Từ thuở ấu thơ, anh chị em trong gia đình dường như luôn có thể đối nghịch hay ganh đua nhau vì chuyện nào đó. Mới vừa chơi đùa cùng nhau phút trước thì phút sau đã khóc, hay thậm chí choảng nhau. Nào là chuyện lấy đồ chơi của nhau, phá bĩnh nhau và còn nhiều chuyện đụng chạm khác. Chuyện này luôn có thể xảy ra trong những gia đình có nhiều hơn một con. Còn với cha mẹ, ai sẽ là “đứa con trai cưng”, ai là “cô con gái nhỏ thích nổi loạn” và ai sẽ là “vật tế thần” hay là “kẻ luôn phàn nàn về mọi thứ”…?
Khi có sự đối nghịch xảy ra, đó là dấu hiệu cho thấy có những vấn đề nào đó đang tồn tại. Vậy đâu là nguyên cớ dẫn đến sự đối nghịch, căng thẳng trong quan hệ anh chị em của một gia đình và cha mẹ nên giải quyết thế nào?
Trong một gia đình thiếu tổ chức, con trẻ sẽ không cảm thấy an toàn mà thường thấy lo lắng. “Tổ chức” có nghĩa là các nguyên tắc, thói quen hay nền nếp, những mong đợi hoặc những gì được cho là quan trọng. Nếu trẻ không biết phải trông chờ vào điều gì và không có một nền nếp ổn định để dựa vào thì sự lo lắng, bất an sẽ tạo điều kiện dẫn đến sự bực dọc và đối nghịch giữa anh chị em. Trẻ có thể liên tục thử nghiệm để tìm ra những giới hạn.
- Xem thêm: Nhà ai nấy giỗ
Vấn đề có thể bắt nguồn từ tầng cao nhất của một gia đình – chính cha mẹ là người tạo nên căng thẳng và lo âu. Sự đối nghịch giữa anh chị em trong gia đình cũng nói lên các vấn đề căng thẳng trong một cuộc hôn nhân. Những gì xảy ra là do con trẻ phỏng lại điều cha mẹ đã làm, chẳng hạn cãi vã nhau hoặc là trẻ đang “hấp thu” sự căng thẳng và thể hiện qua hành vi cho dù mâu thuẫn của cha mẹ chỉ tồn tại ở dạng cảm xúc.
Hơn nữa, mỗi đứa trẻ cần có vị trí riêng của mình trong cấu trúc gia đình. Trong quá trình trưởng thành, trẻ cần nhận biết vị trí của mình và trách nhiệm nhiều hơn cũng đi cùng với những thay đổi và lợi ích. Không xác lập được trách nhiệm và vị trí thì trẻ không có gì để ước ao, không có con đường nào để tận dụng những kỹ năng và sự chín chắn mà chúng đạt được. Khi đó, những đứa trẻ sẽ đua tranh để giành lấy sự chú ý từ phía cha mẹ. Và khi mà trật tự yếu ớt kia dường như gắn với sự thiên vị của cha mẹ thì tình hình càng tệ hơn.
Ai cũng cần được chú ý theo nghĩa tích cực. Khi thiếu sự chú ý, trẻ con và cả người lớn sẽ tìm kiếm sự chú ý tiêu cực. Thường thì một hoặc hai đứa trẻ có thể bắt đầu hành động để thu hút sự chú ý và trở thành “đứa trẻ hư”, một đứa con luôn gây chuyện rắc rối. Một cách để trẻ tìm kiếm sự chú ý là gây hấn, đối nghịch với anh chị em.
Nếu như một đứa trẻ liên tục cảm thấy cha mẹ phớt lờ những phàn nàn về việc anh chị em hay quấy phá đồ đạc của mình, trẻ sẽ có khuynh hướng bỏ cuộc hoặc chán nản, hoặc sẽ tự mình giải quyết và làm gia tăng sự căng thẳng. Các rắc rối cần được giải quyết để chúng không liên tục trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn. Nhưng mối bận tâm lớn hơn là khi vấn đề không được nhận diện, trẻ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, rằng mình không quan trọng, không có tiếng nói.
