Mới đây, sau gần 40 năm theo nghề, ông đã cho ra mắt cuốn sách Chuyện nghề của Thủy. Đồng tác giả của tác phẩm này là Lê Thanh Dũng, một nhà khoa học cũng là bạn thân của đạo diễn.
Chuyện nghề của Thủy là chuỗi câu chuyện về nghề nghiệp của một đạo diễn nhiều tâm huyết và qua đó, những câu chuyện thế sự hiện lên qua từng ngóc ngách trong cuộc đời con người đặc biệt này. Cuốn sách tái hiện chặng đường theo đuổi những khuôn hình chân thật của Trần Văn Thủy. Những ngày mới bước chân vào nghề, ông luôn là một đạo diễn lận đận. Dù gặp không ít rủi ro, tai nạn đe dọa tính mạng nhưng Trần Văn Thủy lại có duyên nợ với các giải thưởng quốc tế. Ông làm phim cẩn thận, cầu toàn, theo đuổi vấn đề thời sự, nói những điều chưa ai nói. Có lẽ đó là lý do mà Phản bội – bộ phim tài liệu hiếm hoi về chiến tranh biên giới năm 1979 đã giành giải vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1980.
Trong sách, đạo diễn Trần Văn Thủy cũng đề cập tới những chuyện bên lề của hai bộ phim nổi tiếng trong sự nghiệp làm phim tài liệu của ông là Hà Nội trong mắt ai (1982) và Chuyện người tử tế (1985). Hai bộ phim này đã làm tác giả phải lao đao, điêu đứng suốt một thời gian. Vậy nên ở tuổi 70, khúc cuối của con đường làm nghề, Trần Văn Thủy đã nghiệm ra rằng: “Sức lực để che chắn, để đứa con tinh thần của mình được đến bờ đến bến còn mệt mỏi hơn nhiều sức lực để làm ra một bộ phim”.
Đạo diễn chia sẻ thêm: “Khi làm phim, tôi chỉ muốn biết một điều duy nhất: Người đời xem có thấy sướng không? Chưa bao giờ tôi làm phim xong để cấp trên bằng lòng, để được thưởng hay tặng danh hiệu gì đó. Tuyệt đối tôi không nghĩ đến điều đó – tôi nói điều này trước bàn thờ gia tiên. Tôi ăn ở thế nào thì trời lại cho tôi thế đó”. Chính nhờ suy nghĩ này mà sức nặng ở các bộ phim tài liệu của Trần Văn Thủy luôn nằm ở chỗ phản ánh được sự thật đời sống. Cuối cùng, ông đã được đền đáp xứng đáng. Hai bộ phim nói trên sau một thời gian lận đận đã được chiếu rộng rãi trong nước. Hơn thế nữa Hà Nội trong mắt ai và Chuyện người tử tế đã làm nên một “kỳ tích” trong lịch sử điện ảnh Việt Nam: Đó là khán giả sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua vé xem phim tài liệu.
Bên cạnh đó, Chuyện nghề của Thủy hấp dẫn bạn đọc cũng bởi những dòng chia sẻ chân tình của một con người đã bảy mươi năm yêu tha thiết và luôn quan sát cuộc đời từ nhiều khía cạnh. “Đành rằng đời là cõi tạm nhưng đang sống với đời làm sao vô tâm với đời được. Và cuộc đời vẫn như một dòng sông lạnh lùng, mải miết trôi. Ngọt bùi, cay đắng… tất cả rồi cũng sẽ qua” . Điều quan trọng nhất là câu hỏi thuở bé: “Nếu đi hết biển rồi sẽ tới đâu?”, sau gần cả đời người cuối cùng ông cũng trả lời được: “Đi hết biển sẽ trở về quê hương mình, về làng mình”.
Sách do NXB Hội Nhà văn phát hành, dày 480 trang, giá 120 ngàn đồng.
P.V