Bạn bè ông thì càng không thể quên những ngày này. Bởi vậy, lượng khán giả đến với các đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn mỗi năm mỗi tăng lên – con số của đêm nhạc Đóa hoa vô thường (12 năm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn) tại khu hồ Bán Nguyệt (Phú Mỹ Hưng) là 30 ngàn khán giả. Giống như mọi năm, khán giả từ các nơi đã xếp hàng từ 3 giờ sáng ngày 26-3 để nhận vé (dù đã có 2 ngàn vé được gửi qua mạng cho khán giả ở tỉnh nhưng nhiều người muốn nhận vé trực tiếp cho… chắc ăn).Hàng chục ngàn khán giả hâm mộ đã tạo thành một cộng đồng thưởng thức nhạc Trịnh thật dễ thương. Từng tốp người đến trước giờ biểu diễn từ ba đến bốn tiếng để trò chuyện, sinh hoạt, đàn hát trên những bãi cỏ, ở khu ẩm thực…
Khán giả yêu Trịnh Công Sơn chưa bao giờ thôi dễ thương nên ca sĩ biểu diễn dường như cũng chưa bao giờ bớt cảm xúc. Hay nhất trong đêm nhạc chính là giọng ca của Mỹ Linh. Khó mà quên được tiếng nức nở: “Nơi em về ngày vui không em/Nơi em về trời xanh không em/Ta nghe từng giọt lệ/Rớt xuống thành hồ nước long lanh” của Mỹ Linh trong ca khúc Như cánh vạc bay. Khi chị “phiêu” ở đoạn “Đời đã khép và ngày đã tắt/Đời mãi đêm và ngày mãi buồn/Em hãy ngủ đi… Người đã đến và người đã vắng/Ngoài phố kia loài người đã về/Em hãy ngủ đi” (Em hãy ngủ đi) thì đến khán giả điềm tĩnh nhất cũng phải chạm tay người bên cạnh như một sự thừa nhận. Không giống như những lần phá cách khó chạm đến cảm xúc người nghe như trước kia, ca sĩ Thanh Lam đã tiết chế hơn trong những tiết mục của mình. Không giống cái bình thản của nhạc sĩ khi thể hiện ca khúc của mình, Thanh Lam trình diễn Tiến thoái lưỡng nan nghe như có sự đau đớn. Ca sĩ trẻ Ngọc Mai, lần thứ hai xuất hiện trong các đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh và đã thể hiện tốt, như rót từng lời vào khán giả, với ca khúc Lời mẹ ru, Đường xa vạn dặm. Một người góp phần rất lớn vào linh hồn của đêm diễn – trong vai trò giám đốc âm nhạc – nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Lúc anh biểu diễn cùng chiếc kèn của mình ở cuối chương trình với Em đi bỏ lại con đường, Diễm xưa, Một cõi đi về cũng chính là lúc khán giả vỡ òa cảm xúc. Khi anh mời một bạn trẻ người Hàn Quốc song tấu saxophone cùng anh thì khán giả đã được thấy sự ngẫu hứng thú vị của nghệ sĩ. Đến cuối chương trình, toàn bộ khán giả đã đứng dậy cùng hát Nối vòng tay lớn với các nghệ sĩ thì ai cũng thấy rõ ràng âm nhạc Trịnh Công Sơn tự bao năm nay đã như một sợi dây kết nối mọi người.
Đã 12 năm từ ngày nhạc sĩ mất, những đêm nhạc Trịnh như thế này (và cả ở những không gian khác) cứ đều đặn được diễn ra, mà đêm nào cũng được làm một cách tử tế, khiến cho nhiều khán giả cảm thán: “Nhanh thật! Mới đó mà đã 12 năm”. Vì họ có cảm giác quen thuộc, như chưa xa cách nhạc sĩ bao giờ, như vẫn được “tiếp cận” với nhạc sĩ bằng cách này, cách khác – nghe nhạc ông, nghe ông nói hay nghe ông hát. Năm nay, một số bài hát đã được cấp phép biểu diễn như Người mẹ Ô Lý, Giọt nước mắt cho quê hương… và một số bài hát quen thuộc Huyền thoại mẹ, Ca dao mẹ, Xin cho tôi… đã làm nên một đêm nhạc với những ước muốn hiền hòa và thân thương. Không hiền hòa sao được, khi mà ta nghe, rồi ta nhẩm hát theo: “Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng/Giọt nước mắt thương sông, ấp ủ rong rêu/Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm/Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong (Giọt nước mắt cho quê hương); Một dòng sông trôi cuốn mãi về nguồn bấp bênh phận người (Ca dao mẹ); Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn/Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng/Cho quê hương giấc ngủ thật hiền/Rồi từ đó tôi yêu em” (Xin cho tôi). Ngồi dưới đất, chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải đi cùng ông xã (giáo sư Nguyễn Thuyết Phong) và bạn bè đã nói: “Nghe nhạc Trịnh là phải ngồi dưới đất vậy mới thích”. Người ta ngồi cùng nhau, quây quần cùng nhau, trò chuyện cùng nhau – thật gần gũi – như chính những ca khúc Trịnh Công Sơn.
Lâm Hạnh