Sau gần một thập niên đối mặt với hàng loạt vấn đề tồi tệ bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính cuối năm 2007, suy thoái kinh tế năm 2008 và khủng hoảng tín dụng năm 2009, sau cùng nền kinh tế khu vực eurozone đã tìm thấy ánh sáng ở phía cuối đường hầm.
Lần đầu tiên trong vòng gần 10 năm qua, 19 thành viên sử dụng chung đồng euro không chỉ tăng trưởng tốt hơn trước mà còn tăng nhanh hơn cả Mỹ, khi nền kinh tế số 1 thế giới bất ngờ trải qua hiện tượng tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ trong quý đầu năm nay. Theo kết quả khảo sát từ giới kinh tế gia do Reuters thực hiện mới đây, tăng trưởng khu vực eurozone dự báo đạt mức 0,5% trong năm 2015, cao hơn cả Anh, quốc gia có GDP cao hàng đầu châu Âu và số lượng việc làm mới cũng rất tích cực. Giữa bối cảnh Ngân hàng châu Âu (ECB) vừa tung ra chương trình thu mua công trái chính phủ trị giá 60 tỉ euro nhằm bơm thêm tiền vào nền kinh tế khu vực, đặc biệt tại các quốc gia đang có mức nợ công cao như Hy Lạp và Bồ Đào Nha, số liệu dự báo tăng trưởng mới cho thấy các chương trình kích cầu kinh tế ấy có thể không thật sự cần đến lúc này.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phản đối chương trình ECB thu mua công trái vừa qua, được dự báo sẽ tăng 0,5%. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai eurozone, kỳ vọng đạt mức tăng GDP 0,4% trong năm nay.Thậm chí Italia, vốn là “nạn nhân” của cuộc khủng hoảng nợ công, cũng kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 0,2%. Các nhà kinh tế đều cho rằng, ngoại trừ Hy Lạp vốn liên tục mắc vào các vấn đề tài chính, có rất nhiều yếu tố đang ủng hộ cho việc trở lại ngoạn mục của nền kinh tế eurozone trong thời gian tới. Chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cho biết bên cạnh chương trình bơm tiền của ECB, có năm yếu tố kích thích việc hồi phục kinh tế bao gồm: (1) Nhu cầu xuất khẩu từ bên ngoài khu vực đang gia tăng; (2) Điều kiện tài chính dễ dàng cho các nước trong khu vực cùng hợp tác và phát triển; (3) Chính phủ các nước quyết định kết thúc chương trình thắt lưng buộc bụng và nâng cao ngân sách chung; (4) Tỷ giá đồng euro thấp so với USD và các ngoại tệ mạnh khác; và (5) Giá xăng dầu thấp trên thế giới.
Bên cạnh báo cáo về kinh tế eurozone, giới kinh tế gia do Reuters tham khảo nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2015 sẽ không còn nắm vai trò chủ lực ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. Thậm chí, những nền kinh tế đang phát triển được kỳ vọng nhiều như Brazil và Nga, vốn đạt mức tăng GDP cao trong những năm qua, cũng sẽ hạ tốc trong thời gian tới. Mỹ kỳ vọng sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua. Kết quả chính sách sẽ được quyết định trong cuộc họp sắp tới vào tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhưng bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ không diễn ra trước tháng 9 năm nay.
Lâm Kiên theo Reuters (DNSGCT)