Để giải quyết tình trạng đối nghịch này, các bậc cha mẹ phải biết cách lắng nghe con trẻ, không nên lờ đi thực trạng mà cần có hành động quyết đoán. Dù không thể chấm dứt hoàn toàn chuyện này, bạn vẫn có thể giảm thiểu mức độ của nó với những bước thực hành dưới đây:
Hãy tháo bỏ “những tấm nhãn”
Nếu bạn không ngừng nói về cậu cả “thông minh”, cô “công chúa duyên dáng” hay thậm chí là “đứa con lì lợm” thì cũng có nghĩa là bạn đang tạo ra sự cạnh tranh giữa những đứa trẻ. Hơn nữa, bạn đang áp đặt các con vào vai trò này hay vai trò khác mặc cho chúng có thích hay không.
Một khi tháo bỏ những tấm nhãn này, bạn đang tạo cho đứa con “không được thông minh” cơ hội để tỏa sáng dù cho trẻ không phải là một ngôi sao. Anh chàng “không phải là học sinh giỏi” vẫn có thể tự hào về sự chăm chỉ của mình và “con bé lì lợm” vẫn có cơ hội làm điều đúng đắn.
Điều quan trọng là cha mẹ cần hoan nghênh những phẩm chất tích cực như tinh thần đồng đội, sự kiên trì và lòng tử tế. Như thế, anh chị em có thể cổ vũ cho nhau thay vì cạnh tranh nhau để giành lấy sự chấp nhận của cha mẹ.
Chú ý đến trẻ một cách đồng đều
Một trong những lý do hàng đầu khiến trẻ đối nghịch nhau là để tranh giành sự chú ý của cha mẹ, dù cho đó là sự chú ý tiêu cực. Cha mẹ nên sắp xếp và dành cho mỗi đứa trẻ sự quan tâm riêng trong thời gian ít nhất 10-20 phút mỗi ngày. Trẻ sẽ hiểu rằng chúng không cần phải đấu nhau thì mới được cha mẹ để mắt tới.
- Xem thêm: Công bằng với con cái
Dạy cho trẻ cách giữ bình tĩnh
Và dĩ nhiên, kèm theo đó là cách giải quyết mâu thuẫn một cách hòa thuận. Hãy chỉ cho con trẻ biết cách chờ đến lượt của mình, cách bày tỏ cảm xúc và kiểm soát cơn nóng giận (chẳng hạn, đếm từ một đến mười và hít thở sâu, v.v…).
Tạm đứng ngoài những cuộc cãi vã
Nếu bạn nghe thấy con trẻ đang bất đồng và cãi nhau, hãy phớt lờ và tiếp tục công việc của mình. Bạn cần tạo cho trẻ cơ hội để tự giải quyết mâu thuẫn.
Can thiệp đúng lúc
Nếu trẻ không thể tự dàn xếp hoặc nếu “cuộc chiến tiếp tục leo thang”, đó là lúc bạn có thể bước vào. Lắng nghe tất cả và khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc bằng cách nói “Con cảm thấy…”. Sau đó, đừng vội buộc tội hoặc “chia phe” mà hãy yêu cầu trẻ đề ra giải pháp. Nếu các con không thể đưa ra cách giải quyết khả thi, cha mẹ có thể đề nghị và giúp trẻ đi đến một thỏa thuận.
Đưa tất cả “lên cùng một con thuyền”
Hãy thực hiện điều này nếu trẻ vẫn không chịu đồng ý với giải pháp của ba mẹ. “Hoặc là các con thay phiên nhau sử dụng đồ chơi, hoặc là mẹ sẽ cất đi và cả ngày các con không được chơi nữa”.
- tổng hợp