Ngôi trường dành cho trẻ em đường phố nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Đến đây, các em được phổ cập tiếng Việt, học thêm tiếng Anh, vi tính, được trân trọng và yêu thương. Gọi là trường học cho “oai” chứ thực tế điểm dạy học cho trẻ em lang thang nói trên chỉ là một ngôi nhà cũ, vừa đủ cho ba lớp học (một lớp 1, một lớp cho các em lớp 2, 3, 4 học chung và một lớp tiếng Anh). Trong bộ đồng phục cũ, ngắn trên mắt cá chân, trông các em học sinh vẫn khá sạch sẽ, tinh tươm, khác xa với cảnh lam lũ ngoài đường phố khi các em bán vé số, đánh giày, ăn xin…
Cuộc đời mỗi đứa trẻ là một câu chuyện đáng thương
Em Trâm Anh, lớp 1, đang nắn nót chép từng câu thơ: “Bay cao cao vút/ Chim biến mất rồi/ Chỉ còn tiếng hót/ Làm xanh da trời…” (Con chim chiền chiện – Huy Cận) vào tập vở trắng tinh. Em học rất chăm, viết chữ đẹp nhưng vì thời gian trước thường phải nghỉ học đi bán vé số nên mãi vẫn chưa hoàn thành lớp 1. Mẹ em mê cờ bạc, bỏ bê gia đình nên em phải thay mẹ kiếm tiền nuôi cả ba anh em. Chán cuộc sống túng thiếu, mẹ Trâm Anh đã bỏ gia đình đi mấy bữa nay không về. Thật may, ba em mới được ra tù, thay mẹ chăm sóc mấy anh em. Cô Chấn, nhân viên xã hội của trường, chia sẻ: “Từ ngày ba Trâm Anh về, cả mấy anh em mặt mày tươi tắn hẳn ra. Ông ấy hay uống rượu nhưng vẫn chăm sóc con chu đáo và cho tụi nhỏ đi học”.
Những năm trước, các em hay được các mạnh thường quân ghé thăm và cho quà
Một trong những em học sinh nhỏ con nhất lớp 1 là cậu bé Dương, người Khơ-me, quê ở An Giang, mới vào học được hai tuần. Em có đôi mắt buồn nhưng miệng lúc nào cũng cười chúm chím. Mẹ Dương mất sớm, em hay bị người mẹ kế đánh đập đến không chịu nổi nên đã bỏ nhà ra đi. Em lang thang khắp những con đường nhỏ, đường lớn ở An Giang, ngày vác gạch đá kiếm sống, tối ngủ trên ghế đá công viên. Thật may, một phụ nữ sống tại TP. Hồ Chí Minh tình cờ gặp em trong chuyến về An Giang thăm nhà chồng và đưa em về cưu mang tại thành phố. Vì Dương vào học sau các bạn đã lâu nên cô Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, phải dành thời gian kèm thêm cho Dương vào cuối giờ học để em theo kịp các bạn.
Nhìn bảng thống kê về hoàn cảnh gia đình mới thấy hầu hết các em ở đây đều không có một mái ấm trọn vẹn. Em thì sống với cha, em sống với mẹ, có em còn đáng thương hơn, không được sống với cả cha lẫn mẹ. Như trường hợp cả ba anh em Vy chỉ sống với bà nội. Được cô giáo cho bánh, Vy giữ mãi không ăn mà để dành cho bà nội. Em nói: “Bà nội thương con lắm, không đánh con bao giờ, bà bảo rằng “tao thương chúng mày vì chúng mày không còn mẹ””. Trưa trưa lại thấy bà lò dò mang cơm đến lớp cho ba đứa cháu.
