Cuốn sách “Chữa lành sau sang chấn” sẽ giúp chúng ta nhận ra những trải nghiệm bất lợi và sang chấn trong thời thơ ấu đã sống với chúng ta cho đến khi trưởng thành như thế nào.
Sang chấn là một phần của cuộc sống và là điều bạn không thể tránh khỏi. Trải nghiệm đầu tiên của bạn trên trái đất này – được sinh ra đời – đã là một sang chấn, có thể cho cả bạn và mẹ bạn. Trong những chuỗi ngày của cuộc đời, sẽ có nhiều nguyên do dẫn chúng ta đến việc bị sang chấn. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải chịu sống một cuộc đời đau khổ và bệnh tật chỉ vì đã trải qua sang chấn.
Tiến sĩ Nicole LePera, tác giả cuốn sách, là một nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về phân tâm học. Bà đã tiên phong đề ra triết lý Tâm lý học Toàn diện (Holistic Psychology), một cách tiếp cận mang tính cách mạng tập trung vào ba trụ cột – trí óc, cơ thể và linh hồn – nhằm tái cân bằng cơ thể và hệ thần kinh, chữa lành những tổn thương cảm xúc chưa được giải quyết. Theo quan điểm của bà, sự mất kết nối giữa tâm trí, cơ thể và linh hồn có thể biểu hiện thành bệnh tật và rối loạn.
Nhiều người khi gặp vấn đề về tâm lý như trầm cảm hay sang chấn thường chỉ giải quyết phần bề nổi ở khía cạnh thân và tâm, mà bỏ quên mất phần bản thể linh hồn ở sâu bên trong mỗi người. Có thể nói “Chữa lành sau sang chấn” là cuốn sách dung hòa được cả hai phương diện tâm linh và tâm lý một cách khoa học bài bản.
Trong “Chữa lành sau sang chấn”, tác giả đưa ra một kiến giải khá mới mẻ về cách nhìn nhận sang chấn. Đa số chúng ta đều hình dung sang chấn tâm lý ở người trưởng thành là kết quả một sự kiện chấn động nào đó thời thơ ấu, nhưng không phải tuổi thơ của người nào cũng từng trải qua những sự kiện chấn động như vậy, vậy tại sao họ vẫn có sang chấn khi lớn lên? Theo tác giả, quá khứ của mỗi người có thể khác nhau, nhưng các khuôn mẫu hành vi lại có tính quy luật và đi theo các kịch bản giống nhau. Trong cuộc sống của một đứa trẻ, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Nếu cha mẹ là những người lớn có những sang chấn chưa được giải quyết hay không biết cách chữa lành cho bản thân, họ sẽ trút hết những sang chấn của mình lên con cái – một cách vô thức. Trong cuốn sách, tác giả đưa ra các khuôn mẫu hành vi như vậy để nhận diện kèm theo những câu chuyện rất đời, mà bất cứ người trưởng thành nào cũng sẽ nhìn thấy chính bản thân mình trong đó.
Cuốn sách này là một tấm bản đồ chỉ dẫn với những thông tin và gợi ý, giúp bạn tự thực hiện hành trình chữa lành cho chính mình. Một cuốn sách nói về tâm lý học, những sang chấn mà con người đã từng phải trai qua, nó giúp mình xoa dịu nỗi đau, chữa lành vết thương. Đây là cuốn sách tâm lý học mà mình cảm thấy tâm đắc và hay nhất trong những cuốn sách mình đã từng đọc. Hãy commet những đoạn trích mà các bạn thấy hay của cuốn sách này nhé!