Trekking và phượt kiểu xuyên rừng, vượt thác với những trải nghiệm đầy vất vả nay trở thành thú vui của nhiều người, muốn thử thách bản thân và nâng cao sức chịu đựng của con người trước khó khăn, nghịch cảnh. Lên rừng tìm chốn an yên, lắng nghe những âm thanh tuyệt vời của tiếng suối reo, tiếng chim rừng nơi đại ngàn xanh ngát cũng là hành trình mà người bận rộn đi tìm “con người mới”. Những điểm đến còn khá nguyên sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp nhiều rất được ưa chuộng…
Mỗi chuyến đi bắt đầu từ lúc mặt trời chưa kịp ló dạng đến tối mịt, hành trình có thể kéo dài đến hơn 50km, vừa đạp xe, vừa chạy marathon, vừa đi bộ như đi… ăn cướp để kịp ngắm hoàng hôn… Họ đi du lịch nhưng luôn phải đổ nhiều mồ hôi, có khi mệt đến thở không ra hơi. Những tình trạng như kiệt sức, đói khát, lạc đường, bơ vơ trong rừng, vọp bẻ, chấn thương… là điều khó tránh khỏi. Nhiều người còn hào hứng thức khuya, dậy sớm xuyên rừng để đón khoảnh khắc bình minh hay hoàng hôn nơi hoang vu rừng núi.
Vì sao người “đầu bù tóc rối” với việc kinh doanh, văn phòng mà vẫn dành thời gian để tham gia những hành trình “hành xác” như vậy? Theo chia sẻ của anh Nguyễn Hoàng Vinh, chuyên viên kiểm định chất lượng một công ty dệt ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng điều quan trọng nhất trong mỗi chuyến đi là phát hiện ra chúng ta mạnh mẽ hơn mình từng nghĩ. Có những giới hạn về sức chịu đựng những tưởng không thể vượt qua nổi nhưng sức mạnh của ý chí quả là vô hạn. Sự động viên của những người đồng hành và sự tự động viên trở thành nội lực vượt qua mọi thử thách của thiên nhiên.
“Chúng tôi đi trên những con đường mòn lưng chừng dốc, đi trên sống lưng của những quả đồi, len dưới những khu rừng thông và rừng tạp, băng qua những con suối lớn nhỏ, leo bức tường thẳng đứng dốc 90º để lên thác Yavly, đi trong cơn mưa đêm từ thác Yavly về nhà ông già Lê (một gia đình người Raglai)… Nhìn hình ảnh thì thấy hành trình là đường mòn nghĩ rằng rất dễ đi. Nhưng thực tế, con đường hoàn toàn không thiện ý với những người đi bộ. Bởi nó bị khoét sâu, có đoạn sâu hơn nửa mét, xe “đặc dụng” của mấy anh cửu vạn cũng phải thua. Người đi bộ chỉ có thể men theo các rãnh sâu đó, dốc và bùn lầy, chỉ một chút bất cẩn có thể còn không biết mình đã nằm dưới vực hoặc đâu đó bên sườn dốc”, đây là chia sẻ của anh Trần Đình Thọ, biên tập viên của một tạp chí về kiến trúc về cung đường Tà Năng – Phan Dũng. Anh cho biết thêm: “Không phải lúc nào ta cũng sẵn sàng băng rừng 50 – 60km trong ba ngày nếu không có sự chuẩn bị một chút về thể lực và tâm lý. Đã có những hoang mang nhất định khi cả nhóm đi lạc ở đoạn cuối tìm lên thác Yavly, đã có những đôi chân phồng rộp, đã có những ý nghĩ rằng nếu ngồi xuống rồi thì sẽ không đứng lên được nữa… Nhưng chúng tôi đã về đích. Đặc biệt, chúng tôi đã vượt qua giới hạn khi “chịu đựng” được những vấn đề về công tác tổ chức, những thất vọng về cái gọi là tính “chuyên nghiệp” của người trưởng đoàn…”.
Có thể nói, những chuyến băng rừng lội suối là trải nghiệm để giải tỏa căng thẳng vô cùng hữu hiệu. Chỉ cần hòa mình vào thiên nhiên, đổ mồ hôi trên những con đường mới, “trầy vi tróc vảy” vượt qua từng đoạn núi cao, suối sâu là hầu hết chúng ta có thể “vứt bỏ” mọi tính toán, suy nghĩ công việc, giống như một cách thiền. Trekking ở thác Mai (Đồng Nai) còn có bàu nước nóng rộng khoảng 7 hécta, nước có nhiệt độ từ 50-60 độ C, chứa các thành phần khoáng chất có tác dụng tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, những chuyến đi cũng cho bài học là cần xây dựng nền tảng sức khỏe, tìm hiểu, lên kế hoạch cho đường chạy đồng thời đón nhận, xử lý, ứng biến nhanh trước các sự cố để đến đích.
Một địa chỉ mà dân trekking ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai khá quen thuộc là Công ty TNHH Du lịch Bói Cá Việt (VietKingFisher) ở ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp rất trẻ của một nhóm khởi nghiệp mà giám đốc là chàng trai Nguyễn Đình Hiếu. Nhóm đi chinh phục đại ngàn với Hiếu VietKingFisher thường được giới thiệu đến ở nhà bà Đất Homestay, người mà Hiếu hay gọi là “mẹ” một cách trìu mến. Sống dăm ngày trong nếp nhà của người phụ nữ quê vén khéo, hay lam hay làm này, chúng ta sẽ có những trải nghiệm thú vị khác như: học cách làm tương bần, làm mắm tép rồi tự ra vườn hái rau về luộc chấm với mắm tự làm; học cách nấu cơm bằng bếp củi… Không gian yên bình, không khí trong lành, mớ rau con cá ngay trong ao vườn… khiến các đoàn trekking như quên hết những mối lo toan trong cuộc sống.
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên hiện là một trong những nơi thu hút người mê “phượt” ở TP. Hồ Chí Minh. Ngay từ những cơn mưa cuối cùng báo hiệu sắp chuyển sang mùa khô, từng đoàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đủ mọi lứa tuổi, quốc tịch, màu da đến VQG Cát Tiên “săn” chim. Không thiếu các công ty lữ hành nổi tiếng như: Vietnam Birding, Vita Tours Wild Tours, Wings Birding, Tour Worldwide, Bird Quest… đều thường xuyên tổ chức các chuyến thám hiểm về rừng này. Ông Chung Giáo Đức, là lớp hướng dẫn viên đầu tiên của VQG Cát Tiên với hơn 30 năm gắn bó, kể: “Nhiều doanh nhân trong và ngoài nước về đây cả tuần, băng rừng, vượt suối bất kể ngày đêm, mưa nắng chỉ để theo dấu các loài chim. Họ rất am hiểu về tập tính, sinh cảnh, mùa di cư của từng loài. Ống nhòm hoặc kính viễn vọng của họ luôn trong tư thế sẵn sàng để nhanh chóng nhận dạng các loài chim ngay cả khi chim bay vụt qua, hoặc lẩn khuất trong các vòm cây, khe lá. Họ bỏ hàng giờ chỉ để quan sát hình dạng, màu sắc, giọng hót, cách bay, cách bắt mồi, làm tổ… của một loài chim với tất cả sự say mê, hào hứng”.
- Ngân Phan