Đó là một chợ nhỏ cuối tuần bày bán nhiều sản phẩm đến từ Việt Nam, song với nhiều du khách và cư dân Việt sống, làm việc tại thủ đô Thái Lan thì điều hấp dẫn họ lại là các món ăn Việt được chế biến khéo léo, ngon lành chẳng khác gì bếp núc của người Việt ở quê nhà, với đầu bếp là người bản xứ – đúng hơn là người Thái gốc Việt vốn đã định cư ở đây hơn hai thế kỷ.
Chợ nằm trong một con hẻm lớn có tên Mitrakham, cũng là một khu dân cư được gọi là Baan Yuan, tiếng Thái có nghĩa là “Khu người Việt”, cách bờ sông Chao Phraya không xa. Đó là nơi sinh sống, làm ăn của một cộng đồng người Việt đông nhất và lâu đời nhất tại Bangkok. Cư dân người Việt đã đến đây từ thế kỷ XVII, vào triều đại Ayutthaya (một vương quốc tồn tại từ 1351 đến 1767). Họ là giáo dân phải bỏ xứ ra đi vì chính sách cấm đạo Thiên Chúa hà khắc dưới thời nhà Nguyễn. Định cư ở quê hương mới, họ đã xây dựng nhà thờ Thánh Giu-se. Năm 1765 khi quân Miến Điện mở cuộc tấn công kinh đô Ayutthaya, nhà thờ Thánh Giu-se bị đốt cháy.
Tuy nhiên sau cuộc chiến tranh đó, cộng đồng người Việt vẫn tiếp tục định cư ở Mitrakham và ngày càng tăng dân số. Năm 1834 nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội được xây dựng tại đây và được dân bản xứ gọi là “Nhà thờ của làng người Việt” (Bot Ban Yuan). Đến năm 1851, dưới triều Vua Rama IV, thêm một nhà thờ nữa được xây tại Mitrakham, đó là nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Xa-viê (St Francis Xavier), nay trở thành trung tâm của cộng đồng người Việt tại hẻm Mitrakham. Và cái chợ nhỏ chỉ phục vụ ẩm thực Việt vào mỗi sáng Chủ nhật, từ 6g – 10g, ở ngay phía sau giáo đường nổi tiếng này.
Quán của bà Som Sri ở một góc đường, cách nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Xa-viê khá xa, được nhiều người biết đến với món kuay jab yuan hay bánh canh – nấu với thịt heo hay thịt gà – ngon ngọt mà không cần nêm nếm bột ngọt, bột nêm. Khi ăn chỉ cần thêm vào tô bánh canh một chút ớt, thêm một chút nước mắm và vài giọt giấm.
Thật ra, bánh canh của bà Som Sri có nước dùng sánh hơn bánh canh được bán trên đường phố Sài Gòn, trông gần như một sự pha trộn giữa cháo với bánh canh. Cũng ở đó có món bánh cuốn đặc trưng Việt, được tráng bằng bột gạo ngâm qua đêm, và tráng rất mỏng với nhân làm bằng thịt gà, nấm mèo, hành tím…; khi ăn phải thả chiếc bánh vào chén nước mắm chua ngọt mới đúng điệu. Cũng không thể thiếu ở chợ ẩm thực này là các món ăn Việt như nem nướng, chả chiên, giò chả… và cả bánh gai nhân dừa, đậu xanh ngọt lịm.
Nhiều du khách người Việt khi sang Thái, đến Bangkok đã tìm đến hẻm Mitrakham để trải nghiệm các món ăn quê nhà, đồng thời tham quan, tìm hiểu một cộng đồng người Việt đã sống lâu đời tại đây. Mặt khác, nhiều người Việt là giáo dân Công giáo sang Thái Lan làm việc thường đến đây vào sáng Chủ nhật hằng tuần để đi lễ nhà thờ và mua sắm, ăn uống cuối tuần.
