Trong nhiều năm qua, cướp biển là cơn ác mộng của các nhà hàng hải, nhất là hàng hải thương mại. Tại những khu vực bị cướp biển hoành hành, họ phải cho tàu chở hàng đi vòng quanh thật xa để tránh, khiến thời gian và chi phí của chuyến đi tăng lên. Trước tình hình này, nhiều công ty hàng hải tư, phần lớn có quốc tịch Anh, đã thực hiện sáng kiến tổ chức những đội tàu chứa vũ khí neo trên biển, cho thuê vũ khí để các tàu thương mại sử dụng tự bảo vệ và không cần đi theo những lộ trình vòng vèo như trước. Nơi hoạt động của họ thuộc vùng có nguy cơ cao trên Ấn Độ Dương.
Hiện chưa có con số chính xác về số tàu trên biển hành nghề cho thuê vũ khí cùng số lượng vũ khí mà chúng mang theo, nhưng đến tháng 9-2014, Chính phủ Anh đã cấp giấy phép hoạt động cho 31 tàu chở vũ khí cho thuê trên biển và số vụ cướp biển Somali tấn công tàu hàng đã giảm rõ rệt. Vấn đề còn lại mà Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế phải giải quyết là tính minh bạch trong hoạt động của các đội tàu thuyền cho thuê vũ khí chống cướp biển, các quy định phù hợp cho chúng và tổ chức giám sát chúng như thế nào. Những mối quan tâm này không phải là thừa, nhất là khi các tàu chứa vũ khí cho thuê nằm gần những nước bất an như Somalia hay Yemen. Các nhóm khủng bố al-Qaeda và cướp biển quanh vùng này có thể cướp tàu hoặc thu giữ vũ khí để trang bị thêm cho chúng. Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm, đó là phản ứng của những nước có đội tàu hoạt động gần hay trong hải phận của họ. Trong một văn kiện gửi cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (IMO) vào ngày 19-8-2014, Chính phủ Ấn Độ cho biết họ đang bị “đe dọa nghiêm trọng bởi sự hiện diện của những kho vũ khí nổi, với một số lượng vũ khí và quân dụng không thể biết được”. Về mặt công pháp quốc tế, nếu những tàu chở vũ khí cho thuê hoạt động trong vùng biển quốc tế, không thuộc lãnh hải nước nào, thì họ không thể bị bắt giữ hay sách nhiễu, nhưng sự xác định lãnh hải ở những vị trí “nhạy cảm” trên biển không phải là điều dễ dàng. Dù sao thì các cơ quan an ninh hàng hải quốc tế cũng cảm thấy ít nhiều phấn khởi trước những chuyển biến tích cực trên các khu vực thường xuyên bị cướp biển tấn công, ngày càng có nhiều tàu hàng đi qua, tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền của. Vấn đề còn lại là một sự hợp tác quốc tế chặt chẽ nhằm đưa loại hoạt động cho thuê vũ khí trên biển vào nề nếp, được luật pháp bảo vệ và phát huy tối đa hiệu năng của nó.
Lê Cẩn theo BBC, Telegraph (DNSGCT)