Nhiều năm qua, Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội đã tiến hành nghiên cứu vấn đề hợp pháp hóa nghề mại dâm và lấy ý kiến dư luận. Tuy nhiên, sau khi xem xét khía cạnh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, truyền thống đạo đức thì vẫn chưa thể thực hiện, bởi vấn đề không đơn giản chỉ là tập hợp gái bán dâm vào khu đèn đỏ rồi thu thuế, mà việc quản lý xã hội, ma túy, bóc lột, những khó khăn về luật pháp và thực thi luật pháp khiến chúng ta chưa thể để mại dâm thành một nghề.
Chiều 2-11, Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi. Phó cục trưởng Lê Đức Hiền cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội, từ 2-7-2012 cả nước đã dừng làm hồ sơ đưa người vào Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội và thả dần những người đang ở các trung tâm này.
Hiện cả nước có ba trung tâm chuyên biệt chữa trị bệnh cho gái mại dâm, những trung tâm còn lại có cả cai nghiện ma túy. Sau khi thả gái mại dâm, các trung tâm xem xét chuyển đổi mục đích thành những trung tâm hỗ trợ chị em tự nguyện vào chữa trị, hoặc nương náu khi khó khăn, tư vấn bệnh tật, công ăn việc làm…
Theo báo cáo của Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, hiện 50 tỉnh, thành phố đang xây dựng thí điểm mô hình về phòng chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Cả nước đã kiểm tra hơn 26.300 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện gần 8.400 cơ sở vi phạm và phạt tổng số tiền hơn 6,4 tỉ đồng.
Theo báo cáo của 60/63 tỉnh thành, công an đã triệt phá 528 vụ hoạt động mại dâm, bắt giữ gần 2.000 người (gần 900 người bán dâm, gần 500 người mua dâm, còn lại là chủ chứa, môi giới). Tại các tuyến biên giới, bờ biển, bộ đội biên phòng đã bắt giữ, tiếp nhận và xử lý 133 vụ hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, giải cứu 177 nạn nhân.
Gia Minh tổng hợp