Fansipan, giới du lịch gọi tắt là Fan, ngọn núi cao nhất được mệnh danh “nóc nhà Đông Dương”. Ngắm không ảnh có thể thấy Fan hùng vĩ nhưng Fan còn được đánh giá có địa hình phức tạp chênh vênh, là một trong những cung độ đẹp nhất Việt Nam với giới leo núi.
Mặc dù tháng 3 hoặc tháng 11 là hai thời điểm đẹp, thuận tiện nhất để leo Fan, nhưng tôi chọn giữa tháng 2 vì tin rằng mỗi thời điểm có nét quyến rũ riêng và thích không gian ít người. Tháng 2, nhiệt độ từ 10-20 độ, sương mù và không khí lạnh luôn quẩn quanh sườn núi tới trưa, có khi cả ngày. Và đỗ quyên, nữ hoàng của các loài hoa rừng Tây Bắc mới vừa chớm nụ.
Sau nhiều đắn đo, nhóm hai người chúng tôi chọn cung độ cao nhất, ít người đi nhất. Thời gian bốn ngày. Là dân mê dã ngoại, độ khó luôn mang lại cảm hứng đặc biệt cho giới leo núi. Những con dốc cheo leo, đường đi hiểm, vách đá ngáng đường, những con suối sâu, đường đi chưa thành lối luôn thách thức người thích chinh phục. Nhưng hành trình luôn hứa hẹn những bất ngờ, độc đáo.
Anh hướng dẫn hơn 40 tuổi tên Lành cùng hai bạn trẻ người H’Mông khuân vác đồ ăn và lều ngủ (thường gọi là porter) đón nhóm tại khu du lịch Cát Cát, ở độ cao 1.245m. Chúng tôi đi dọc thung lũng Sín Chải, vượt qua nhiều khe suối, leo lên các triền đồi để đến độ cao 1.800m nghỉ chân. Đây có lẽ là khu vực đã quá tải vì sự tác động của con người đến mức các dòng suối cạn trơ sỏi đá, cây cối xơ xác cằn cỗi, nhiều gốc bị cháy nham nhở. Sau khi ăn trưa nhẹ, chúng tôi di chuyển lên độ cao 2.400m.
Đoạn đường đi qua mấy sườn đồi nơi có rừng thảo quả nằm rạp xác xơ. Anh Lành giải thích, vườn thảo quả bà con trồng nhưng trận mưa đá trước đó làm hỏng hết. Thảo quả vừa là gia vị, vừa là thảo dược quý phù hợp với khí hậu một số vùng núi Tây Bắc. Những cơn mưa đá và sương tuyết rơi đậm phá hoại nghiêm trọng mùa màng, cây cối của bà con. Gia súc thì chết vì quá lạnh hoặc không đủ thức ăn. Mỗi lần như thế, trồng hay chăn nuôi lại, phải mất vài năm.
Trong rừng, một vài bông đỗ quyên đỏ đã khoe sắc. Nhưng hai bạn porter khẳng định muốn ngắm đỗ quyên nở nhiều thì phải độ tháng 3, đẹp nhất là đứng từ triền núi này ngắm các vạt hoa ở triền núi khác, màu sắc đan xen, rực rỡ. Nhưng cũng không bằng trước đây vì việc chặt phá rừng, làm công trình du lịch đã phá nhiều cây cối.
Nơi nghỉ đêm đầu tiên, có nhóm bạn trẻ từ Sài Gòn và Hà Nội cũng leo Fan đã dựng lều nghỉ, đang trò chuyện rôm rả về cảnh đẹp và hình ảnh chụp ngày leo đầu tiên. Ăn xong thì cơn buồn ngủ kéo đến sau một ngày leo rừng đầy hào hứng nhưng mệt mỏi. Tiếng suối róc rách, và tiếng gió luồn qua các tán cây như tiếng thì thầm có phép mầu kéo sụp mí mắt và đẩy bộ não chìm vào giấc ngủ ngay lập tức khi vừa chui vào túi ngủ trong chiếc lều nhỏ ấm áp giữa rừng.
Ngày thứ hai, mở mắt đã thấy những tán lá như đang đua nhau che màu xanh của bầu trời phía trên nóc chiếc lều làm bằng nhựa trong. Không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng có tiếng hướng dẫn và porter chuẩn bị bữa sáng.
Ăn sáng xong nhóm di chuyển lên độ cao 2.900m dọc sườn của Fan, nơi giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Gió khu vực này thổi khá mạnh khiến rừng trúc và rừng đỗ quyên chỉ có tầm thấp. Nhưng ở đây lại có rừng tùng xen lẫn với nhiều cây lớn đẹp và hùng vĩ. Cây, cành, lá tạo dáng và đung đưa trong gió như vũ công khiêu vũ trong làn khói sương màu trắng, tạo thành những hình thù đa dạng độc đáo. Anh Lành kể khi còn nhỏ từng thấy những cây tùng to 5-6 người ôm, nhưng đã bị chặt hết.
