Úc sẽ bắt buộc Google và Facebook chia sẻ doanh thu quảng cáo với các hãng truyền thông của Úc. Đây là diễn mới nhất trong cuộc đấu giữa các chính phủ trên toàn cầu phát động nhằm vào các nền tảng số hóa khổng lồ để bảo vệ ngành báo chí ở nước của họ.
Đòi công bằng cho báo chí
Hãy thử tưởng tượng rằng bạn gõ một lệnh tìm kiếm vào Google về thông tin dịch Covid-19 hay chiếc smartphone có cấu hình cao với mức giá tốt nhất nhưng kết quả hiện ra không bao gồm các thông tin từ các hãng truyền thông truyền thống.
Có nghĩa là kết quả tìm kiếm sẽ không hiện ra bất cứ bài viết nào của các phóng viên về dịch Covid-19 và cũng chẳng không có bài bài viết thẩm định độc lập của phóng viên công nghệ về smartphone.
Liệu lúc đó bạn có còn thấy Google hữu ích không?
Đây cũng là vấn đề trọng tâm mà chính phủ Úc muốn nhắc nhở Google và Facebook khi yêu cầu hai nền tảng số hóa khổng lồ này phải trả phí cho các tờ báo Úc nếu hiển thị nội dung các bài viết của họ trên kết quả tìm kiếm của Google hay mục feed của người dùng Facebook.
Hôm 20-4, Bộ trưởng tài chính Úc, Josh Frydenberg, cho biết Úc sẽ soạn một bộ quy tắc bắt buộc để yêu cầu Googe, Facebook trả phí nếu sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông Úc. Frydenberg cho biết các công ty công nghệ có thể bị bắt buộc trả một phần chi phí sản xuất nội dung của các nhà phát hành báo chí hoặc trả phí dựa vào giá trị doanh thu mà nhận được từ nội dung của các bên thứ ba.
Ông nói mức phí có thể lên đến hàng triệu đô la mỗi năm.
Frydenberg nhấn mạnh việc các hãng thông được trả tiền cho nội dung mà họ tạo ra là điều công bằng. Ông cho hay quyết định này được đưa ra sau khi truyền thông Úc phàn nàn Google và Facebook không tích cực đàm phán một bộ quy tắc tự nguyện.
Ngành báo chí Úc cho rằng hai ông lớn công nghệ này đang thâu tóm thị phần quảng cáo, đe dọa nguồn thu nhập chính của họ.
Phát biểu với báo chí tại Canberra, ông Frydenberg nói: “Chúng tôi đang đối đầu với các công ty lớn nhưng quyền lợi (của báo chí) cũng đang bị đe dọa nên chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc đấu này”.
Một khảo sát của Đại học Canberra (Úc) cho thấy có đến 46% người được hỏi cho biết họ sử dụng các mạng xã hội như Facebook để đọc tin tức và có 18% người được hỏi xem Facebook là nguồn thông tin chính của họ.
Chính phủ Úc đang yêu cầu Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Úc (ACCC) phác thảo bộ quy tắc bắt buộc để các nền tảng số hóa như Google, Facebook phải trả phí cho những nội dung báo chí Úc mà họ sử dụng. ACCC được giao thời hạn soạn xong bộ quy tắc này vào tháng 7 tới để quốc hội Úc bỏ phiếu thông qua.
Bộ trưởng Frydenberg cho biết bộ quy tắc sẽ yêu cầu Google và Facebook chia sẻ dữ liệu xếp hạng và hiển thị nội dung tin tức của báo chí Úc trên các nền tảng của hai ông lớn công nghệ này cũng như chia sẻ doanh thu quảng cáo mà họ kiếm được từ các nội dung tin tức đó.
Ngoài ra, bộ quy tắc sẽ bao gồm các quy định thực thi, xử phạt cũng như cơ chế dàn xếp tranh chấp giữa các hãng truyền thông Úc với các nền tảng số hóa toàn cầu.
Nếu bộ quy tắc này được quốc hội Úc thông qua, Úc sẽ là nước đầu tiên trên thế giới bắt buộc các nền tảng số hóa phải trả tiền để sử dụng nội dung tin tức báo chí trên các nền tảng của họ.
Facebook bày tỏ thất vọng với tuyên bố trên của chính phủ Úc. Trong khi đó, Google cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với báo chí Úc để xây dựng bộ quy tắc nói trên.
