Ngày nay, nhiều loại chất thải như chai nhựa, túi nhựa, kể cả những hạt nhựa nhỏ sử dụng trong mỹ phẩm đang tích tụ rất nhiều trên đại dương. Trong sinh hoạt hằng ngày, con người thải ra hàng tỉ tấn nhựa và chỉ riêng đại dương đã phải nhận 8 triệu tấn mỗi năm, tạo ra nguy cơ lớn cho tôm cá, chim và những sinh vật tưởng nhầm đó là thức ăn được.
Sự nhiễm độc khi ăn phải những chất thải không tiêu ảnh hưởng đến sức khỏe các loài hải sản và hậu quả là ảnh hưởng lên sức khỏe những người tiêu dùng chúng. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, nếu cứ đà này thì đến năm 2050, khối lượng chất thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn cá, với 5 ngàn tỉ túi nhựa, cân nặng hơn 260 ngàn tấn. Trong khi đó, các khoản trợ cấp cho đánh bắt tôm cá góp phần vào sự lạm thác sẽ lên đến 35 tỉ USD. Cũng theo Liên Hiệp Quốc, từ thập niên 1940 đến nay, đã có 30% rừng đước, gần 25% đầm nước mặn và trên 30% bãi cỏ biển đã biến mất khỏi môi trường biển.
Trong điều kiện hiện nay, những nước đông dân ở Đông Á và Đông Nam Á thải ra biển nhiều chất thải nhất. Ba mươi nước hội viên Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) từ Kenya đến Indonesia, từ Canada đến Brazil, đang tham gia tích cực vào kế hoạch ngăn chặn chất thải nhựa bằng cách soạn thảo luật quy định việc bảo tồn đời sống biển, thiết lập các khu bảo tồn biển, cấm đoán việc sử dụng túi nhựa và thu dọn những chất thải nhựa đang lan tràn các bãi biển cùng các rạn san hô.
Indonesia là một trong những nước đi đầu trong chiến dịch này bằng cách cam kết giảm thiểu 70% số chất thải nhựa vào năm 2030, trong lúc Philippines dự trù ban hành những luật lệ liên quan đến các loại túi nhựa chỉ sử dụng một lần. Các nước Kenya, Pháp, Jordan, Madagascar và Maldives cũng hứa sẽ cấm sử dụng túi nhựa hoặc buộc người tiêu thụ phải sử dụng lại những túi nhựa đã dùng.
Cả hai nước Bỉ và Brazil cùng tham gia vào các kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm biển, trong khi Costa Rica xây dựng một kế hoạch năm năm nhằm cải tiến việc quản lý chất thải, hạn chế việc sử dụng túi nhựa, trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển bền vững từ nay đến năm 2030.
Đại dương có những đóng góp quan trọng vào môi trường sống của con người trên cạn, có thể kể: Hấp thu khí carbon do con người thải ra (cây đước, san hô, đầm nước mặn, cỏ biển, chỉ chiếm 1% lòng biển, nhưng chứa từ 50% đến 70% lượng carbon tích tụ trong biển); Cỏ biển cũng giống như cỏ trên cạn, giúp giữ các chất trầm tích ở vị trí của chúng, hạn chế sự xói mòn của các vùng đất ven biển; Các rạn san hô chỉ chiếm không đến 0,1% bề mặt đại dương, nhưng cung cấp chỗ trú cho ít nhất 25% sinh vật biển; Những rừng đước, các lùm bụi ven biển, các loại cây thích hợp với nước mặn tạo thành một tấm lá chắn giúp ngăn chặn các đợt sóng biển có tính hủy hoại, giúp các trầm tích duy trì được hệ thống gốc rễ của chúng dưới đáy biển; Các đầm nước mặn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng ven biển chống lại sự xói mòn…