Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận cao và sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và đưa ra thảo luận, xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội.
Chiều 22-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo thông tin về thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Ông Đoàn Văn Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học, trưởng ban thường trực Đề án đổi mới Chương trình Sách giáo khoa cho hay, ngày 27-3 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 404 phê duyệt đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa, tuy nhiên trên thực tế, Bộ đã chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện đổi mới này từ lâu.
Theo quyết định của thủ tướng, chương trình mới, sách giáo khoa mới sẽ được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu… cho mỗi học sinh.
Chương trình này sẽ lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo.
Chương trình cũng tiếp nối, liên thông giữa các cấp học, môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo; đồng thời đảm bảo giảm tải, thiết thực, kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các nước giáo dục phát triển, đảm bảo hội nhập quốc tế.
Thủ tướng cũng đồng ý sẽ có một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, sau đó nhà trường, giáo viên sẽ lựa chọn những bộ sách phù hợp.
Trên cơ sở phân tích, tổng kết, đánh giá chương trình và bộ sách giáo khoa hiện hành, Bộ Giáo dục xác định được thực trạng, thành tựu và hạn chế của công tác biên soạn, từ đó rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp khoa học có tính khả thi cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo.
Bộ Giáo dục cũng nghiên cứu, tham khảo tài liệu về phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa của các nước phát triển, đồng thời mời các chuyên gia quốc tế tham gia báo cáo, trình bày tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn để xác định những nguyên tắc và nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, bảy trường đại học sư phạm trọng điểm đã được chỉ đạo tham gia đóng góp xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, chủ động tham gia nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa mới.
Theo quyết định phê duyệt, đề án trên được thực hiện trong ba giai đoạn từ năm 2015 đến 2023. Cụ thể, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ bổ sung lực lượng tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, đồng thời xây dựng, hoàn thiện và công bố minh bạch tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn người tham gia Ban biên soạn chương trình, sách giáo khoa, cũng như hội đồng thẩm định chương trình, sách giáo khoa.
Gia Minh (DNSGCT)