Có một cổ vật Chăm độc đáo mà câu chuyện về nó đã được Việt hóa thành một truyền thuyết về một địa danh ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam…
Từ phiến đá lạ
Trong chuyến điền dã về Gò Đùi, chúng tôi được ông Dương Tiến Thành, nguyên là công nhân Trạm máy kéo huyện Đại Lộc cho hay: Tháng 3.1985, khi cày ủi Gò Đùi (thuộc thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ở độ sâu 1,8m, đơn vị ông không chỉ tìm thấy một số hũ nhỏ đựng tro cốt, nhiều hạt mã não (dùng làm đồ trang sức) và vô số gạch Chăm (kích thước khoảng 30 x 20 x 10cm) mà còn phát lộ một phiến đá sa thạch lạ, góc trên bên phải bị máy ủi làm sứt mẻ.
Lúc đầu, anh em công nhân dùng phiến đá này làm vật dụng sinh hoạt, năm 1987 nghe dân địa phương nói đấy là vật linh thiêng nên đã di chuyển đến khu vực Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Quang bên cạnh. Phiến đá sa thạch lạ ngay sau đó được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Lộc trước đây đưa về lưu giữ. Phiến đá có kích thước rộng 71cm, cao 71cm, dày 15cm, nặng trên 2 tạ, trên đó có các hình tượng được cơ quan chuyên môn xác định là đoạn chân trái của thần Shiva đặt trên lưng bò thần Nandi nằm.
Theo truyền thuyết, Shiva là vị thần Bà La Môn giáo (Brahmanism) được người Chăm thờ cúng và tôn vinh là vị thần tối cao. Khoảng thế kỷ IV, sự tôn thờ Shiva một cách tuyệt đối của các vua Champa, khởi đầu bởi vua Bhabravarman, đã hình thành một tôn giáo chuyên thờ thần Shiva gọi là Shiva giáo. Shiva vừa mang tính hủy diệt, vừa mang tính sáng tạo, vừa được coi là hung thần phá hoại, hủy diệt muôn loài, vừa là phúc thần bảo vệ đời sống của cư dân Champa.
Shiva thường thể hiện dưới dạng một nam nhân với bốn cánh tay và ba con mắt với mắt thứ ba ở giữa trán. Ba mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, ngọn lửa thế gian, và có thể nhìn thấy hết quá khứ, hiện tại, tương lai. Tay thần Shiva có khi cầm đinh ba biểu tượng cho sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt, có khi cầm rìu biểu hiện cho sự tuyệt đối hoặc cầm cây kiếm xua đuổi những sợ hãi và một tay ban phúc lành. Ngài thường đeo một con rắn trên cổ làm chiếc vòng, một con nữa ở ngang hông và nhiều con quấn quanh cánh tay.
Còn bò thần Nandi là bò mộng giống đực, có màu lông trắng như tuyết. Nó được cho rằng có khả năng truyền ý nghĩ cho thần Shiva. Nandi có 3 con mắt, con mắt thứ 3 gọi là thiên nhãn, phát ra những phép thuật nhiệm mầu và là mối liên kết giữa con người và thần linh. Theo thần thoại Ấn Độ, kiếp trước của thần Shiva là con bò. Sau khi Shiva hóa thân thành người thì con bò là vật cưỡi của thần Siva.
Người Chăm quan niệm bò Nandin có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết qua con sông và nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn và dẫn đường cho linh hồn người quá cố lên thiên đường hòa nhập với đại linh hồn vĩ đại của thế giới cực lạc. Bò Nandi được người Chăm điêu khắc thành hai dạng chính là tượng đá và phù điêu. Phù điêu chủ yếu được gắn trên tầng mái Kalan (tháp thờ) còn tượng đá được đặt trong Mandapa (chính điện).
Thần Shiva và bò thần Nandi là những biểu tượng thân thiết của người Chăm. Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, bò thần Nandi hiện diện phổ biến với tư cách độc lập hoặc xuất hiện cùng thần Shiva trên các bức phù điêu, mà đằng sau nó là cả một không gian huyền thoại, phản ánh những tư duy trừu tượng, lãng mạn của người Chăm khi lý giải về những điều kỳ diệu của vũ trụ.
Trở lại với bức phù điêu bằng đá sa thạch được phát lộ ở Gò Đùi. Đây là một tác phẩm điêu khắc độc đáo vì hình tượng bò thần Nandi được đặc tả khá rõ nét, vừa thực, vừa tự nhiên và sống động với tư thế bò nằm, hai chân trước gấp về phía sau, hai chân sau co về phía trước. Đây là tư thế phổ biến ở điêu khắc bò thần Champa. Nó khác hẳn với tư thế bò đứng trên phù điêu Shiva – Nandi phát hiện ở Khương Mỹ (huyện Núi Thành, Quảng Nam).
Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu cho rằng, tại khu vực Gò Đùi trước kia có thể còn các phù điêu khác có mối quan hệ với bức phù điêu này. Bởi phía trên bên phải (phần phù điêu bị sứt mẻ) có đoạn cong hình chữ U gờ nổi đứt khúc, nghi là một phần của con rắn mà thần Shiva thường đeo ở ngang hông hoặc quấn quanh cánh tay. Tác phẩm điêu khắc Shiva – Nandi ở Gò Đùi đã cung cấp thêm một tư liệu quý, làm phong phú bộ sưu tập hình tượng kết hợp Shiva – Nandi trong đời sống tôn giáo của vương quốc Champa xưa.
Bi thương sự tích Gò Đùi
Về Hòa Thạch, chúng tôi được nghe các bô lão địa phương kể về sự tích Gò Đùi. Chuyện rằng, ngày xưa có một nhà vua ham săn bắn. Lần nọ, ông mở một cuộc săn dài ngày ở núi Sơn Gà và không quên mang theo nàng công chúa út mà ông hết lòng yêu mến. Trước khi cùng đoàn đi săn vào rừng sâu săn lùng thú hiếm, vua cha giao công chúa cho bảo mẫu trông nom trong căn lều bìa rừng, cạnh bờ suối nhỏ. Vốn ưa thích thiên nhiên, nàng công chúa men theo bờ suối lén bảo mẫu vào rừng.
Một đàn bướm trắng xinh xinh dẫn đường cho nàng khám phá nhiều bí ẩn của núi rừng mà trong chốn cung cấm chẳng thể nào biết được. Trời sẩm tối, công chúa đã đi vào rừng sâu, nàng rất đỗi lo sợ trước khung cảnh u u minh minh đầy tiếng chim muông. Chợt một con hổ dữ xuất hiện, gầm thét và lao nhanh vào nàng công chúa bé bỏng. Chưa kịp thét thành tiếng thì nửa thân nàng đã nằm gọn trong miệng chúa sơn lâm. Vừa lúc ấy, một con bò mộng có màu lông trắng như tuyết đi qua, thấy vậy liền lao đến tấn công con hổ. Cuộc chiến đấu giữa hai kỳ phùng đich thủ diễn ra ác liệt.
Cuối cùng, bò mộng dù rất cố gắng nhưng chỉ giữ lại được một khúc đùi của nàng công chúa. Lại nói về nhà vua, khi đi săn trở về căn lều thì chẳng thấy người con gái yêu đâu cả. Quá hoảng hốt, vua cùng đoàn đi săn tức tốc vào lại rừng. Men theo vết máu còn vương vãi trên đường, vua đau đớn khi nhìn thấy khúc đùi của nàng công chúa đang được bò mộng nằm canh giữ. Vô cùng thương tiếc con, ông cho tạc hình khúc đùi người – di thể của công chúa và con bò rừng kia trên phiến đá để thờ cúng tại một gò đất cao. Từ đó gò này có tên gọi là Gò Đùi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Phụng, 66 tuổi, người thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang cung cấp thêm thông tin: Ban đầu Gò Đùi có tên gọi là Gò Cấm, toàn cây cổ thụ um tùm, không ai được đến đây khai thác cây cối cả. Đến năm Bảo Đại thứ 18 (1943), dân làng góp tiền xây dựng Dinh Bà mái ngói âm dương, tường bằng đá, vôi, từ đó Gò Cấm có danh xưng mới: Gò Dinh. Tương truyền, Dinh Bà rất linh thiêng đến nỗi các quan lớn mỗi khi đi qua đoạn đường trước Dinh đều phải kính cẩn xuống ngựa.
Ông Trương Phụng nhớ lại: Những năm 1963-1964 khi còn nhỏ tuổi, đi chăn bò ở khu vực Dinh Bà, ông đã thấy trước Dinh có một phiến đá sa thạch có hình một cái đùi và một con bò nằm, được trang trọng đặt trên cái bục đá. Bên phải phiến đá có một cái miếu nhỏ, người ta gọi là miếu Một Đùi. Cũng liên quan đến hình cái đùi trên phiến đá mà nhiều người dân địa phương còn gọi Gò Dinh là Gò Đùi. Đầu năm 1973, khi chiến tranh ác liệt, Dinh Bà và miếu bị pháo bắn nát, chỉ trơ lại nền. Phiến đá cũng không còn dấu vết.
Theo các nhà nghiên cứu, sự tích Gò Đùi là một “sáng tác” dân gian nằm trong xu hướng Việt hóa thần tích Champa một cách có ý thức theo một nhãn quan riêng và được lớp người sau chấp nhận như một truyền thuyết. Sự tích ấy còn minh chứng một điều: Sinh sống trên vùng đất mới, lưu dân Việt vẫn rất tôn trọng những vị thần bổn xứ, vẫn gìn giữ và thờ phụng những di vật của chủ nhân trước đó, bằng chứng sống động là bức phù điêu Chăm được đề cập trong bài viết này!