Không nhiều những em nhỏ lang thang được sống trong tình yêu thương của người thân như Vy. Các cô giáo ở trường nhớ mãi ba anh em Dung, Quốc, Thái dù chỉ học ở đây một thời gian ngắn. Mẹ của Dung thường sa đà vào các cuộc vui thâu đêm suốt sáng nên ba anh em phải tự đi lượm ve chai kiếm sống. Cô Thúy, nhân viên xã hội, kể: “Cả ba em đều bị suy dinh dưỡng nặng nhưng rất siêng năng, có ý thức tự giác cao và chẳng nề hà công việc gì. Đi nhặt ve chai về, các em lại hay có quà cho mẹ, cho cô, khi thì cái móc quần áo, lúc lại con thú nhỏ bằng nhựa… Thương lắm!”.
Cô Phương là một trong những cô giáo gắn bó lâu năm với các em lớp 1
Hai giáo viên người Pháp là Vân và Guillaume đang dạy cho các em lớp 3
Hầu hết gia đình các em đều khó khăn, cha mẹ không có nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống của các em cũng vô cùng bấp bênh. So với các em có đủ điều kiện thì học sinh ở đây thường chậm tiến bộ trong học tập hơn vì các em chỉ học ở trường là chủ yếu, về nhà cha mẹ ít khi quan tâm đến việc học của con cái, thậm chí một số phụ huynh còn không biết chữ nên muốn giúp con học cũng “lực bất tòng tâm”. Nhiều em thường xuyên nghỉ học để phụ cha mẹ kiếm tiền. Có em không đi học được vì cha mẹ mới… đánh nhau, lại có em nghỉ học cả tuần vì để mất tập vé số, không dám về nhà…
Một ngôi trường không chỉ dạy về con chữ
Từ miền Trung nắng gió, mẹ của em Xuân Hoàng vào sống ở TP. Hồ Chí Minh kiếm sống và dành dụm tiền gửi về cho con đang ở quê. Nhớ con trai lắm nhưng chị không thể đưa đi cùng vì không đủ điều kiện cho con ăn học. “Nhờ có lớp học tình thương này mà mẹ con tôi mới được đoàn tụ”, chị thường cảm động nói vậy mỗi khi đến đón con tan học vào buổi chiều. Cô Thúy, người gắn bó với ngôi trường này từ những ngày đầu thành lập, cho biết: “Phần lớn các em đều không còn giấy khai sinh nên việc đăng ký tạm trú đã khó, nói chi đến việc xin vào các trường trong thành phố. Hơn nữa, đa phần gia đình đều khó khăn, cha mẹ không có nghề nghiệp ổn định như mẹ em Xuân Hoàng nên đành để con thất học”.
Ngôi trường dành cho trẻ em đường phố là một trong những dự án của tổ chức phi chính phủ Poussières de Vie (PdV), do ông Patrick Désir, một người Pháp gốc Việt sáng lập từ năm 2007. Ông Patrick cho biết: “Ở độ tuổi tiểu học, trẻ em học Anh văn, vi tính rất nhanh. Hơn nữa, nhờ internet, trẻ em đường phố nhận biết rõ hơn về cuộc sống, biết về những nguy hiểm thường trực xung quanh mình để đề cao cảnh giác. Vì vậy mà tôi muốn phổ cập tiếng Anh và những kỹ năng cơ bản về máy tính như word, excel, thiết kế… cho trẻ em càng sớm càng tốt”.
Bông hoa hiếm hoi phụ huynh tặng cô giáo nhân ngày 20-11
Các giáo viên của trường có cùng nhận định rằng dạy học cho trẻ đường phố là công việc không đơn giản. Những đứa trẻ này thường ù lì, dễ có khuynh hướng bạo lực và hay tỏ ra bất cần. Nhiều em không còn sợ đòn roi vì đã quen với việc cha mẹ, người thân bạo hành. Có em chỉ mới tám, chín tuổi đã xem phim người lớn và đến kể cho các bạn nghe. Cô giáo ở trường đã từng có lúc cảm thấy bất lực đến phát khóc trước những đứa trẻ “bất trị”. Nhưng sau đó, các cô lại tiếp tục kiên trì với nghề, kiên nhẫn với từng đứa trẻ để chúng không đi vào con đường tối. Với thù lao ít ỏi từ người điều hành tổ chức này, các cô phải làm việc gấp hai, gấp ba lần người bình thường từ sáng đến tối. Các cô không chỉ dạy về con chữ mà còn dạy về nhân bản – học ăn, học nói, học gói, học mở. Giáo viên thường tổ chức những buổi nói chuyện về những đề tài mà các em hay gặp trong thực tế như: xâm hại tình dục, lao động trẻ em, bạo hành trẻ em, bệnh xã hội… để các em tự bảo vệ mình khi bước chân vào đời quá sớm.