Truyền thông Úc lao đao vì dịch Covid-19
Bộ trưởng Tài chính Úc Frydenberg tin tưởng Úc sẽ không gặp thất bại trong cuộc chiến đòi Google và Facebook trả phí cho nội dung tin tức giống như Pháp và Tây Ban Nha. Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher nói rằng Úc có cách tiếp cận khác châu Âu, đó là sử dụng luật cạnh tranh, thay vì luật bản quyền để chống lại Google và Facebook.
Động thái trên của chính phủ Úc được đưa ra giữa lúc đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến hoạt động kinh doanh của báo chí Úc với một số hãng truyền thông lớn của Úc đang chứng kiến doanh thu quảng cáo sụt giảm mạnh.
Mới đây, Tập đoàn truyền thông News Corp, công ty mẹ của Dow Jones & Co., nhà phát hành nhất báo The Wall Street Journal, đã phải tạm ngừng in 60 ấn phẩm báo chí ở Úc do doanh số sụt giảm.
Thị trường quảng cáo trực tuyến của Úc có giá trị gần 9 tỉ đô la Úc (5,72 tỉ đô la) mỗi năm, tăng gấp 8 lần kể từ năm 2005.
Theo một báo cáo của ACCC, cứ 100 đô la Úc chi cho quảng cáo trực tuyến ở Úc (không tính mục rao vặt), Google và Facebook nhận được gần 1/3.
Google và Facebook kiếm được nguồn thu khổng lồ từ quảng cáo trực truyến nhờ thu hút người dùng truy cập vào các nền tảng của họ. Để tăng lượng truy cập, các nền tảng này sử dụng những dòng tiêu đề, đoạn trích nội dung tin tức hoặc đường link dẫn đến các bài báo.
Trong những năm qua, nhiều hãng truyền thông trên thế giới tìm cách buộc Google và Facebook trả phí cho việc sử dụng nội dung tin tức của họ.
Trước đó, các ông lớn công nghệ phản đối việc trả phí sử dụng nội dung tin tức và chỉ đóng góp cho báo chí dưới dạng các khoản hỗ trợ thông qua các tổ chức từ thiện vì cho rằng các trang tin tức báo chí cũng được hưởng lớn nhờ nhận được lượng truy cập lớn được điều hướng từ các nền tảng số hóa như Google News.
Gần đây, các ông lớn công nghệ bắt đầu có thái độ mềm mỏng hơn. Năm ngoái, Facebook cho biết sẽ trả phí cho một số hãng tin có thể lên đến mức 3 triệu đô la Mỹ/năm để được phép sử dụng các dòng tiêu đề và bản tóm tắt hoặc toàn bộ bản tin của họ trong mục tin tức của Facebook.
Năm ngoái, Apple ra mắt ứng dụng đọc tin Apple News+ để cung cấp các bài báo từ các tạp chí và tờ báo uy tín cho những người dùng trả phí và dĩ nhiên, Apple chia sẻ phí này lại cho các nhà phát hành.
Một số nước khác cũng tìm cách gây sức ép buộc Google phải trả phí cho các nhà phát hành báo chí nếu sử dụng nội dung tin tức của họ.
Tây Ban Nha đã thông qua luật yêu cầu Google phải trả phí khi sử dụng nội dung của các hãng tin ở nước này. Google đối phó bằng cách đóng cửa dịch vụ Google News tại Tây Ban Nha vào năm 2014.
Năm ngoái, Pháp sử dụng quy định bản quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã buộc Google phải trả tiền để được phép hiển thị nội dung mở đầu của các bài báo. Google lách luật bằng cách chỉ hiển thị tiêu đề và đường link của các bài báo của các hãng tin Pháp trong kết quả tìm kiếm.
Google cho rằng chỉ bán quảng cáo chứ không bán kết quả tìm kiếm nên không trả phí cho các nội dung tin tức được hiển thị trong kết quả tìm kiếm. Lập luận này đúng nhưng không ngay thẳng.
Sức hút của Google đối với người dùng, hay nói cách khác lý do người dùng truy cập vào Google và giúp hãng tìm kiếm này kiếm bộn tiền từ quảng cáo, là vì họ có thể tìm thấy bất cứ thông tin nào họ muốn biết bao gồm những thông tin từ báo chí.