Trên trang mạng Saigoneer mới đây đã có một phóng sự ảnh sinh động về chợ ẩm thực ở hẻm Mitrakham. Phóng viên Mervin Lee đã thật bất ngờ khi gặp một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam màu vàng đứng bán hàng ăn, và khi anh cố sử dụng vốn tiếng Thái ít ỏi mới học để hỏi thăm thì được trả lời ngay bằng tiếng Việt: “Em tìm người biết tiếng Việt phải không?”. Chị Dong, người bán hàng mặc áo dài Việt, nói tiếng Việt bằng giọng chuẩn của người miền Trung đã cho Mervin xem những hình ảnh lưu trong iPad về chuyến đi thăm Huế gần đây của chị, và còn cho biết chị mặc áo dài vì “yêu Việt Nam”. Món ăn chị bán là chả chiên trong chảo dầu sôi, chiếc bàn bên cạnh chị bày mấy chiếc bánh chưng, món ăn truyền thống của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán.
Mervin Lee thường đến Sài Gòn vì công việc tại Saigoneer nên anh nhận ra ngay món chả chiên tươi ngon, hương vị đúng kiểu Việt Nam. “Đúng rồi em. Đó là món ăn Việt”, chị Dong nói. Một khách hàng của chị Dong là anh Hải, quê Nghệ An cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy món chả chiên tại đây”. Anh và các bạn làm việc ở Bangkok và thường đi lễ tại nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Xa-viê vào mỗi sáng Chủ nhật. Chị Dong còn mời họ nếm thử bánh gai do chị làm. Chị còn cho biết vài người bán hàng thường bày bán phía sau nhà thờ sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khó, thiếu ăn thường tập trung ở nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật.
Chỉ tay về phía một cô bán hàng trông “phát tướng”, chị Dong bảo: “Đến chỗ Pee Pet béo béo đi, cô ấy làm bánh cuốn ngon nhất ở Baan Yuan đấy”. Vừa tráng xong mẻ bánh cuốn cuối cùng trong buổi chợ, Pee Pet cho biết mẹ của cô – bà Pee Pin là người Việt. Bà Pee Pin và gia đình bà sống với nghề bán bánh xèo và bánh cuốn suốt bao năm qua. Bánh cuốn của Pee Pet có hương vị chẳng khác gì bánh cuốn ở Việt Nam nhưng theo Mervin nước mắm chấm bánh cuốn thì không đặc sắc như anh mong đợi.
Cũng tại khu chợ Việt ở hẻm Mitrakham còn có cửa hàng của chị Bé bán nhiều loại thực phẩm Việt Nam, rồi Nhà hàng Pa Ke của cô Quy vốn đã tồn tại 60 năm nay kể từ ngày khu chợ được hình thành phía sau nhà thờ. Cô Quy thuộc thế hệ thứ tư những người Thái gốc Việt sinh sống ở đây. “Chúng tôi vẫn nói tiếng Việt hằng ngày”, cô Quy tự hào cho biết. Trong thực đơn nhà hàng của cô Quy có nem nướng, món ăn được yêu thích của cả người Thái lẫn người Việt (trong thực đơn ghi là nem neung).
Nem nướng Nhà hàng Pa Ke có mùi vị tựa như sự kết hợp giữa món nem lụi xứ Huế với thịt viên nướng. Cô Quy cũng làm món bún chả quen thuộc của người Việt song người Thái lại không thích cách ăn bún chả kiểu Việt Nam, nghĩa là trộn rau vào tô bún với thịt nướng, vì vậy Nhà hàng Pa Ke hiện bán món bì bún mà thành phần gồm: thịt, bún, bì (heo), rau, đậu phộng giã và nước mắm chua ngọt.
Sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến xe bán món chuối nướng của hai mẹ con ở không xa khu chợ. Chuối nướng được bán hằng ngày, nhưng chỉ vào mỗi sáng Chủ nhật thì khu chợ ẩm thực mới đông vui, thú vị. Một địa chỉ ẩm thực đáng nhớ với những ai từng ghé đến.