Chỉ còn ít ngày nữa là hết năm 2014, theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước thì tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ trong khoảng 12 – 14%, đúng như chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Quan trọng hơn, theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn năm nay đi vào sản xuất với tỷ trọng lớn, đúng với định hướng của định chế này. Cụ thể, tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cả doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn đều trên mức bình quân.
Dù có những đánh giá rằng con số tăng trưởng này còn mang tính “kỹ thuật”, khi giai đoạn đầu năm tăng trưởng tín dụng èo uột, có tháng còn tăng trưởng âm nhưng đến cuối năm là lại về đích an toàn, nhưng theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng năm nay là khá đều chứ không đến mức dồn dập vào thời điểm cuối năm như những năm trước. Lý giải cho việc tín dụng tăng trưởng mạnh vào cuối năm, vẫn là nhờ nền kinh tế phục hồi tích cực hơn và các khách hàng doanh nghiệp cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho mùa lễ tết cao hơn – một lý do quen thuộc.
Trái với những lo ngại trước đây về tăng trưởng tín dụng ngoại tệ có thể vượt xa tăng trưởng tín dụng tiền đồng, thực tế cho thấy năm nay hai con số này cũng tương đương nhau, nên không tác động gì đến thay đổi tỷ giá và chính sách tiền tệ. Về cơ bản, mức lãi suất cho vay giữa tiền đồng và ngoại tệ hiện không quá chênh lệch như thời điểm đầu năm và đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ dù bị hạn chế cũng không ảnh hưởng đến các hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp để phục vụ cho việc sản xuất – kinh doanh.
Một điểm tích cực nữa trong hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại trong năm nay, theo Ngân hàng Nhà nước, là tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong tổng lượng tín dụng đang ngày càng tăng. Chính sách mới cũng khuyến khích điều này, cụ thể là Thông tư 36 được Ngân hàng Nhà nước ban hành nâng tỷ lệ cho phép dùng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 30% lên 60%. Hiện tín dụng trung và dài hạn chiếm khoảng 36 – 37% tổng dư nợ và Thông tư 36 sẽ giúp các ngân hàng thương mại mở rộng thêm đối tượng cho vay trung và dài hạn. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tín dụng trung và dài hạn, đặc biệt hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được quan tâm hơn nữa, bởi nhóm này hiện chiếm tỷ lệ gần 90% số doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp khoảng 40% GDP cho nền kinh tế.
Vài năm trở lại đây, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nhiều chính sách ưu đãi cả về lãi suất, thời gian lẫn những dịch vụ phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều cho biết rất khó để vay vốn ngân hàng, đặc biệt là vay vốn trung và dài hạn. Tỷ lệ tín dụng dành cho nhóm này cũng chưa tương xứng. Với số lượng chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp, nhưng tổng dư nợ của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm 25%, tương đương 896 ngàn tỉ đồng. Lý do thường được các ngân hàng đưa ra là các doanh nghiệp tốt thì không có nhu cầu vay vốn dù ngân hàng đã chào mời với nhiều ưu đãi, còn với các doanh nghiệp khó có khả năng trả nợ rất muốn vay nhưng ngân hàng không dám cho vay vì sợ nợ xấu. Giải quyết được cái vòng lẩn quẩn này, chúng ta mới có thể vui với việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Dòng vốn ngân hàng chảy vào khu vực kinh tế tư nhân, những doanh nghiệp nhỏ và vừa càng thông suốt, tăng trưởng tín dụng càng góp phần tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Minh Hằng (DNSGCT)