Một lớp học vẽ vào cuối tuần
Trong ngôi trường nhỏ này, phụ huynh còn dễ bắt gặp cảnh cô giáo cắt tóc, cắt móng tay, chải chấy… cho các em. “Cô còn gội đầu cho em vì ở nhà em toàn gội đầu bằng xà bông Omo”, một em vô tư cho biết. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng nếu không thật sự yêu thương trẻ em thì khó lòng gắn bó với các em lâu dài. Cô Thúy là nhân viên xã hội đã gắn bó với trường hơn bảy năm qua, cả những hôm nước ngập quá bánh xe máy. Các con của cô đều đã trưởng thành, rất muốn cô cùng sang định cưở nước ngoài nhưng cô từ chối vì “không đành lòng bỏ tụi nhỏ. Mỗi ngày đến đây tôi đều thấy vui và cuộc sống có ý nghĩa”.
Ngoài giáo viên người Việt dạy tiếng Anh, trường còn thường xuyên có các giáo viên người nước ngoài đến dạy học cho các em. Hôm chúng tôi đến trường, hai giáo viên người Pháp là Vân và Guillaume đang dạy cho các em lớp 3 về chủ đề ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Cả hai giáo viên đều 28 tuổi, đã ở TP. Hồ Chí Minh được tám tháng, hiện đang sống tại một phòng trọở quận 1. Mỗi tuần, Vân và Guillaume đều đặn đến lớp học bằng xe buýt ba buổi để dạy tiếng Anh cho các em. Hai bạn trẻ luôn tìm những cách dạy mới lạ, hấp dẫn để thu hút các em học sinh. Thầy Guillaume cho biết: “Các em nhỏ rất đáng thương, rất cần được giúp đỡ. Nhiều em học chăm và nhiều tiến bộ, như các em Tiến, Châu, Quỳnh, thật đáng khen!”.
Các em học vi tính trong điều kiện thiếu thốn
Các em nhỏ rất cần sự quan tâm của cộng đồng
Ngoài dạy học, làm công tác xã hội, giáo viên của trường còn kiêm luôn nhiệm vụ xin tài trợ để các em có thể có thêm những buổi đi thực tế, tắm biển, vui chơi dã ngoại. Với hoàn cảnh sống khó khăn hiện tại, các em khó lòng mà có một chuyến đi chơi cùng gia đình. “Mới tuần rồi, tụi con được đi bơi vui lắm”, bé Châu, lớp 3 vui mừng nói. Ba mẹ ly hôn đã lâu, hiện Châu đang sống với mẹ. Châu từng rất nhút nhát, mẹ đưa đến trường xin học nhiều lần nhưng em không dám vào. Đến nay, khi đã quen bạn, quen cô, em thích được học ở đây đến nỗi không nghỉ học buổi nào, dù bịốm. Em học tiếng Anh rất nhanh, phát âm tốt nên được cô Vân khen nhiều. Sau những chuyến giao lưu với các trường quốc tế trong thành phố, Châu và các bạn của em tiến bộ hơn nhiều, cả về khả năng tiếng Anh lẫn những kỹ năng tư duy khác. Riêng em Vũ, lớp 1, còn được một cặp kính mới sau chuyến giao lưu với Trường quốc tế British International School (quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Vũ năm nay đã 13 tuổi, bị cận đã lâu, nhưng gia đình và nhà trường đều không có điều kiện để mua cho em một cặp kính. Một cô giáo trợ giảng của British International School đã cho em 300 ngàn đồng để mua chiếc kính, nhờ vậy mà nay em đã tự tin hơn nhiều.
