Nguồn tín dụng của hệ thống ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế là tiền đề cho tăng trưởng. Vậy nên, tăng trưởng tín dụng được cải thiện dù gì cũng là tín hiệu tích cực. Dù mức tăng tín dụng như vậy vẫn còn thấp so với mục tiêu 12% của cả năm, nhưng quy luật cho thấy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm thường ở mức thấp. Một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ nên không có nhu cầu vay vốn trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt với tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế. Không những vậy, việc cho vay của các tổ chức tín dụng hiện còn bị nhiều nhân tố khác tác động, đó là hàng tồn kho của doanh nghiệp, khả năng tiêu thụ sản phẩm và xử lý các tài sản thế chấp.
Trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn thì nguồn vốn huy động từ khu vực dân cư vẫn tăng đều. Đến cuối tháng 4, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,34% so với cuối năm ngoái, trong đó tốc độ huy động tiền đồng cao hơn mức chung, còn huy động ngoại tệ lại giảm, điều này chứng tỏ người dân đang đặt niềm tin vào tiền đồng và vào hệ thống ngân hàng. Tốc độ huy động tiền đồng tăng cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ là phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Cũng nhờ nguồn vốn khả dụng bằng tiền đồng khá dồi dào, nên nhu cầu thanh toán và vay vốn của các ngân hàng thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở không lớn. Lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp và giảm nhẹ so với đầu năm. Đầu tuần này, đã có ngân hàng chủ động hạ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng xuống chỉ còn 6 – 7%/năm, một hình thức giảm nguồn vốn huy động.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, các ngân hàng huy động vốn nhiều nhưng cho vay không tăng tương ứng do phải xử lý những vấn đề tồn đọng. Những khoản cho vay trước đây có độ rủi ro cao khiến khả năng thu hồi vốn của các ngân hàng gặp khó khăn. Không thu hồi được một số khoản cho vay khiến các ngân hàng phải sử dụng một phần tiền huy động mới để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn thay vì dùng để cho vay. Nguồn sử dụng tiền nữa của các ngân hàng là đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cho dù lãi suất trái phiếu đã hạ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Như đã đề cập, thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã huy động được một nguồn vốn lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại là việc phát hành trái phiếu thuận lợi như vậy lại chưa giúp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện trong quý I là 35.200 tỉ đồng, tức chỉ hơn một nửa tổng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu chính phủ. Tốc độ giải ngân chậm đã khiến khả năng hỗ trợ tổng cầu từ ngân sách nhà nước không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Như vậy, có hai vấn đề lớn mà các nhà điều hành cần quan tâm hiện nay, là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại chưa nối kết được với nhu cầu đầu tư của nền kinh tế và tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa được như kỳ vọng. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến chính sách tài khóa, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân cho những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013.
Minh Hằng