Những thủ thuật truyền thông “xanh” hay lời mời gọi ý thức xanh từ khách hàng sẽ không thuyết phục được những khách hàng có ý thức môi trường triệt để, nếu những quán cà phê không xây dựng tiêu chuẩn xanh từ trên thực tế dịch vụ.
1 Màn hình lớn treo trên bức tường trang trí đa sắc đang chiếu mẩu quảng cáo của nhãn cà phê H. Chủ đề của đoạn phim quảng cáo nhắm vào những thanh niên công sở, họ gặp nhau bên ly cà phê H. mỗi ngày. Đoạn phim toát lên nhịp điệu cuộc sống hiện đại của người trẻ đô thị. Trên tay mỗi người cầm một ly cà phê, thức uống ngon lành, hấp dẫn.Nhưng chỉ có một chi tiết khiến cho những ai quan tâm tới môi trường bị dị ứng. Những chiếc ly đựng thức uống trong đoạn phim trên là ly nhựa dùng một lần.
Một cô giáo đã bỏ dở cuộc hẹn khi nhân viên quán H. cho biết, họ đã hết ly sứ và thủy tinh cho phần cà phê của cô. Kiên quyết hủy hẹn ngay từ quầy gọi thức uống. Một cô nhà văn trẻ lên trang Facebook cá nhân, cho cộng đồng thấy mình vừa bấm bình chọn một sao (hạng bét) vào trang Fanpage của quán H. chỉ vì nhân viên giao cà phê đựng trong ly nhựa thay vì ly giấy như đã được yêu cầu từ trước.
Cách đây chưa lâu, hình ảnh những đống ly cà phê nhựa dùng một lần của H. đổ ra lề đường đã được tung lên mặt báo. Thương hiệu cà phê này thực ra đã có những chương trình cụ thể để nương theo truyền thông, như kêu gọi khách hàng mang theo ly, bình cà phê cá nhân thì sẽ được up size (tăng kích cỡ ly cà phê miễn phí) hay đưa ra thông điệp những cánh tay xanh. Nhưng có vẻ như họ không theo kịp xu hướng bắt nguồn từ nhận thức chính đáng của cộng đồng và sự “giám sát” quyết liệt của cộng đồng.
2 Đâu chỉ H., mà S., một hệ thống quán cà phê nhượng quyền thương hiệu lớn trên toàn cầu cũng vậy. Nếu bạn không lưu ý, thì sẽ phải nhận cà phê trong những chiếc ly nhựa xài một lần. Nếu bạn có ly, bình đựng cà phê mang đi, thì dễ thôi, sẽ được nhân viên đứng quần vui vẻ giảm giá hoặc tăng cỡ ly miễn phí.Ly nhựa, ống hút nhựa đã được các tiệm cà phê dùng một cách “phóng khoáng” đến lạ lùng trước đây, thời gian tới chắc sẽ ít thấy. Một lần kia, ở S., một kẻ uống cà phê lù khù đã ngồi nghe cuộc tranh cãi khá gay gắt giữa nhân viên phục vụ với một vị khách khó tính.
Chuyện cũng chỉ xoay quanh việc “anh có dặn rồi sao em cứ mang ly nhựa, em nhìn cái bản mặt của anh là loại kém văn minh như vậy hay sao”, “dạ dạ em thực lòng không nghe anh dặn lúc order, anh nói vậy là ảnh hưởng đến những khách hàng đang dùng ly nhựa”, “em còn dạy đời tôi hay sao, em gọi cửa hàng trưởng ra đây tôi nói chuyện”…
Lực lượng khách hàng cự nự về một ly cà phê giá cao sẽ ngày càng ít, nhưng sẵn sàng “cạch mặt” một quán cà phê chỉ vì dùng ly nhựa thì ngày càng hùng hậu.
Ly cà phê buổi sáng hôm đó đã không còn nhẹ nhõm như mọi buổi sáng, nhưng nó làm cho những đứa nghiện cà phê tới mức thiếu điều phải chích vào mới sống và làm việc theo những tấm gương vĩ đại cần nghĩ lại một điều: trong cái nước cộng hòa cà phê mà hắn dự phần, đã có những giới tuyến khá gay gắt rồi.
Những thủ thuật truyền thông “xanh” hay lời mời gọi ý thức xanh từ khách hàng sẽ không thuyết phục được những khách hàng có ý thức môi trường triệt để, nếu những quán cà phê không xây dựng tiêu chuẩn xanh từ trên thực tế dịch vụ.
3 Điều phi lý là, H. hay S. (và đa số quán cà phê khác theo dạng này) bây giờ đều có những quầy bán ly, bình đựng cà phê, khuyến khích khách hàng mua để làm theo thông điệp bảo vệ môi trường mà họ đưa ra, trong khi trên bàn cà phê, họ vẫn phục vụ ly nhựa.Cứ như thể tôi khuyến khích khách hàng cứ xanh theo đúng tâm tư nguyện vọng, còn tôi sẽ có chọn lựa khác (các vị còn khuya mới hiểu nổi bài toán kinh doanh và truyền thông của chúng tôi!).
Hẳn nhiên là đa số những khách hàng rất vô tư, không quan tâm cho lắm về việc cà phê được đựng trong ly nhựa hay ly sứ. Họ cứ uống cà phê và ngắm nghía cuộc sống trôi qua thôi.
Cũng có người sẽ biện hộ theo cách các bà nội trợ nghiện xài túi nylon: “Chuyện quả bom rác trên một ngọn đồi tại Cam Ly bục vỡ vùi lấp mấy nương cải; chuyện mùi hôi bãi rác Đa Phước dâng lên tận Phú Mỹ Hưng hay con cá voi chết vì nuốt phải 40kg nhựa bên biển nước Thái thì có gì liên quan gì tới ly cà phê của tôi chứ?!”. Và phũ phàng hơn: “Tưởng gì, các kiểu “trend xanh” chỉ là trò vẽ vời của những đứa no cơm ấm cật rậm rật mọi bề!”.
Đến đây thì xanh hay không xanh, từ trong ý nghĩ từng cá nhân để chọn lựa hành vi tiêu dùng. Nhưng đó lại không hẳn là chuyện của mỗi người đâu.
Duy có điều cần báo trước, đó là lực lượng khách hàng cự nự về một ly cà phê giá cao sẽ ngày càng ít, nhưng sẵn sàng “cạch mặt” một quán cà phê chỉ vì dùng ly nhựa thì ngày càng hùng hậu.
Ngày nay, đã có những cuộc hẹn mà người được mời lại đưa ra một thứ điều kiện “đắt đỏ” như vầy: “Ở quán đó có dùng ly nhựa không?”.