cũng góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo sự yên tâm cho hành khách. Từng có một chuyện diệu kỳ đã xảy ra trên chuyến bay 358 của Hãng hàng không Air France vào ngày 2-8-2005. Số là chiếc máy bay A340 khi đáp xuống sân bay Toronto trong điều kiện đường băng trơn trượt đã bị tuột khỏi đường băng rồi đâm qua hàng rào bảo vệ, đâm tiếp vào một khe núi và bốc cháy dữ dội.
Vậy mà toàn bộ 309 hành khách và phi hành đoàn đều sống sót. Mặc dù kết quả điều tra cho thấy sự may mắn của những người trên chuyến bay đó phần nhiều nhờ vào độ bền của thân máy bay và sức cản của hàng rào tại sân bay, nhưng sự bình tĩnh và kỹ năng trấn an hành khách của tổ tiếp viên phục vụ chuyến bay cũng là một yếu tố nổi bật giúp cho thương vong không xảy ra.
Không chỉ là loại phương tiện vận chuyển được trang bị những thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại, máy bay có độ an toàn cao còn nhờ ở những quy trình kết hợp làm việc theo nhóm và kỹ năng xử lý tình thế của phi hành đoàn khi xảy ra sự cố. Vì vậy, số lượng tai nạn hay sự cố xảy ra trong ngành vận chuyển này rất thấp so với các loại phương tiện vận chuyển khác. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp các hãng hàng không nhận được sự tin tưởng cao từ hành khách và khi các chuyến bay giá rẻ ngày một nhiều thì lượng hành khách chọn máy bay để di chuyển cũng ngày một lớn.