Các tình nguyện viên người nước ngoài rất nhiệt tình với các em
Sáng ngày 20-11 vừa rồi, một vị phụ huynh đã mang đến hai bông hoa hồng. Hai bông hoa nhỏ được các cô giáo trân trọng đặt ở phòng khách vì đó là một cử chỉ biết ơn hiếm có của phụ huynh. Có lẽ do áp lực kinh tế mà hầu hết phụ huynh của các em nhỏ hiếm khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã cho con mình mái nhà thứ 2. Nhà trường cũng đã chuẩn bị một thùng nước ngọt và một ít bánh kẹo để chuẩn bị cho mấy em liên hoan.
Poussières de Vie là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động ở Kontum và TP. Hồ Chí Minh. Ở Kontum, PdV giúp phổ cập tiếng Anh và vi tính cho 700 em nhỏở bảy cô nhi viện. Ngoài ra, tổ chức này còn xây dựng một khu du lịch xanh (eco-homestay) giúp người dân ở các bản làng phát triển dịch vụ du lịch như: sống trong nhà bằng gỗ, đi tàu, đi bắt cá, sống với dân trong làng, ăn uống do người dân tộc nấu, tổ chức làng cồng chiêng… Còn tại TP. Hồ Chí Minh, PdV tổ chức một lớp phổ cập tiếng Anh, vi tính cho trẻ lang thang từ 9 đến 18 tuổi tại một cơ sởở đường Trương Quyền, quận 3, và trường học dành cho trẻ đường phố trên đường Phan Huy Ích. Chi phí tối thiểu mỗi năm cho PdV là 100.000 đôla, trong đó người đứng đầu là ông Patrick hỗ trợ khoảng 80%, phần còn lại là sự đóng góp của các mạnh thường quân ở Pháp. Để có thêm chi phí cho các dự án của PdV, tổ chức này thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa – văn nghệ từ thiện tại TP. Hồ Chí Minh. Mới đây nhất là đêm nhạc giao lưu với ca sĩ người Pháp Christophe diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình vào ngày 23-11 và Ngày hội gia đình Khơ-me được tổ chức tại Thảo cầm viên thành phố vào ngày 8-12.
Các em lớp 1 rất mê đi biển
Tính từ năm 2007 đến nay, mỗi năm Trường học Phan Huy Ích nhận hơn 100 lượt học sinh. Thời gian đầu, nhân viên xã hội của trường thường đến liên hệ từng khu vực trên địa bàn thành phố để tìm những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ và thuyết phục cha mẹ, người thân cho đi học. Đến nay, thì phụ huynh và các em tự tìm đến là chủ yếu. Cô Bùi Thúy, một giáo viên thường xuyên của khối lớp 2, 3, 4, 5 chia sẻ: “Mấy năm trước, trường thường xuyên nhận được các nguồn tài trợ về gạo, mắm, muối để có thêm bữa ăn cho các em. Nhưng ba năm trở lại đây, có lẽ do khó khăn kinh tế chung nên không còn mạnh thường quân nào tìm đến trường nữa”. Giáo viên trong trường thường nói vui với nhau rằng cứ nhìn đầu ông Patrick bạc đi nhanh chóng mới biết làm từ thiện không dễ chút nào. Nhưng khi chia sẻ về công việc của mình, ông Patrick chỉ cười hiền: “Công việc này tuy có áp lực về tài chính nhưng lại giúp tôi giải tỏa stress trong cuộc sống, khi thấy tụi nhỏ cười đùa và tiến bộ trong học tập. Như thế đã đủ động lực cho tôi tiếp tục phát triển tổ chức của mình”. Quả thực, những đứa trẻ lang thang kiếm sống ở ngoài đường rất cần một ngôi nhà thứ hai như ngôi trường nhỏ này. Nếu có sự chung tay của cộng đồng, hẳn mái ấm tình thương Phan Huy Ích sẽ có thể mở rộng và làm tốt hơn định hướng của mình.
Xuân Lộc