Sau cơn sốt của các chương trình truyền hình thực tế có định dạng nước ngoài lên sóng, đây là thời điểm “thay da đổi thịt” của không ít sự lựa chọn từ phía khán giả cho các định dạng được sản xuất chính tại Việt Nam. Sức hút của những cái tên lớn quốc tế như American Idol, The Voice, Next Top Model… đang thu hẹp dần bởi nhiều lý do của nó, đặc biệt trong chính quá trình nội địa hóa đã khiến cho các chương trình như thế này sớm thoái trào?
Sức hấp dẫn giảm theo “mùa”
Có thể nói, khán giả Việt Nam có sự biến động rất lớn về nhu cầu cũng như thay đổi xu hướng giải trí nhanh một cách chóng mặt. Ồ ạt lên sóng, cho đến thời điểm này, các chương trình định dạng quốc tế thấp thỏm trải qua từng mùa. Bất kỳ chương trình nào khi vừa được “nội địa hóa” đều tạo được dư chấn rất lớn trong công chúng. Trước tiên, đó chính là sự tiếp xúc mới mẻ về một cách làm chương trình truyền hình, khán giả thấy được phần “thực tế” được đưa lên sóng. Từ Việt Nam Idol (phiên bản gốc American Idol), đến Vietnam’s Next Top Model (phiên bản gốc American’s Next Top Model)… đều đáp ứng được “cái thiếu” của chương trình truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, sau chừng ba mùa giải, sự “nội địa hóa” đã trở thành một trong những yếu tố giảm đi sức hút và sự mới mẻ.
Hầu hết các chương trình truyền hình thực tế có mặt trên sóng hiện nay đều ở dạng thi thố, có chấm điểm và loại. Vì vậy, chính ở chất lượng thí sinh cũng khiến cho sức hấp dẫn của nhiều chương trình giảm đi theo từng năm. Vietnam Idol – Thần tượng âm nhạc gần như không giữ được “phong độ” của mình khi điểm lại chất lượng các quán quân qua mỗi năm. Từ Phương Vy, đến Quốc Thiên, Uyên Linh và gần đây là Ya Suy, Trọng Hiếu và Đức Phúc. Rõ ràng, những quán quân này đã có sự chọn lựa dựa trên sự quan tâm nhiều của công chúng ở đâu chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của giọng hát ấy. Ví như Ya Suy trở thành quán quân vì đây là một thí sinh vượt khó, hay Trọng Hiếu là mô-típ “hot boy” đoạt giải trở thành thần tượng, và Đức Phúc cùng với giám khảo Mỹ Tâm tạo nên bộ đôi “hot” của làng nhạc.
Rõ ràng, khó lòng để các chương trình truyền hình quốc tế được “nội địa hóa” thành công. Sự chi phối của khán giả lớn tới mức nhiều nhà sản xuất không đủ sức tạo ra lối đi riêng, không trùng lặp. Phụ thuộc vào dòng chảy chung của các xu hướng trên cộng đồng mạng là có thực, vì vậy khiến cho đa số các chương trình hiện nay “cả thèm chóng chán”. Như The Voice – Giọng hát Việt cũng là chương trình rất thành công trên thế giới, khi vào Việt Nam, The Voice được chờ đợi rất nhiều bởi các yếu tố khác lạ của nó. Không phủ nhận sự thành công ở mùa giải đầu tiên, nhưng đến năm thứ hai và thứ ba, tìm cho The Voice một phương thức “nội địa hóa” thành công là sự thách thức lớn. So với hai mùa giải đầu tiên thì năm nay, Giọng hát Việt chọn cách thay đổi trong tư duy âm nhạc của chính các huấn luyện viên. Cuộc chơi đã khó khăn hơn, khi quyết định con đường này, tuy nhiên, The Voice đã cho thấy hướng đi không phụ thuộc vào công chúng là giải pháp mới hiện tại.
Bên cạnh đó, một định dạng lấy người nổi tiếng tạo sức hút đang dần chìm vào quên lãng chính là Gương mặt thân quen. Áp lực đi mời người nổi tiếng tham gia đã khiến cho Gương mặt thân quen không còn có được sự sôi nổi như ban đầu, hơn nữa, khi vận dụng các loại hình nghệ thuật khác kết hợp không chỉ là âm nhạc đã biến Gương mặt thân quen mất đi những đặc trưng ban đầu. Gương mặt thân quen, giờ đây không chỉ có âm nhạc mà còn có kịch, hài, cải lương… Hình thức này phải chịu sự cạnh tranh rất lớn của không ít những chương trình “made in Việt Nam”. Tuy nhiên, cùng với sự thoái trào của không ít những chương trình quốc tế cũ, chính là hàng loạt cái tên mới chuẩn bị lên sóng.
Số lượng vẫn tăng liên tục
Trong khi các định dạng Âu Mỹ đi vào lối mòn, khán giả chóng chán một cách chóng mặt, thì nhà sản xuất đi tìm nguồn định dạng mới. Đã có những định dạng tạm gọi là “lai” giữa Việt Nam và quốc tế ra đời. Hàng loạt các chương trình “nội địa” được ra mắt và ít nhiều đáp ứng nhanh gọn thị hiếu của khán giả hiện tại. Kết hợp cả sức hấp dẫn từ thí sinh không chuyên và người nổi tiếng đã được vận dụng, có thể kể vài cái tên như Cười xuyên Việt, Ngôi sao Phương Nam, Thần tượng Bolero… Hay khai thác nội dung gắn liền với đặc trưng khán giả vùng miền, thì có Solo cùng Bolero, Hội quán tiếu lâm… độc chiếm trên sóng THVL.
Đặc biệt là sự trỗi dậy của lĩnh vực hài cho thấy nhà sản xuất đang khai thác một cách triệt để nhất “mảnh đất” màu mỡ này. Chưa bao giờ, số lượng chương trình truyền hình thực tế có cả mua định dạng, có cả tự viết lại ra mắt nhiều trong thời gian ngắn đến vậy. Có thể điểm đến những cái tên vẫn đang ở thời kỳ hoàng kim như: Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Làng hài mở hội… Tuy nhiên, cái khó của những chương trình này chính là không tìm được nguồn giám khảo dồi dào hơn, quanh đi quẩn lại vẫn là các gương mặt quen thuộc như Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương… Cũng như lạm dụng các thí sinh “bán chuyên nghiệp” cũng tạo ra sự nhàm chán không ít, từ Làng hài mở hội đến Cùng nhau tỏa sáng, khán giả không khó khi tìm một cái tên nào đó trùng lặp.
Dù vậy, trong năm nay, vẫn có nhiều cái tên mới tiếp tục được lên sóng. Ví như đi tìm một lĩnh vực chưa khai thác có Tài năng DJ, đi tìm những tài năng DJ mới, hay yếu tố “hát nhép” và “bắt chước” sẽ thu hút người xem trong giai đoạn này, có Biến hóa hoàn hảo, sắp tới đây có Tuyệt chiêu siêu nhép. Và cả các lĩnh vực mới, có Căn hộ trong mơ dành cho kiến trúc, thiết kế và Ngôi sao hành động – một phân khúc mới nữa trong khán giả hiện nay vẫn chưa được khai thác. Song hành của những chương trình giải trí liên quan đến âm nhạc và hài, có lĩnh vực thời trang tiếp tục chào đón gương mặt mới là The Face hứa hẹn sẽ tạo nên cơn sốt trên sóng truyền hình.
- Phạm Lê