Theo kết quả một cuộc khảo sát lãi suất huy động và cho vay hằng tháng vào cuối tháng 11 vừa qua của một công ty chứng khoán, lãi suất huy động bình quân tiền đồng đã có bước tăng rất nhẹ (0,03%) trong tháng 11 sau khi giữ ở mức ổn định trong hai tháng trước đó. Hiện mức lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại là 5,86%. Đây có thể là một sự khởi đầu cho xu hướng tăng dần của lãi suất, dù mức tăng chưa lớn và thời điểm nhà điều hành tiến hành điều chỉnh lãi suất cơ bản chỉ có thể đến từ năm sau. Nếu điều ấy xảy ra, năm 2015 cũng đánh dấu điểm đáy của lãi suất, bởi từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm 0,18%, có lúc giảm chỉ còn 5,69%.
Sang năm, lãi suất sẽ tăng cũng là dự báo mới nhất của Ngân hàng HSBC. Tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn đang tăng tốc vào cuối năm, góp phần không nhỏ vào mức tăng GDP khá cao trong năm nay (trên 6,5%) và cả trong năm tới. Mức lạm phát của nước ta sẽ từ mức rất thấp trong năm 2015 tăng lên khoảng 4,8% vào cuối năm 2016. Nhu cầu trong nước mạnh hơn cũng có nghĩa là tài khoản vãng lai sẽ thâm hụt tương đương 1,6% GDP và nhà điều hành có thể chọn giải pháp chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm tới để duy trì sự phát triển bền vững. Điều này đồng nghĩa với năm 2016, lãi suất cơ bản sẽ tăng trở lại, dù mức tăng được dự báo chỉ 0,5% vào thời điểm quý I. Như vậy, sau nhiều năm, đà giảm của lãi suất huy động và cho vay sẽ ngừng lại.
Ở thời điểm cuối tháng 11, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại giảm chỉ còn 9,30%, mức thấp nhất kể từ đầu năm và cũng là mức thấp nhất trong chu kỳ lãi suất hiện tại. Điều này có vẻ hơi nghịch lý (lãi suất huy động tăng nhẹ trong khi lãi suất cho vay giảm), không những thế còn có mức giảm mạnh nhất trong vòng chín tháng qua, tuy nhiên nếu xét trong tương quan cả năm thì cũng không khó lý giải. Đầu tiên, việc lãi suất huy động duy trì xu hướng giảm và ở mức thấp trong năm nay là tiền đề để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tiếp đến, những tháng cuối năm là thời gian cao điểm cho vay nên lãi suất cho vay có giảm chút ít cũng không ảnh hưởng nhiều đến tổng lợi nhuận của các ngân hàng, vì sẽ được số dư nợ cho vay tăng mạnh bù lại. Tuy nhiên, khi qua năm mới 2016, với kỳ vọng lãi suất huy động tăng nhẹ, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Việc lãi suất chưa tăng cũng giúp cho các doanh nghiệp sản xuất có thêm thời gian để vượt qua khó khăn. Nhu cầu từ thị trường bên ngoài đang yếu, trong đó có khu vực đồng tiền chung châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta, khu vực các nước ASEAN và Nhật Bản, đã ảnh hưởng xấu tới các doanh nghiệp sản xuất, cụ thể là chỉ số PMI tháng 11 của nước ta đã xuống dưới 50 điểm do lượng đơn đặt hàng giảm. Hoạt động xuất khẩu cũng giảm từ mức 8,5% trong tháng 10 xuống còn 8,3% trong tháng 11. Tình hình này khiến cho thâm hụt thương mại năm nay có thể vượt quá 6 tỉ USD.
Cũng may là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đặc biệt là kiều hối vẫn đang giúp cho cán cân thanh toán nước ta trở nên cân bằng và thặng dư. Dòng vốn FDI vẫn đang duy trì ở mức cao và có thể vượt qua ngưỡng 15 tỉ USD trong năm nay. Nguồn kiều hối thì tiếp tục dồi dào, được dự báo tăng so với mức 11 tỉ USD của năm 2014, góp phần giúp nhà điều hành thuận lợi hơn trong việc giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối cuối năm, đặc biệt khi tỷ giá đang chịu áp lực tăng ngày càng lớn.
Minh Huy (DNSGCT)