Chưa hết thích thú với rừng tùng thì rừng trúc mang lại cảm giác đối lập. Hàng loạt cây trúc khô ngả màu xám đen vươn lên nền trời như những mũi chông. Phía dưới là những mầm trúc xanh, nhỏ đang vươn lên. Hai bạn porter kể không hiểu sao trong vòng 3 năm, rừng trúc nở hoa rồi chết hết. Các cây con đang lớn lên thay thế. Nhưng trúc tại độ cao này được một số nghệ nhân H’Mông tìm kiếm, nói rằng làm sáo, âm thanh vang và bền hơn. “Năm 2013, tôi được thuê đi tìm cây trúc già ở độ cao từ 2.600-2.800m và 2.900-3.100m. Cứ 30cm họ trả tôi 10.000 đồng. Tôi kiếm được khoảng trăm cây. Đoạn trúc nào mà làm thành sáo, bán có khi cả 10 triệu đồng”, anh Lành kể.
Đây cũng là một trong những địa điểm ngắm dãy Hoàng Liên Sơn trập trùng hùng vĩ với tầm nhìn 360 độ. Kiến tạo địa chất hình thành những dãy núi được phủ xanh như những đoạn xương sống của đất nhấp nhô ngay dưới tầm mắt. Nếu đi vào tháng 11, từ nơi này còn được ngắm biển mây trắng phía dưới.
Ngắm nhìn và tận hưởng mọi chiều của không gian, nhóm xuyên qua rừng tùng khác, xuống độ cao 2.400m ăn tối và ngủ đêm. Vỏ gói mì, chai lọ, hay túi đựng bánh kẹo là những thứ dễ nhận ra trên suốt quãng đường đi và chỗ nghỉ mà người hướng dẫn đổ lỗi cho cả khách, lẫn những người chặt gỗ xả ra rừng. Các thành viên phải liên tục nhắc nhau gom hết rác thải của nhóm mang theo xuống núi.
Khu vực nghỉ đêm thứ hai cũng cạnh suối nhưng ít cây lớn, gió thổi mạnh nên khá lạnh. Vì là rừng trúc nên không được giữ lửa qua đêm, nhóm phải đun nước ấm cho vào chai, chèn vào túi ngủ. Nửa đêm lều bị gió thổi nghiêng. Sáng dậy lạnh run, phải dùng nước ấm đánh răng rửa mặt.
Đích đến của ngày thứ ba là đỉnh Fan. Sương mù dày đặc, cây cối đẫm sương. Cả nhóm mặc thêm áo mưa, vừa giữ ấm, vừa giúp quần áo không bị ướt vì sương. Sương mù dày đến mức người đi sau vài bước chân không thấy rõ người đi trước. Đây là đoạn khó nhất trong hành trình do đường dốc, trơn trượt, hiểm trở. Lối mòn cũng không rõ vì ít người đi.
Dân leo núi thích những đoạn này, vì họ chứng tỏ khả năng giữ thăng bằng khi leo và kiểm chứng những đôi giày có đế bám vào đá hiệu quả. Sau khi hệ thống cáp treo được xây dựng, cung đường này nguy hiểm hơn do các đơn vị thi công cáp treo đào đất, san đồi, phá đá, bạt rừng để dựng các cột đỡ hệ thống cáp. Nhiều vật dụng, ván gỗ, sắt thép, thậm chí cả thiết bị máy móc sau khi dùng xong bị vứt bỏ lăn lóc trong rừng.
Nhóm tới đỉnh Fan sau 12 giờ trưa. Sương mù vẫn bao quanh đỉnh núi. Một số bạn trẻ đi cáp treo đang chờ tới lượt chụp tấm hình với biểu tượng cột mốc, check-in khoe hình trên mạng xã hội. Gần đây, hướng leo Fan bằng đường bộ dường như đã bị chặn đoạn lên đỉnh núi do đơn vị đầu tư xây dựng hệ thống bao quanh lấy cớ đảm bảo an toàn cho du khách. Tuy nhiên, với dân leo núi, hành trình trải qua thú vị hơn nhiều so với tấm hình trên đỉnh.
Rời đỉnh cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn, nhóm di chuyển xuống điểm 2.800m ăn trưa rồi tiếp tục xuống điểm 2.100m ăn tối và nghỉ đêm. Đường đi xuống phần lớn là những ngọn đồi thoai thoải và bằng phẳng. Đây chính là cung leo Fan dễ nhất mà nhiều khách du lịch chọn đi về trong ngày hoặc ngắn ngày. Vườn quốc gia dựng nhiều trạm nghỉ tiện lợi phục vụ khách, thuê nhiều người dân địa phương hướng dẫn hoặc cõng đồ ăn lên các trạm nghỉ. Nơi này do vườn quốc gia cung cấp có nhà sàn, phòng tắm tiện nghi, thậm chí tối còn đốt lửa giữa nhà sàn, ngồi ôn lại quãng đường đã đi qua trước khi chìm vào giấc ngủ ấm áp, lấy lại sức hôm sau đi thêm một đoạn về Trạm Tôn, kết thúc hành trình.
Leo Fan hay ngồi cáp treo lên đỉnh Fan đều có những đối tượng khách riêng, nhưng giá trị của hai hành trình hoàn toàn khác nhau. Và một khi có biến cố bất ngờ xảy ra, như đại dịch, du lịch đại trà bị hạn chế, chính những nhóm du lịch nhỏ, lẻ, nếu biết khai thác sẽ là sản phẩm mang lại nguồn thu bền vững cho người lao động địa phương.